Vì sao hành khách có cảm giác hẫng khi máy bay cất cánh?
Hành khách không cần phải lo ngại về cảm giác này.
Trong giai đoạn máy bay lấy độ cao, hành khách thường trải qua cảm giác “hẫng". Với những người ít hoặc chưa từng đi máy bay, hiện tượng này gây cảm giác bất ngờ, đôi khi sợ hãi.
Trên thực tế, hành khách không cần lo ngại về hiện tượng này. Trước tiên cần hiểu về quá trình cất cánh. Tốc độ cất cánh yêu cầu đối với máy bay thương mại khoảng 240-285 km/h.
Trong giai đoạn này, cánh tà và cánh trước hạ xuống nhằm tăng diện tích bề mặt và độ uốn cong cánh, giúp tăng lực nâng. Khi lực nâng chiến thắng trọng lực, máy bay cất cánh lên trời.
Khi máy bay lên không trung, phi công duy trì tốc độ cho đến lúc đạt độ cao an toàn. Khi tới độ cao nhất định, phi công giảm lực đẩy để máy bay tiến vào trạng thái ổn định độ cao và tốc độ.
Máy bay cũng không cần dùng cánh tà và cánh trước để tăng diện tích bề mặt nữa nên phi công thu chúng lại vị trí ban đầu. Quá trình giảm lực đẩy, thu lại cánh tà và cánh trước khiến máy bay chậm lại, làm cho hành khách cảm giác như bị rơi xuống.
Ngay cả khi cảm giác hẫng khiến dạ dày như “tụt xuống” thì hiện tượng này hoàn toàn bình thường và không có gì phải lo sợ. Cơ thể con người chỉ đang cố gắng bắt kịp sự thay đổi động lượng của máy bay. Trên thực tế, dù thu lại cánh tà, cánh trước và giảm lực đẩy, máy bay vẫn tiếp tục tăng độ cao, chỉ là không tăng nhanh hay dốc như trước.
Việc giảm lực đẩy đặc biệt rõ rệt trên các chuyến bay áp dụng biện pháp giảm tiếng ồn. Quá trình cất cánh rất ồn ào. Với những người sống gần phi trường, tiếng máy bay gầm gào cả ngày gây ra sự phiền phức lớn trong đời sống của họ.
Một nghiên cứu năm 2017 công bố trên tạp chí Noise & Health xác định tiếng ồn hàng không có liên quan đến nhận thức kém ở trẻ em, các vấn đề về giấc ngủ và nhiều tình trạng sức khỏe khác.
Do đó, ở một số khu vực, máy bay được yêu cầu giảm lực đẩy ngay sau khi cất cánh để giảm thiểu tiếng ồn.