Trung Quốc tìm cách hóa giải máy bay tàng hình
Chang Guang (Trường Quang), công ty hàng không vũ trụ thương mại của Trung Quốc, vừa chia sẻ clip khẳng định vệ tinh của họ đang theo dõi máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Mỹ.
Theo thông tin Clash Report đăng trên X, đoạn video có từ năm 2020. Việc theo dõi được thực hiện bằng hệ thống vệ tinh thương mại Jilin-1 (Cát Lâm 1). Các chuyên gia và tướng lĩnh không quân Mỹ chưa có phản hồi về những thông tin trên. Nếu thông tin này được chứng thực, công nghệ tàng hình vốn là niềm tự hào của Mỹ có thể không còn chiếm ưu thế như trước đây.
Công nghệ tàng hình khiến F-22 gần như vô hình trước radar, nhưng với mắt thường thì không. Thuật ngữ chính xác về công nghệ này là “khả năng quan sát thấp”.
F-22 có diện tích phản xạ với sóng radar khoảng 0,0001 m2 tương đương với một viên sỏi kim loại nhỏ, nhỏ hơn khoảng 100.000 lần so với máy bay chiến đấu thông thường.
Mặc dù tín hiệu radar của thu về rất nhỏ, F-22 vẫn có thể bị nhận diện. Đối với những máy bay “ít tàng hình hơn”, khả năng lộ diện với radar càng cao.
Đặc biệt khi có sự trợ giúp từ vệ tinh, radar có thể tập trung vào một khu vực, phạm vi hoặc góc cụ thể để xác định dấu hiệu chính xác của máy bay tàng hình, từ đó nâng cao khả năng bắt được mục tiêu.
Kịch bản này cần các điều kiện tối ưu là bầu trời quang đãng, nơi radar và vệ tinh không bị cản trở khi đang săn lùng một mục tiêu. Tuy nhiên, trong một vùng chiến sự tràn ngập tên lửa, máy bay và máy bay không người lái, tình hình trở nên phức tạp hơn nhiều.
Trung Quốc được cho là đang nghiên cứu một hệ thống AI tiên tiến có thể biến các vệ tinh thương mại giá rẻ quay quanh Trái Đất thành công cụ gián điệp mạnh mẽ. Một số báo cáo chỉ ra rằng hệ thống này có thể cải thiện tỷ lệ thành công lên gấp 7 lần so với công nghệ hiện tại.
Theo truyền thông Trung Quốc, hệ thống tiên tiến này đang được phát triển bởi các nhà nghiên cứu trong quân đội Trung Quốc. Họ khẳng định rằng nó có thể theo dõi các vật thể chuyển động nhỏ như một chiếc ôtô với độ chính xác vượt trội.
Lin Kunbao, thành viên nhóm nghiên cứu, tuyên bố công nghệ AI mới của họ đã đạt được độ chính xác 95% trong việc xác định các vật thể nhỏ như trong video do vệ tinh Cát Lâm 1 quay, vượt trội so với các phương pháp hiện có.
Hệ thống Cát Lâm 1 của Trung Quốc là một chùm vệ tinh viễn thám thương mại tự phát triển đầu tiên của Trung Quốc, bao gồm vệ tinh hình ảnh quang học, vệ tinh video và vệ tinh siêu phổ. Sự đa dạng này cho phép hệ thống thu được nhiều loại dữ liệu hỗ trợ cả nhu cầu của chính phủ và thương mại.
Một trong những tính năng chính của Cát Lâm 1 là tần suất truy cập lại cao. Hệ thống được thiết kế để cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về cùng một khu vực địa lý. Được tích hợp công nghệ camera độ phân giải cao, Cát Lâm 1 có giá trị đặc biệt đối với các nhiệm vụ đòi hỏi thông tin chính xác và tức thời.
Kể từ khi ra mắt lần đầu vào năm 2015, hệ thống vệ tinh Cát Lâm 1 đã mở rộng đáng kể, tăng lên tới hàng chục vệ tinh. Trường Quang đang lên kế hoạch mở rộng hơn nữa để nâng cao phạm vi phủ sóng và khả năng của hệ thống này.