‘COMAC sẽ phá thế độc quyền của Boeing và Airbus'
Giám đốc của công ty cho thuê máy bay lớn thứ 9 thế giới dự báo thập kỷ tới, COMAC sẽ vươn lên tạo thế kiềng 3 chân với Airbus và Boeing.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Reuters, ông Firoz Tarapore, Giám đốc Công ty cho thuê máy bay Dubai Aerospace Enterprise (DAE) gọi C919 của COMAC là chiếc máy bay hoàn hảo. Firoz tin nhà sản xuất máy bay thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc có cơ hội phá vỡ thế độc quyền của Airbus và Boeing trên thị trường máy bay chở khách.
“Trong thập kỷ tới, COMAC có cơ hội để biến sự độc quyền này thành thế tam quyền vì Airbus quá tải còn Boeing đang gặp vấn đề sản xuất”, giám đốc DAE nhận định, đồng thời nói nhu cầu máy bay Trung Quốc của các nước lân cận là “cực kỳ mạnh mẽ”.
Từ đó, COMAC có cơ hội lớn để thâm nhập thị trường ngách và xây dựng chỗ đứng vững chắc. “Trong 30 năm nữa, chúng ta sẽ không còn nói về thế độc quyền trong ngành máy bay thương mại. COMAC chắc chắn đóng vai trong lớn trong ngành này", ông Firoz dự đoán.
Các vấn đề tại Boeing làm chậm nguồn cung máy bay cho DAE, nhà cho thuê máy bay đứng thứ 9 thế giới, với đội bay 500 chiếc đang sở hữu, quản lý hoặc đã đặt hàng. Năm nay, DAE dự kiến chỉ nhận được một nửa số lượng máy bay mà Boeing cam kết giao.
Airbus và Boeing là những nhà cung cấp máy bay chính cho các hãng hàng không, nhưng Airbus đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy sản xuất dù số lượng đơn đặt hàng kỷ lục.
Boeing lại chìm trong một cuộc khủng hoảng an toàn lan rộng. Hãng phải đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra của các cơ quan quản lý ở Mỹ, đồng thời có thể bị truy tố về cách vận hành trong quá khứ.
Sản lượng sản xuất 737 MAX - mẫu máy bay từng bán chạy nhất của Boeing - sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí 2 tháng qua không ai đặt hàng.
Dẫu vậy, trong ngắn hạn, COMAC khó có thể tận dụng cơ hội để vươn lên. Bản thân họ cũng phải chịu sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng nên việc lắp ráp máy bay diễn ra rất chậm. Sau hơn một năm, COMAC mới giao được 6 chiếc C919.
Máy bay của họ chỉ bay trong phạm vi Trung Quốc và được một hãng hàng không Indonesia sử dụng. COMAC đang nỗ lực xin Cơ quan An toàn bay châu Âu (EASA) cấp chứng nhận cho C919. Tuy nhiên, một số nguồn tin trong ngành hàng không cho rằng COMAC sẽ tốn nhiều thời gian để có chứng nhận này.