Văn minh hàng không

3 thảm họa hàng không do lỗi giao tiếp không lưu

Thắng Nguyễn 22/06/2024 05:20

Ba chuyến bay nội địa Việt Nam đã ghi nhận cảnh báo xung đột ngắn hạn ngày 19/6. Nguyên nhân sự cố được xác định do nhầm lẫn giữa kiểm soát viên không lưu và tổ bay liên quan đến callsign (tên hiệu chuyến bay).

Trên thế giới cũng đã có những trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra bắt nguồn từ callsign. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) từng đưa ra cảnh báo về vấn đề này.

Gần 700 người thoát nạn trong gang tấc

Ngày 31/1/2001, hai chiếc máy bay của Japan Airlines (JAL) suýt va chạm trên bầu trời Nhật Bản.

japan-airlines-747-in-flight.jpg
Boeing 747 của Japan Air Lines. Ảnh: Vintage Airlines.

Chiếc Boeing 747 số hiệu 907 và chiếc McDonnell-Douglas DC-10-40 số hiệu 958 trên đường giao nhau gần Yaizu. Kiểm soát viên không lưu đã nhận thấy điều này. Thay vì chỉ thị cho chuyến bay 958 hạ độ cao người này lại ra lệnh cho chiếc 907: “Japan Air chín - không - bảy, giảm độ cao và duy trì mực bay ba - năm - không, bắt đầu giảm độ cao do giao thông.”

Sau chỉ đẫn, cả 2 máy bay đều nhận được cảnh báo từ hệ thống ngăn chặn va chạm trên không (TCAS). Cơ trưởng chuyến bay 907 giảm độ cao theo hướng dẫn của kiểm soát viên không lưu. Cơ trưởng DC-10 cũng đã giảm độ cao theo cảnh báo của TCAS. Hai máy bay tiến lại gần nhau.

Phi công của chuyến bay 907 sau đó điều khiển Boeing 747 chúi mũi xuống để tránh va chạm. Hai máy bay chỉ cách nhau khoảng hơn 100 m theo chiều ngang và gần 60 m độ cao. Khoảng 100 người gồm hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay 907 bị thương.

Nếu vụ tai nạn xảy ra, toàn bộ 677 người trên hai chiếc máy bay có thể thiệt mạng, trở thành thảm họa hàng không kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Bị rơi do tránh máy bay khác

Ngày 7/11/1996, chuyến bay 086 của ADC Airlines đã lao xuống đầm nước gần Ejirin (Nigeria).

Chiếc máy bay Boeing 727-231 bay tới thành phố Lagos ở độ cao bay 240 (24.000 feet). Cùng lúc đó, một chiếc Boeing 727 của Triax Airlines vừa rời Lagos và đang bay ở mực bay (flight level) 160 (16.000 feet) về phía Enugu.

19961107_b722_5n-bbg_16158.jpg
Boeing 727 của ADC Airlines. Ảnh: Aviation Safety Network.

Đài kiểm soát không lưu Lagos đã chấm dứt liên lạc với máy bay Triax khi phi hành đoàn ADC yêu cầu hạ cánh. Tuy nhiên việc cho phép hạ cánh đã bị trì hoãn. Máy bay của ADC vẫn duy trì mực bay 240. Kiểm soát viên nghĩ rằng máy bay đã hạ xuống độ cao trước đó nên đưa ra yêu cầu cho 086 hạ cánh.

Khi xuống mực bay 160, máy bay của ADC phát hiện máy bay Triax đang ở trước mặt. Phi công đã thay đổi hướng bay về phía đông nam để tranh va chạm. Trong khoảng 30 giây, máy bay liên tục chúi mũi và bổ nhào xuống đất. Tất cả 144 người trên tàu bay này đều thiệt mạng.

Tai nạn trên độ cao hơn 8.000 m

Ngày 11/8/1979, hai máy bay chở khách Tupolev Tu-134A va chạm trên không gần Kurilovka, Liên Xô (nay là Ukraine).

ra-65965-aeroflot-russian-airlines-tupolev-tu-134_planespottersnet_222761_d8d83c19f4_o.jpg
Máy bay Tupolev Tu-134 của Aeroflot. Ảnh: Planespotter.

Chuyến bay Aeroflot 7880 từ Tashkent đến Minsk qua Donetsk có 7 thành viên phi hành đoàn và 77 hành khách, bao gồm các cầu thủ và huấn luyện viên của đội bóng đá Pakhtakor, đang chuẩn bị tham dự giải vô địch bóng đá Liên Xô ở Minsk.

Chuyến bay Aeroflot 7628 từ Chelyabinsk đến Kishinev (nay có tên Chisinau, thủ đô Moldova) qua Voronezh. Trên máy bay có 6 thành viên phi hành đoàn và 88 hành khách.

Máy bay này đi vào khu vực Tây Nam Kharkov ở độ cao 8.400 m. Phi hành đoàn xin lên độ cao 9.600 m nhưng bị từ chối. Trong khi đó chuyến bay 7880 báo cáo đã vào khu vực ở độ cao 5.700 m và yêu cầu tiếp tục leo lên độ cao 9.600 m.

Kiểm soát viên không lưu cho phép 7880 lên độ cao 7.200 m và sau đó là 8.400 m. Cả hai chuyến đều ở cùng độ cao khi cách nhau chưa đầy một phút bay.

Người giám sát khu vực yêu cầu chuyến bay 7880 leo lên độ cao 9.000 m để tránh va chạm. Một tiếng động lạ vang lên và người này cho rằng đây là lời đáp của phi công 7880. Không có chỉ dẫn nào khác được đưa ra.

Hai chiếc Tupolev Tu-134 không kịp tránh nhau và va chạm kinh hoàng. Toàn bộ những người có mặt trên hai máy bay thiệt mạng.

Thắng Nguyễn