Thế chân vạc trong sản xuất động cơ máy bay
Động cơ phản lực là những cỗ máy phức tạp. Đã từng tồn tại nhiều nhà sản xuất động cơ trên thế giới nhưng ngày nay những máy bay thương mại phổ biến chỉ sử dụng động cơ của một vài tên tuổi lớn.
Động cơ là một bộ phận thiết yếu, cung cấp sức mạnh và lực đẩy cần thiết để nâng máy bay lên khỏi mặt đất và giữ nó ở trên không. Đặc tính của động cơ cũng quyết định hiệu suất máy bay.
Ngành độc quyền cao
Mỗi máy bay sẽ có những lựa chọn khác nhau về động cơ. Hãng hàng không quyết định lựa chọn động cơ nào dựa trên hiệu quả và giá cả. Đơn cử như Airbus A380 có hai lựa chọn động cơ là Rolls-Royce Trent 900 và Engine Alliance GP7000, sản phẩm của sự hợp tác giữa GE và Pratt & Whitney.
Thông thường máy bay thân rộng có động cơ mạnh hơn như GE9X trên dòng Boeing 777X. Đối với máy bay thân hẹp, động cơ phải đáp ứng tiêu chí mạnh mẽ nhưng và nhỏ gọn. Ví dụ như động cơ CFM LEAP-1A hoặc Pratt & Whitney PW1100G-JM cho A321neo và CFM LEAP-1B trên Boeing 737 MAX.
Có ba nhà sản xuất động cơ phản lực cánh quạt chính cho máy bay chở khách thương mại là GE, Pratt & Whitney và Rolls-Royce. Thế chân vạc khiến ngành này trở thành độc quyền nhóm cổ điển, một loại thị trường trong đó một số ít công ty duy trì sự thống trị hoàn toàn.
Chi phí sản xuất khổng lồ, yêu cầu cao về nhân sự, kỹ thuật và thiết bị là rào cản lớn cho các công ty muốn gia nhập ngành sản xuất động cơ máy bay. Để phát triển một dòng động cơ từ khi ra ý tưởng đến khi được cấp phép hoạt động phải mất hàng chục năm. Đó là lý do chỉ một số ít các công ty tiềm lực hùng mạnh có thể tồn tại được trong ngành này.
General Electric (GE)
Từ khi bắt tay với Safran, nhà sản xuất động cơ của Pháp, để ra đời liên doanh CFM, GE đã dẫn đầu thị trường động cơ máy bay thương mại toàn cầu.
Theo số liệu của Statista, nền tảng phân tích dữ liệu có trụ sở tại Đức, GE chiếm 55% thị phần động cơ máy bay thương mại, vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, 39% trong đó thuộc CFM, riêng GE chỉ nắm giữ 16%.
Động cơ của GE có thể được tìm thấy trên mọi máy bay thương mại phổ biến ngày nay (ngoại trừ A350), từ các máy bay 777, 747, 787 và 737 của Boeing đến các máy bay A320, A330, A340 và A380 của Airbus. Nếu bạn đang bay trên một máy bay thân hẹp, đặc biệt là Boeing 737, khả năng cao nó được trang bị động cơ GE dưới cánh.
Pratt & Whitney
Pratt & Whitney đứng ở vị trí thứ hai, nắm giữ 26% thị phần. Động cơ của hãng có thể được tìm thấy trên các dòng máy bay Airbus A220, A320 và A330, cũng như các máy bay Boeing 747-400, 767 và Embraer E-jet.
Pratt & Whitney trước đây đã hợp tác với GE để sản xuất GP7000 cho các máy bay A380. Từ khi máy bay chở khách lớn nhất thế giới ngừng sản xuất, hãng tập trung sản xuất động cơ cho máy bay thân hẹp, vốn là thế mạnh của mình.
Động cơ gần đây nhất Pratt & Whitney phát triển là PW1500G dành cho dòng A220, dự án nổi tiếng của Airbus được kế thừa từ Bombardier. Vào năm 2020, động cơ này đã đạt cột mốc một triệu giờ bay.
Rolls-Royce
Nếu như Pratt & Withney tập trung phát triển động cơ cho máy bay thân hẹp, máy bay thân rộng lại là thị trường mà Rolls-Royce đang muốn khai thác.
Thương hiệu của Anh chiếm khoảng 18% thị phần động cơ. Các máy bay Airbus A330, A340, A350 và A380 cũng như Boeing 777 và 787 đều có động cơ Rolls-Royce.
Trên thực tế, Airbus A350 chỉ trang bị động cơ Trent XWB. Trong khi đó, Trent 1000 sẽ là động cơ duy nhất trên máy bay Boeing 787 cho đến khi UltraFan được tung ra thị trường. UltraFan được coi là động cơ hàng không lớn nhất từng được sản xuất, với cơ sở thử nghiệm chuyên dụng ở Derby (Anh).
Rolls-Royce cũng chế tạo các động cơ điện cho máy bay điện, các phương tiện bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL).
Tương lai ngành sản xuất động cơ máy bay
Có thể thấy GE, Pratt & Withney và Rolls-Royce (cùng với các liên doanh của họ) nắm giữ gần 100% thị phần trong lĩnh vực máy bay thương mại. Bất chấp những khó khăn trong những năm gần đây, ngành hàng không vẫn sẽ phát triển và việc sản xuất máy bay sẽ càng được đẩy mạnh.
Cả GE và Rolls-Royce đang có những chương trình nghiên cứu riêng biệt cho ra những loại động cơ vượt trội so với thế hệ hiện tại. Hãng động cơ Mỹ tuyên bố dự án RISE với động cơ cánh quạt mở sẽ thay đổi ngành hàng không mãi mãi. Trong khi đối thủ đến từ nước Anh cho rằng UltraFan chính là tương lai ngành hàng không.
Tuy nhiên chuỗi cung ứng toàn cầu cho ngành chế tạo động cơ phản lực vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Các cuộc xung đột và lệnh cấm vận trên thế giới cũng gây ảnh hưởng không nhỏ.
Trong khi các ông lớn đang đổ hàng trăm triệu USD để nghiên cứu những thế hệ động cơ ngày một mạnh mẽ hơn, ổn định hơn, tiêu thụ ít nhiên liệu hơn và êm ái hơn, các công ty với tiềm lực tài chính thấp khó có thể chen chân vào thị trường này.