Hàng không Việt Nam đã phát triển như thế nào sau 68 năm
Trong 68 năm phát triển, ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã có nhiều diện mạo khác nhau tùy theo từng thời kỳ của đất nước.
Bắt đầu từ một lực lượng vũ trang nhân dân, Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) không chỉ phát triển mà còn chứng minh sự trung thành vô điều kiện đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Với bề dày 68 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, HKDDVN đã góp phần không nhỏ vào lịch sử đất nước, đặc biệt là vào lịch sử của Quân chủng Phòng không - Không quân và ngành Giao thông Vận tải.
Trên con đường phát triển này, ngành hàng không dân dụng đã tạo ra những thành công, chiến công, đồng thời ghi chú thêm những bài học quý giá và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc. Mỗi thành tựu của HKDDVN đều là dấu ấn của tinh thần "Anh bộ đội Cụ Hồ", thể hiện cam kết vững bền với sứ mệnh bảo vệ đất nước và phục vụ nhân dân.
Linh hoạt theo từng giai đoạn
Trong những năm kháng chiến, tinh thần người lính Cụ Hồ được ngành hàng không nêu cao trong những nhiệm vụ vận chuyển tối mật và quan trọng. Cùng với lực lượng phòng không, Cục Hàng không dân dụng đã ghi nhiều chiến trong trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước từ năm 1945-1975. Quan trọng hơn, tinh thần “Anh bộ đội Cụ Hồ” là phải linh hoạt biến chuyển theo thời thế đất nước.
Tháng 6/1945, Bác Hồ chỉ đạo xây dựng Sân bay Lũng Cò ở Sơn Dương, Tuyên Quang để vận chuyển quân sự của mặt trận Đồng Minh cho Cách mạng Việt Nam. Sân bay này, do chính ta xây dựng, có thể coi là sân bay "quốc tế" đầu tiên của cách mạng Việt Nam, đóng góp vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám 1945.
Sau chiến thắng chống thực dân Pháp, ngày 10/10/1954, quân đội Việt Nam tiến vào sân bay Gia Lâm để tiếp quản các vị trí quan trọng. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Đài chỉ huy sân bay. Một bức điện báo quan trọng được phát từ sân bay Gia Lâm đến thế giới: "Kể từ 0h ngày 1/1/1955, theo giờ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sân bay Gia Lâm không còn nằm trong khu quản chế của Đông Dương. Tất cả các máy bay muốn vào, ra miền Bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở ra, phải xin phép cơ quan điều phái của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đặt tại sân bay Gia Lâm - Hà Nội".
Với tầm nhìn chiến lược sâu rộng, ngày 15/1/1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 666/TTg thành lập Cục Hàng không dân dụng thuộc Thủ tướng Chính phủ, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của HKDDVN.
Ngày 15/1 được chọn làm ngày truyền thống của ngành này.
Tháng 2/1956, máy bay của HKDDVN thay thế Hàng không Pháp phục vụ Ủy ban quốc tế giám sát Hiệp định Giơ–ne-vơ tại Việt Nam. Đồng thời, máy bay LI-2 số hiệu VN-198 hoàn thành nhiệm vụ chuyên cơ chở Bác Hồ và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cuối năm 1959, HKDDVN có 10 máy bay thực hiện 3.735 chuyến bay vận tải hành khách và hàng hóa trong nước. Trong giai đoạn 1960-1964, HKDDVN tham gia chiến đấu, chi viện cho miền Nam.
Trong khoảng năm 1965-1975, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng lực lượng Không quân. Về bay chuyên cơ, Trung đoàn 919 thực hiện được 200 chuyến bay, đưa đón Bác Hồ, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quân đội Việt Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế với các nước bạn Lào và Campuchia đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối. Ngày 15/5/1975, chiếc máy bay chuyên cơ của Hàng không dân dụng Việt Nam đã bay từ Thủ đô Hà Nội vào thành phố Sài Gòn chở Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước ta vào dự lễ đại thắng giải phóng đất nước.
Từ thô sơ đến hiện đại
Những năm 1980, Việt Nam trải qua khủng hoảng kinh tế sâu sắc, thách thức khó khăn. Tinh thần “Anh bộ đội Cụ Hồ” vẫn được nêu cao, vượt qua khó khăn, từng bước hiện đại hóa, lấy việc phục vụ nhân dân làm trọng tâm. Đồng thời, hàng không Việt Nam cũng thể hiện một hình ảnh quốc tế, thân thiện hơn sau khi bước ra từ những năm tháng chiến tranh, đúng với chủ trương quốc tế thượng tôn hòa bình.
Ngày 12/4/1980, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế). Sự kiện này đánh dấu tinh thần hợp tác quốc tế, tận dụng sự giúp đỡ của các nước phát triển để nâng cao chất lượng chất lượng của ngành hàng không đang từng bước chuyển mình.
Để đạt được mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm 1981-1985, Tổng cục Hàng không Dân dụng Việt Nam tập trung vào việc xây dựng và phát triển các cảng hàng không sân bay. Năm 1982, việc khánh thành Nhà ga hàng không quốc tế Nội Bài và Nhà khách A sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là những bước tiến quan trọng. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu, năm 1983, ngành Hàng không Việt Nam giới thiệu máy bay Boeing B-707.
Từ năm 1993, Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam trở thành cơ quan quản lý hàng không dân dụng trên toàn quốc. Ngành này bao gồm 13 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong đó Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia, là doanh nghiệp lớn nhất.
Ngày 8/12/1994, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã chính thức tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam của vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) sau 18 năm đấu tranh trên chính trường quốc tế. Quá trình tiếp nhận vùng FIR Hồ Chí Minh đã mở rộng vùng trách nhiệm điều hành bay của ngành không lưu Việt Nam. Giá trị của vùng trời không chỉ là lợi ích kinh tế. FIR Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho Việt Nam đảm bảo an toàn và an ninh trong hoạt động hàng không trên biển Đông.
Sự kiện này là minh chứng rõ ràng về việc Hàng không Việt Nam đã khẳng định và giữ vững chủ quyền của mình trên biển Đông và trong vùng trời rộng lớn phía trên. Đặc biệt, đây chính là vùng trời có mật độ bay nhộn nhịp nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và quản lý hoạt động bay trên biển Đông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong hơn 30 năm đổi mới, ngành hàng không Việt Nam đã trở thành một lĩnh vực đầu tiên trong sự hội nhập mạnh mẽ và góp phần lớn trong việc mở rộng quan hệ thương mại quốc tế, thu hút đầu tư và làm nổi bật hình ảnh du lịch của Việt Nam.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ năm 2009 đến 2019, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, với tăng trưởng hành khách trên 17% và hàng hóa gần 14%. Sản lượng vận chuyển cũng tăng gấp nhiều lần với đội bay mở rộng và mạng đường bay mở rộng.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu vào năm 2021, ngành hàng không Việt Nam vẫn duy trì hoạt động với hơn 126.000 chuyến bay. Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways là những nhà cung cấp dịch vụ hàng không chính thức, đều ghi nhận tỷ lệ đúng giờ ấn tượng, vượt trội so với các đối thủ quốc tế.
Đặc biệt, các hãng hàng không đã thực hiện nhiều chuyến bay giải cứu cho đồng bào ở nước ngoài muốn quay trở về với Việt Nam.
Trong năm 2022-2023, ngành hàng không Việt Nam tiếp tục phục hồi và thực hiện các biện pháp tái cấu trúc.
Trải qua chặng đường 68 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển; ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, hội nhập sâu rộng với cộng đồng hàng không dân dụng thế giới, xây đắp lên những thành tích, chiến công, ghi vào bề dày lịch sử của đất nước, của Quân chủng Phòng không - Không quân và của ngành giao thông vận tải.