Quốc tế

Siêu sân bay nổi trên mặt biển đầu tiên tại Nhật Bản

Thùy Dương 07/02/2024 11:45

Trước khi trở thành một trong những cảng hàng không quan trọng bậc nhất tại Nhật Bản, sân bay quốc tế Osaka Kansai từng vấp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng.

Vào những năm 1960, khi vùng Kansai đang bị thất thế về mặt thương mại so với Tokyo, các nhà hoạch định chính sách ở đây đề xuất ý tưởng xây một sân bay mới gần Kobe và Osaka, nhằm cạnh tranh với sân bay New Tokyo (bây giờ là Sân bay Quốc tế Narita).

capture(8).png
Sân bay Osaka Itami tại Nhật Bản. Nguồn: VINCI Concessions.

Bên cạnh đó, sân bay quốc tế Osaka khi ấy (bây giờ là sân bay Itami) phải đối mặt với tình trạng quá tải do việc di chuyển bằng đường hàng không ngày càng phổ biến hơn. Điều này đã buộc chính quyền thành phố phải xem xét đến việc mở rộng sân bay. Tuy nhiên, sân bay nằm trong khu vực đông dân cư, quá nhiều toà nhà cao tầng và người dân khu vực xung quanh không ngừng phản ánh về vấn đề tiếng ồn của máy bay.

Ban đầu, chính quyền đã đề xuất xây dựng sân bay ở gần thành phố Kobe bởi thành phố này chưa có sân bay quốc tế và đây cũng là vị trí thuận lợi cho các hành khách muốn đến Osaka và Kobe. Tuy nhiên ngay sau đó, đề xuất này đã bị chính quyền thành phố Kobe bác bỏ.

Do vậy, các nhà hoạch định chính sách quyết định xây dựng sân bay mới ở giữa vịnh Osaka ngoài khơi đảo Honshu. Việc xây dựng một sân bay ngoài khơi sẽ giúp sân bay hoạt động được 24/24 và tránh ảnh hưởng đến khu dân cư.

Để xây dựng được sân bay này, các kỹ sư đã lên kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhân tạo dài 4 km và rộng 2,5 km cho sân bay mới. Hòn đảo này phải được tính toán để có thể chịu được tác động của động đất và bão lớn cùng những con sóng có thể cao tới 3 m.

1(2).png
Sân bay Quốc tế Kansai từng được vinh danh là một trong 10 công trình kiến trúc của thiên niên kỷ do người Mỹ trao tặng vào năm 2001. Nguồn: Kyluc.vn.

Các kỹ sư đã thực hiện đào khoảng 1,2 triệu giếng cát xuống lớp bồi tích nhằm ổn định đáy biển cho đủ vững chãi để nâng đỡ hòn đảo nhân tạo. Việc xây dựng bắt đầu năm 1987, bức tường bê tông dài 11 km đã được xây dựng, đóng vai trò như thành bể bơi để tránh không cho nước biển tràn vào. Người ta đã phải đào 3 ngọn núi để lấy đất cát xây dựng hòn đảo này.

Không chỉ xây dựng hòn đảo, các kỹ sư cần phải xây dựng một cây cầu để kết nối sân bay với đất liền. Giải pháp tối ưu chính là xây dựng một cây cầu vượt biển. Chiếc cầu phải không quá cao gây cản trở máy bay cất cánh hoặc hạ cánh, nhưng không quá thấp cản trở tàu bè qua lại.

Những thiết kế đặc biệt của sân bay Quốc tế Kansai đã giúp sân bay này đứng vững sau nhiều thiên tai như trận động đất Kobe năm 1995 có tâm chấn cách đó 20 km, và thậm chí hồi phục nhanh chóng sau khi bị ngập lụt nghiêm trọng do bão Jebi đổ bộ năm 2018.

Sau khi được đưa vào khai thác vào năm 1994, sân bay Quốc tế Kansai đã trở thành một trong ba cảng hàng không bận rộn nhất của Nhật Bản. Vào khoảng thời gian cao điểm trước dịch Covid-19, sân bay đã đón tới 29,4 triệu hành khách.

Thành công từ việc xây dựng công trình này được Nhật Bản áp dụng xây thêm 3 sân bay trên đảo nhân tạo khác: sân bay New Kitakyushu, sân bay Kobe, và sân bay quốc tế Chubu Centrair.

Thùy Dương