Nhiều máy bay của Boeing và Airbus bị nghi dùng titanium không rõ nguồn gốc
Cuộc điều tra diễn ra sau khi một nhà cung cấp phụ tùng phát hiện nhiều lỗ nhỏ trên vết ăn mòn của các vật liệu được sử dụng trong sản xuất máy bay phản lực.
Theo The New York Times, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đang điều tra các tài liệu bị cho là giả mạo dùng để kiểm định tính xác thực của vật liệu titanium được sử dụng trong một số máy bay mới được sản xuất gần đây của Boeing và Airbus.
FAA "đang điều tra phạm vi và tác động" của vụ việc. Boeing đã báo cáo lên FAA về việc một nhà cung cấp vật liệu "có thể đã làm sai lệch hoặc cung cấp hồ sơ không chính xác".
Tuy nhiên, FAA không nên tên nhà cung cấp này. Phía Boeing và Airbus cũng không cho biết có bao nhiêu máy bay đang sử dụng các bộ phận làm từ titanium có hồ sơ bị làm sai lệch.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 14/6, cả Airbus và Boeing đều khẳng định các máy bay có những bộ phận được làm từ titanium nghi bị làm sai lệch hoặc giả mạo hồ sơ đều an toàn để bay. Dù vậy, phía Boeing cho biết đang dỡ bỏ các bộ phận "có vấn đề" khỏi những chiếc máy bay chưa được bàn giao cho khách hàng. Các cơ quan chức năng của Mỹ, trong đó FAA, sẽ quyết định cách thức giải quyết đối với những máy bay đã được sử dụng để chở khách.
Spirit AeroSystems - công ty chế tạo thân máy bay cho Boeing và cánh cho Airbus - là bên đầu tiên báo cáo các hồ sơ bị làm giả, sau khi một nhà cung cấp phát hiện nhiều lỗ nhỏ trên vết ăn mòn của các vật liệu được sử dụng trong sản xuất máy bay.
Joe Buccino, người phát ngôn của Spirit AeroSystems, cho rằng việc thông qua các hồ sơ giả mạo này đã để lọt các thành phần titanium không đạt chuẩn vào hệ thống cung cấp. Sau khi xác định được vấn đề, Spirit đã loại bỏ tất cả các bộ phận máy bay bị nghi làm từ titanium không rõ nguồn gốc khỏi quá trình sản xuất
Hợp kim titanium là một thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ. Vật liệu này thường được sử dụng để chế tạo hệ thống càng đáp, cánh quạt và đĩa turbine cho máy bay.
Các nhà sản xuất máy bay đang phải đối mặt với nhu cầu lớn về phương tiện bay mới, trong bối cảnh du lịch hàng không có sự bùng nổ trở lại sau thời kỳ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu linh kiện đang hạn chế khả năng đáp ứng nhu cầu trên.
Năm ngoái, nhà sản xuất động cơ phản lực CFM International tiết lộ hàng nghìn bộ phận động cơ của hãng có thể đã bị bán ra bởi một nhà phân phối tại Anh với tài liệu giả mạo. Phát hiện trên đã thúc đẩy các hãng hàng không thay đổi các bộ phận trên một số loại máy bay.