Công nghệ

CFM - từ vô danh thành hãng động cơ máy bay bán chạy nhất

Thắng Nguyễn 15/06/2024 08:57

Độ ồn thấp, tiết kiệm nhiên liệu, hiệu suất cao và tốn ít chi phí bảo trì được cho là những lý do khiến các hãng vận tải hàng không ưa thích động cơ từ nhà CFM.

Từ khi động cơ phản lực được sử dụng trên máy bay thương mại, thế chân vạc được tạo ra bởi 3 nhà sản xuất Pratt & Whitney, General Electric - GE (Mỹ) và Rolls-Royce (Anh). Đến cuối những năm 1970, một loại động cơ mới ra đời đã phá vỡ sự độc quyền kéo dài gần 40 năm, mở ra kỷ nguyên bùng nổ cho hàng không dân dụng.

Liên doanh kỳ lạ

CFM International, một liên doanh 50/50, được thành lập bởi Safran Aircraft Engines và GE năm 1974. Hãng động cơ Pháp và Mỹ hợp tác với hình thức chia sẻ công việc, chia sẻ quyền lực. Hội đồng quản trị CFM gồm 10 thành viên chia đều cho mỗi công ty. Mỗi quyết định phải được sự đồng thuận từ hai phía, doanh thu chia đều, không chia lợi nhuận.

Mô hình hợp tác lạ lùng này tồn tại dựa trên sự đồng lòng về mục tiêu phát triển. Cả hai công ty cùng muốn sản xuất ra loại động cơ đạt đủ các yếu tố độ ồn thấp, mức tiêu thụ nhiên liệu tối thiểu, giảm chi phí bảo trì và vận hành tổng thể.

saf2012_0005353.jpg
Động cơ CFM56, sản phẩm của sự hợp tác có một không hai trong ngành hàng không. Ảnh: GE.

Đây được cho là một chiến lược đúng đắn khi mà quyền lựa chọn động cơ cho máy bay nằm trong tay các hãng vận tải chứ không phải nhà sản xuất máy bay.

Định hướng đúng đắn

Ngành công nghiệp động cơ máy bay có hai phần riêng biệt là sản xuất và dịch vụ bảo trì. Cả hai đều là những lựa chọn kiếm tiền cho hãng động cơ. Thị trường này có thể được phân loại thành thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Thị trường sơ cấp là việc bán động cơ mới. Động cơ được thiết kế để có tuổi thọ cao, được sử dụng trong khoảng thời gian 10 năm hoặc 20 năm. Vì vậy, cũng tồn tại một thị trường phụ tùng được gọi là thị trường thứ cấp.

Một đặc điểm khác của thị trường này là các yêu cầu của khách hàng thay đổi theo thời gian. Trong thời gian ra quyết định chi tiêu, chi phí, chất lượng và khả năng tiết kiệm nhiên liệu của động cơ là những thứ được các hãng hàng không quan tâm. Sau một thời gian sử dụng, nhu cầu của họ thay đổi, muốn có dịch vụ hậu mãi toàn diện hơn.

57556ln.jpg
Boeing 707 là một trong những chiếc máy bay đầu tiên sử dụng động cơ CFM56. Ảnh: Safran.

Vì vậy các nhà sản xuất động cơ lại có mối quan hệ khăng khít với các nhà khai thác hàng không hơn là các nhà sản xuất máy bay.

Động cơ CFM56 là kết quả của định hướng trên. Từ khi được giới thiệu năm 1974, động cơ liên tục đạt kết quả khả quan trong các cuộc thử nghiệm.

Trên máy bay KC-135 của Không quân Mỹ, CFM56 rút ngắn khoảng cách cất cánh tới 1.100 m, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu 25% so với động cơ J57 của Pratt & Whitney. Tiếng ồn của CFM56 cũng được đánh giá êm ái hơn nhiều so với đối thủ.

Boeing là nhà sản xuất máy bay đầu tiên nhận ra tiềm năng của động cơ này. Chủ tịch Boeing Thornton Wilson đã liên hệ với lãnh đạo CFM vào năm 1977 với đề xuất về một thỏa thuận thay thế động cơ của 707 bằng CFM56.

Dẫn dắt ngành hàng không

Ngày 8/11/1979, CFM56 đã được chứng nhận đồng thời cho lực đẩy danh nghĩa là 10,9 tấn bởi DGAC (Cơ quan Hàng không Dân dụng Pháp) và FAA (Cục Hàng không Liên bang Mỹ).

Lần đầu tiên một động cơ đã được chứng nhận chung bởi cơ quan Hàng không của Mỹ và một nước châu Âu. Từ đây CFM56 có thể phục vụ cho máy bay vận tải thương mại.

CFM56 thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 4/1982 trên chiếc DC-8 Super 70 của Delta Airlines. Đó là chuyến bay nội địa Mỹ giữa Atlanta và Savannah, Georgia.

Tháng 2/1987, chuyến bay đầu tiên của chiếc A320 trang bị động cơ CFM56-5 cất cánh. Năm 1991, chiếc CFM56 thứ 5.000 được giao cho Airbus Industrie. Chiếc CFM56 thứ 10.000 được giao tại Triển lãm Hàng không Paris 1999.

Năm 2005, CFM cho ra mắt động cơ LEAP (Leading Edge Aviation Propulsion - Động lực Dẫn lối Hàng không). Tên gọi LEAP thể hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường của CFM bằng việc kết hợp các vật liệu nhẹ, tiên tiến vào sản xuất động cơ.

Động cơ LEAP cho thấy độ tin cậy đặc biệt với khả năng khai thác lên ​​đến 11 chuyến bay một ngày, rất nhiều trong số đó chỉ mất 25 phút để xoay vòng chuyến. LEAP cũng giúp cải thiện mức tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải CO2 tới 15%, đồng thời giảm đáng kể tiếng ồn động cơ và khí thải.

737-10-leap-engine-full-06.jpeg
Động cơ LEAP giúp Boeing 737 MAX cạnh tranh với Airbus A321neo. Ảnh: Boeing.

Tháng 8/2011, Boeing công bố mẫu 737 sử dụng động cơ LEAP-1B với tên gọi 737 MAX. Southwest Airlines là khách hàng đầu tiên của dòng 737 MAX với đơn hàng 150 máy bay. American Airlines cũng thông báo mua 100 máy bay loại này.

Theo thống kê của Flight Global, động cơ CFM56 và thế hệ sau của nó là LEAP đang chiến khoảng 60% thị phần động cơ máy bay thân hẹp. Những máy bay phổ biến nhất thế giới như Boeing 737 MAX, Airbus A320, A321neo đều có tỷ lệ cao sử dụng động cơ của CFM. Hơn một tỷ giờ bay đã được thực hiện bởi gia đình động cơ CFM56.

Thắng Nguyễn