Du lịch

Du lịch tìm khách cao cấp, 'chịu nhiệt' giá cao

Phương Hà - Nguyệt Quỳnh 14/06/2024 14:35

Để có thể phát triển bền vững, du lịch cần sự liên kết chặt chẽ với giao thông và địa phương điểm đến. Bên cạnh đó là việc tái cấu trúc, nhắm vào thị trường cao cấp.

Sự kết hợp giữa hàng không và du lịch cùng nhiều đơn vị trong chuỗi cung ứng là nội dung được các cấp quản lý, chuyên gia trong ngành và người dân quan tâm. Song, xúc tiến quảng bá du lịch ra sao, tập trung vào thị trường nào cho phù hợp với phạm vi điều kiện kinh tế hiện tại vẫn là vấn đề nóng.

Hướng đến thị trường cao cấp

Nhấn mạnh mục tiêu hướng tới sự bền vững, ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhận định mục tiêu đường dài của chuỗi cung ứng, dịch vụ tổng hợp liên ngành là tìm được phân khúc thị trường cao cấp, phù hợp với mức giá cao, thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Sau Covid-19, tái cơ cấu thị trường mới, ngành du lịch phải đẩy mạnh tái cấu trúc vào thị trường cao cấp thì mới có khách ‘chịu nhiệt được’ với giá cao, hướng tới ngành du lịch chất lượng, bền vững, hiệu quả”, ông Siêu nói.

Về cơ bản, trong quá trình hình thành chuỗi giá trị, “mắt xích” giao thông là yếu tố thiết yếu, bắt buộc. Sản phẩm của ngành du lịch phụ thuộc vào các bên liên quan. Đồng thời, muốn có ngành du lịch bài bản, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa du lịch, hàng không, giao thông trong việc xúc tiến quảng bá.

dd4698e6-2369-4f7f-9e04-06bbcf0e7c5b.jpeg
Mục tiêu lâu dài của ngành du lịch là phát triển sản phẩm, đẩy mạnh thị trường khách hàng cao cấp. Ảnh: Gadt Travel.

Theo số liệu tính đến hết tháng 5, du lịch Việt Nam đón gần 7,6 triệu khách quốc tế và khoảng 52,5 triệu khách nội địa, đóng góp tích cực vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Tính bền vững là xu thế không chỉ du lịch mà các ngành trong chuỗi giá trị hướng đến, trong đó có chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Ông Siêu cho rằng nhà nước cần có chương trình hỗ trợ từ các sản phẩm điểm đến đến nhân lực, phát triển chuyển đổi số để ứng dụng được công nghệ, từ đó tìm ra sản phẩm phù hợp. Đồng thời, các bộ, ngành địa phương cùng vào cuộc để du lịch có thể vượt qua khó khăn, phát triển, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Doanh nghiệp lữ hành gặp khó

Không chỉ du lịch và hàng không, các đơn vị lữ hành cũng phải gắng gượng trước biến động của thị trường du lịch, hàng không, đặc biệt là tác động của giá vé máy bay mỗi dịp thấp đến cao điểm. Khi giá vé dành cho các đơn vị du lịch không ưu đãi hơn so với hành khách mua, lượng khách du lịch giảm dẫn đến doanh thu toàn ngành giảm.

“Mỗi khi ngành du lịch có vấn đề, mọi người nhìn ngành lữ hành như… tội đồ”, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtour, chia sẻ.

6e41f33d5a34f96aa025.jpg
Ông Nguyễn Công Hoan cho biết các đơn vị lữ hành cũng phải gắng gượng trước biến động của thị trường du lịch, hàng không. Ảnh: Nhật Quang.

Gần 25 năm gắn bó với hoạt động lữ hành, ông Hoan cho rằng dù là ngành hàng không hay du lịch, cần có sự thống nhất vì mỗi ngành có nhiều doanh nghiệp khác nhau. Điều quan trọng là tránh xảy ra xung đột trong nội bộ ngành, tránh tình trạng doanh nghiệp khó có sự liên kết hợp tác hoặc có doanh nghiệp đứng ngoài "phá đám".

“Nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến không có ưu đãi, hỗ trợ mà tranh thủ tăng giá, chặt chém khi nguồn khách tăng thì chỉ tạo thêm hình ảnh xấu xí, sự liên kết hàng không và du lịch không hiệu quả được”, đại diện Flamingo Redtour nhấn mạnh.

Vị này đánh giá cao sự hợp tác giữa ngành hàng không và doanh nghiệp lữ hành trong xây dựng sản phẩm du lịch tại các điểm đến thu hút du khách, cùng vượt khó trong bối cảnh giá vé máy bay neo cao.

Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng này. Trong khi đó, hưởng lợi nhất cho việc kích cầu du lịch chính là khối nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, cơ sở vui chơi giải trí đến việc làm tại địa phương điểm đến.

Bà Lương Thị Hoàng Lan, Giám đốc kinh doanh khối du lịch nghỉ dưỡng Tập đoàn Sun Group, kiến nghị cần sự kết hợp tốt từ cả 3 phía: địa phương - du lịch - hàng không. Các bên bàn kế hoạch hợp tác ngắn hạn và lâu dài trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm. Địa phương điểm đến cũng cần đưa ra chính sách giá để xây dựng những sản phẩm nghỉ dưỡng chất lượng với mức giá ưu đãi trọn gói từ vé máy bay, phòng khách sạn và tour du lịch.

Phương Hà - Nguyệt Quỳnh