Lý do NASA tiếp tục sứ mệnh Starliner bất chấp nhiều sự cố
NASA mới đây tiết lộ tàu vũ trụ Starliner của Boeing từng gặp tới 5 vụ rò rỉ khí helium "nhỏ" trong quá trình diễn ra lần bay thử đầu tiên.
Theo thông báo mới được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) công bố, những rò rỉ trên tương tự trục trặc khiến nỗ lực phóng tàu Starliner vào ngày 25/5 bị hủy bỏ.
Dù không nêu rõ lượng helium bị rò rỉ , song phía Boeing cho biết sau quá trình đánh giá, các kỹ sư kết luận Starliner vẫn có đủ lượng helium để di chuyển từ Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) về Trái Đất.
Vậy điều gì đã khiến Starliner được phép tiếp tục sử mệnh ngoài vũ trụ bất chấp việc chưa khắc phục triệt để những vấn đề trên?
Vấn đề lạ nhưng quen
Boeing và NASA có thể thở phào khi sau nhiều lần trì hoãn, sứ mệnh ngoài vũ trụ của họ đã diễn ra trôi chảy. Đây mới chỉ là lần thứ 6 trong lịch sử các phi hành gia NASA được bay trên một tàu vũ trụ hoàn toàn mới.
Song, dù đạt cột mốc quan trọng vào ngày 6/6 vừa qua, các vụ rò rỉ khí helium cùng một số vấn đề với động cơ đẩy khiến khả năng thực hiện các sứ mệnh tiếp theo của tàu Starliner bị bỏ ngỏ.
Abhi Tripathi, kỹ sư trưởng của phi hành đoàn phục vụ các chuyến bay đầu tiên của tàu vũ trụ Dragon, cho rằng những vấn đề nảy sinh đối với phương tiện của Boeing vốn là điều khá thường thấy đối với một tàu vũ trụ.
Như cách NASA từng chỉ định với tàu Dragon của SpaceX, ông Tripathi hy vọng Boeing có thể sớm khắc phục các sự cố được phát hiện của Starliner trước khi thực hiện chuyến bay tiếp theo.
Steve Stich, người phụ trách giám sát Chương trình Phi hành đoàn Thương mại của NASA, đã so sánh các vấn đề của Starliner với STS-1, tàu con thoi từng đưa các phi hành gia John Young và Bob Crippen lên quỹ đạo Trái Đất vào năm 1981.
“Tôi có thể nói rằng một số thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt rất giống với những gì xảy ra trên tàu con thoi STS-1”, ông Stich cho hay, "Những trục trặc đối với hệ thống làm mát bằng nước (của Starliner) rất giống với các trục trặc gặp phải trên những chuyến bay của tàu con thoi vận hành bởi NASA suốt 30 năm qua".
Bên cạnh đó, việc cập bến ISS chậm hơn so với kế hoạch đã giúp các kỹ sư của Boeing có thêm thời gian khắc phục 4 trong số 5 bộ phận bị rò rỉ helium. Bộ phận rò rỉ còn lại gần như không hoạt động trong quá trình di chuyển ngoài không gian của Starliner, cũng như không gây rủi ro cho việc quay trở lại Trái Đất của con tàu.
Sứ mệnh còn tiếp diễn
Các phi hành gia Barry "Butch" Wilmore và Sunita "Suni" Williams hiện vẫn tiếp tục các công đoạn thử nghiệm trên tàu Starliner. Chúng là một phần của quá trình thu thập các dữ liệu giúp tàu vũ trụ của Boeing được NASA chứng nhận tiềm năng để gửi phi hành gia một cách thường xuyên hơn tới ISS.
Những thử nghiệm trên bao gồm việc đảm bảo tàu Starliner có thể khởi động kể cả khi được đặt ở chế độ tiết kiệm năng lượng trong lúc thực hiện nhiệm vụ trên ISS, cũng như đảm bảo con tàu có thể hỗ trợ phi hành đoàn bằng nguồn dưỡng khí riêng. Ngoài ra, quá trình thử nghiệm còn bao gồm các công đoạn đánh giá chỗ ngồi và kiểm tra pin của module dịch vụ trên tàu.
Thời điểm về Trái Đất của Wilmore và Williams mới đây đã được kéo dài từ 14/6 đến 18/6. Theo thông báo trên mạng xã hội X của ISS hôm 9/6, việc có thêm thời gian ở lại "sẽ cho phép 2 phi hành gia thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian vào ngày 13/6, trong khi các kỹ sư hoàn tất các công đoạn checkout hệ thống của tàu Starliner".
NASA cho rằng việc có thêm thời gian ở lại ISS sẽ tạo điều kiện cho việc chuẩn bị thêm các chuyến đi bộ khác ngoài không gian trong tương lai, do hoạt động này chỉ cần sự tham gia của 2 phi hành gia.
Hiện tại, nhiệm vụ cuối cùng của Starliner chỉ là tách rời, sau đó điều chỉnh quỹ đạo để di chuyển khỏi trạm vũ trụ trước khi quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất và hạ cánh xuống phía tây nam nước Mỹ. Theo thông báo từ Boeing, các phi hành gia chỉ cần 7 giờ "bay tự do" để thực hiện các nhiệm vụ trên, trong khi trên tàu còn đủ khí helium cho 70 giờ bay tự do.