Điều gì đang kìm hãm quá trình cải tổ của Boeing?
Giống như nhiều doanh nghiệp Mỹ, Boeing buộc phải dành không ít thời gian đào tạo số lượng lớn nhân viên mới tuyển dụng nhưng chưa lành nghề.
Khi Boeing nỗ lực cải tiến hệ thống sản xuất và xây dựng lại văn hóa an toàn, một thách thức nội bộ lộ diện: Họ phải tuyển dụng những ứng viên thiếu kinh nghiệm.
Nhiều thợ máy lành nghề đã nghỉ hưu kể từ đại dịch. Song hành với đó, việc cắt giảm nhân sự triệt để khi sản xuất tạm dừng vì dịch và việc nối lại hoạt động đột ngột khi dịch bệnh lùi bước tạo ra khoảng trống lớn về trình độ và kinh nghiệm.
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tăng mạnh sau dịch, Boeing phải tuyển dụng rầm rộ, lấp đầy khoảng trống việc làm nhanh chóng để chạy đua lắp ráp máy bay cho đối tác. Năm ngoái, Boeing thuê trung bình 800 nhân sự mới mỗi tháng chỉ tính riêng thành phố Seattle (bang Washington, Mỹ). Hãng tuyển cả những người thiếu kinh nghiệm hoặc chưa từng có kinh nghiệm trong ngành hàng không.
Sau khi tuyển về, Boeing dành rất nhiều thời gian và công sức đào tạo họ làm quen với ngành hàng không, sau đó phải đạt đến trình độ mà công ty cần để cải thiện an toàn sản xuất. Tờ Wall Street Journal (WSJ) gọi đây là “Sứ mệnh khẩn cấp đào tạo hàng nghìn tân binh".
Khoảng cách kỹ năng giữa người mới, người cũ và người đã ra đi càng làm phức tạp thêm công việc củng cố chất lượng của Boeing. Cuối tháng 5, hãng thất bại trong việc thuyết phục Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) gỡ lệnh cấm gia tăng sản lượng 737 MAX.
Sau buổi gặp dài 3 giờ, FAA gọi bài thuyết trình của Boeing là “toàn diện", nhưng chưa hài lòng và giữ nguyên lệnh cấm vì Boeing còn nhiều việc phải làm để siết chặt lại quy chuẩn an toàn và chất lượng. FAA muốn mỗi chiếc máy bay xuất xưởng phải hoàn hảo nhất có thể. Boeing cần nỗ lực hơn rất nhiều, nhưng như WSJ bình luận, công ty tràn ngập người mới và thiếu kinh nghiệm sẽ khiến hành trình này chông gai hơn bội phần.
Vấn đề Boeing phải đối mặt là vấn đề khiến nhiều công ty trên cả nước Mỹ đau đầu. Trong số hơn 30.000 thành viên của Hiệp hội thợ máy Mỹ hiện nay, gần một nửa (gấp đôi trước đại dịch) có dưới 6 năm kinh nghiệm.
Đại dịch loại bỏ 22 triệu việc làm ở Mỹ và thay thế bằng hàng chục triệu việc làm khác. Mỗi tháng nước Mỹ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới, chỉ riêng tháng 5 là 318.000 việc làm.
Nhu cầu lấp đầy vị trí còn trống làm nóng bỏng thêm thị trường lao động vốn đang thiếu hụt về chất, buộc nhiều chủ doanh nghiệp phải thuê và đào tạo những ứng viên kém trình độ hơn tiêu chuẩn của chính doanh nghiệp đó trước đây. Hiện tượng này đang gây ra nhiều vấn đề.
Theo cuộc khảo sát của Springboard đối với các lãnh đạo doanh nghiệp, 70% tin rằng khoảng cách về kỹ năng lao động đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của công ty. Gần 40% trong đó cho rằng vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn.
Một nghiên cứu được McKinsey công bố năm ngoái cho thấy 87% công ty coi khoảng cách kỹ năng là mối quan tâm cấp bách đối với hoạt động kinh doanh của họ. 60% những người đang ở cấp bậc nhân viên cũng chia sẻ quan điểm đó.
Một số ước tính dự đoán mức GDP của Mỹ sụt giảm do nhân viên không đủ kỹ năng, kinh nghiệm sẽ lên tới 1.200 tỷ USD vào năm 2030. Trên quy mô toàn cầu, dự báo của Rand tính toán thiệt hại tiềm ẩn vì nhân viên thiếu hụt kinh nghiệm có thể lên tới 11.500 tỷ USD vào năm 2028.
Thực trạng khó khăn của thị trường lao động khiến bà Elizabeth Lund, người đứng đầu bộ phận máy bay thương mại Boeing nói với WSJ rằng con đường trở lại sản xuất an toàn cần phải mất thời gian dài.
Lund cho biết hệ thống tuyển dụng của Boeing trước đây tràn ngập cựu quân nhân, những người từng làm trong ngành hàng không hoặc đam mê cơ khí từ nhỏ. Giờ đây những người như thế không còn nhiều nên Boeing đang phải dành không ít thời gian để… dạy kỹ năng cơ khí.