Sự kiện

Thị trường sản xuất bị kẹt, các hãng bổ sung tàu ra sao

Đức Huy 15/02/2024 18:41

Mua slot tàu bay, chấp nhận thuê với mức giá đắt, tận dụng tàu cũ… là những cách thức các hãng áp dụng để bù đắp lượng cung tải khi thiếu hụt tàu bay.

e0501d8116afb8f1e1be.jpg
Tàu Boeing 787 của United Airlines. Ảnh: Simple Flying.

Bổ sung đội tàu bay trước dịp cao điểm Hè là một trong những giải pháp ưu tiên của các hãng hàng không Việt Nam. Dù vậy, đây không phải là điều dễ dàng khi cả thế giới đều rơi vào tình trạng thiếu tàu.

Kể từ đầu quý I/2024, cơn sốt thị trường cho thuê tàu bay đang diễn ra trên toàn thế giới đúng như những gì IATA đã dự báo. Không chỉ chấp nhận thuê tàu với mức giá gấp rưỡi, các hãng còn phải tìm cách mua lại slot đợi giao tàu từ Airbus.

Cuối tháng 1/2024, Airbus đã công bố mua lại một số slot đợi giao tàu từ các hãng hàng không khác. Cùng thời điểm đó, United Airlines công khai về sự chậm trễ giao hàng của Boeing. CEO của United Airlines cho biết: “Hãng sẽ xem xét các hợp đồng giao tàu với Boeing. Hiện tại, Boeing không thể giao tàu đúng hạn”, ông Scott Kirby, CEO của United Airlines cho biết.

Dù vậy, có thể United sẽ chỉ cố gắng bổ sung đội tàu bay bởi để thoái lui khỏi một hợp đồng giao hàng đòi hỏi khoản đền bù khá lớn. Sự lựa chọn tốt nhất để bổ sung đội tàu bay bây giờ của United Airlines chỉ còn duy nhất A321neo.

Về phía Airbus, tính khả thi trong việc thu mua lại slot giao tàu bay trong bối cảnh hiện nay chưa rõ ràng. Theo nhận định của các chuyên gia, những hãng đang cần quay vòng về tài chính có thể bán bớt một số slot, tuy nhiên mức giá sẽ rất cao.

Còn với thị trường thuê tàu bay, theo công ty Avolon (Doanh nghiệp cho thuê máy bay tại Ireland), ngay cả trước cuộc khủng hoảng mới nhất tại Boeing, ngành này đã thiếu khoảng 3.000 máy bay so với kế hoạch trước thời điểm COVID-19 bùng phát.

106328781-1578586170919gettyimages-825624732.jpeg
Bên trong xưởng sản xuất A320 của Airbus. Nguồn: Business Insider.

Số máy bay các hãng nhận được sẽ ít hơn 20% so với dự kiến trong năm nay do vấn đề sản xuất tại Boeing, Airbus và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Riêng tại Mỹ, các hãng hàng không sẽ nhận được ít máy bay hơn 32% so với kế hoạch một năm trước. Do một số hãng hàng không phụ thuộc quá nhiều vào máy bay 737 MAX của Boeing.

Spirit Airlines (Hãng hàng không giá rẻ tại Mỹ) và Airbus đã đồng ý hoãn việc giao tất cả các máy bay trong 5 năm theo đơn đặt hàng dự kiến ​​​​vào năm 2025-2026. Việc giao hàng này sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2030 đến năm 2031. Delta Airlines, American Airlines cũng đang có nhiều đơn đặt hàng từ Boeing dự kiến qua 2029 mới có thể nhận được.

Dữ liệu từ Cirium Ascend Consultancy cho thấy giá thuê máy bay Airbus A320-200neo và Boeing 737-8 MAX mới hiện đã đạt 400.000 USD mỗi tháng - mức cao nhất kể từ giữa năm 2008.

Chủ tịch Hãng hàng không quốc gia Sri Lanka Ashok Pathirage cho biết họ đã thuê được 4 máy bay với giá thấp nhất. Ông nói rằng bất chấp những vấn đề mà hãng hàng không phải đối mặt, lợi nhuận vẫn tăng trưởng tốt. Điều này sẽ giúp sức khỏe doanh nghiệp hàng không được cải thiện sau đại dịch. Hai máy bay sẽ được thuê từ ORIX Aviation với mức phí hàng tháng là 360.000 USD trong thời gian sáu năm. Hai máy bay cũng sẽ được thuê từ Aergo Capital Limited với mức phí hàng tháng là 365.000 USD trong thời gian 8 năm.

Nhà phân tích John Heimlich (Đại diện nhóm cố vấn Airlines for America A4A) cho biết: “Các hãng hàng không đang chi nhiều hơn 30% cho việc thuê máy bay so với trước đại dịch. Đồng thời, các hãng hàng không cũng đang nâng độ tuổi trung bình của máy bay khai thác dân dụng. Tại Mỹ, số tuổi máy bay đã nâng từ 14 lên 16 năm so với thời điểm 2019”. Tuy nhiên, về phía các nhà đầu tư tài chính, họ lại nhìn ra đây là một món hời khi mua cổ phiếu của các công ty sửa chữa bảo dưỡng tàu bay và cho thuê tàu bay.

Bên cạnh thị trường cho thuê, các hãng có thể tìm tới những chiếc máy bay cũ có độ tuổi trung bình cao. Dù vậy, hãng cũng đồng thời phải chấp nhận chi phí bảo dưỡng, sửa chữa có thể tăng từ 20-40% và thời gian dưới mặt đầu để quay vòng chuyến cũng lâu hơn.

Trước bối cảnh tàu bay cho thuê hạn chế, sản xuất tắc nghẽn, các hãng hàng không cần tính toán đến giá vé sao cho phù hợp. Nếu giá cả leo thang, sức cạnh tranh của ngành sẽ bị yếu đi so với các loại hình phương tiện khác.

Đức Huy