Văn minh hàng không

Xung đột Nga - Ukraine vẽ lại bản đồ hàng không toàn cầu

Thắng Nguyễn 10/06/2024 05:33

Vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột Nga - Ukraine. Lệnh cấm bay qua vùng chiến sự khiến lượng lớn các chuyến bay phải chịu chi phí vận chuyển tăng đáng kể.

Từ cuối tháng 2/2022, các nước phương Tây đóng cửa không phận với Nga và nước này cũng đóng cửa không phận đối với 36 quốc gia để trả đũa. Nhiều hãng hàng không quốc tế dù không bị cấm bay cũng tránh đi qua Nga vì lo lại những rủi ro không cần thiết.

radar.png
Hình ảnh trên ứng dụng Flightradar cho thấy các chuyến bay từ châu Âu phải tránh né vùng chiến sự, con đường ngắn hơn để tới các sân bay châu Á. Ảnh: Flightradar.
fnjzeknwqaewc3y.jpg
Biểu đồ thể hiện đường bay qua không phận Ukraine trước, trong và sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Reuters.

Vùng bay liên quan trực tiếp bao gồm khoảng 17.879.000 km2 không phận Nga và 674.000 km2 không phận Ukraine.

Theo Business Insider, các hãng hàng không lớn của châu Âu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ lệnh cấm vận này. British Airways, Finnair, KLM và Lufthansa đang bay các tuyến mất nhiều thời gian hơn bình thường khoảng 1 đến 3 giờ để tránh không phận Nga.

Vì trái đất hình cầu, vòng cung gần xích đạo dài nhất và ngắn dần về 2 cực. Việc đóng cửa không phận Nga đã buộc các chuyến bay cất cánh từ Frankfurt, Đức sang Đông Á phải đi qua Trung Á, gần xích đạo hơn so với bay qua Nga, dẫn đến khoảng cách bay tăng 22,1% và thời gian bay tăng 28,7% so với đường bay thông thường.

Tuyến New Delhi đến London của British Airways mất thêm 1 giờ và các chuyến bay đến Bắc Kinh của hãng này kéo dài thêm 90 phút.

Các chuyến bay đến các thành phố xa hơn như Seoul, Tokyo, Hong Kong dài hơn khá nhiều so với trước. British Airways mất thêm 2 giờ để bay giữa London và Tokyo. Hành trình 12 giờ trước đó nay mất tới 14 giờ.

621fa9a796929400196c47cf.jpg
Đường màu xanh là đường bay trước khi nổ ra giao tranh, đường màu đỏ là đường bay hiện tại của hãng hàng không Anh khi bay tới Ấn Độ. Ảnh: Flightradar.
lhr-hnd-1500x844-1.jpg
Chuyến bay từ London đến Tokyo giờ đây phải bay chiều ngược lại vòng lên bắc cực, qua Alaska. Ảnh: Flightradar.

Đối với các hãng bay chọn bay qua Bắc Cực và Alaska, khoảng cách và thời gian bay tăng lần lượt là 31,4% và 31,3%.

Japan Airlines đang thực hiện chuyến đi dài vòng qua Nga vì an toàn chứ không vì hạn chế về không phận. Trong khi đó, hành trình của Finnair từ Helsinki, Phần Lan đến Tokyo bay theo một trong những đường xa nhất vòng qua không phận Nga, với tổng thời gian bay trung bình là 13 giờ dài hơn 4 giờ so với trước đây.

Cả hai hãng hàng không đều bay về phía bắc qua Bắc Cực thay vì bay ngang qua Nga, tương tự như lộ trình được sử dụng trong Chiến tranh Lạnh khi hầu hết các hãng hàng không không thể bay qua Liên Xô.

Màu trắng là đường bay tối ưu của Japna Airlines và Finnair. Nhưng hiện tại họ phải bay đường bay màu đỏ qua Bắc Cực. Ảnh: Flightradar.

Trong khi đó, một số nước không bị Nga đóng cửa không phận hưởng lợi lớn, đặc biệt là Trung Quốc. Theo OAG Aviation, nhà cung cấp dữ liệu du lịch toàn cầu, thời gian bay trung bình giữa châu Âu và châu Á của các hãng bay Trung Quốc tương đương với thời gian cách đây 4 năm.

Hãng hàng không Juneyao Air có trụ sở tại Thượng Hải đang bay tuyến đường thường lệ kéo dài 9 giờ giữa Trung Quốc và Phần Lan. Các hãng hàng không khác như Emirates và Air India cũng đang hoạt động trên không phận Nga.

chinese-airlines-over-russia-10-march-2022-1024x768.jpg
Các hãng hàng không Trung Quốc có lợi thế về chi phí so với các hãng hàng không phương Tây khi vẫn khai thác đường bay ngắn nhất qua Nga. Ảnh: Flightradar.

Tưởng chừng không liên quan, song Mỹ chịu ảnh hưởng không nhỏ trước việc Nga đóng cửa không phận. Robert Mann, nhà tư vấn hàng không có trụ sở tại New York, nói với ABC News trong một báo cáo rằng việc bay tuyến đường vòng có thể khiến các hãng vận tải Mỹ phải trả thêm tới 12.000 USD mỗi giờ.

Khoản chi khổng lồ đó đến từ việc bổ sung nhiên liệu và lao động cần thiết để di chuyển quãng đường dài hơn.

Mức tiêu thụ nhiên liệu tăng lên, thời gian của phi hành đoàn dài hơn. Số giờ tăng thêm có thể khiến một hãng hàng không phải có phi hành đoàn gồm 4 người trong khi trước đây chỉ cần 3.

Theo The New York Times, các hãng hàng không Mỹ đã thay đổi kế hoạch chuyến bay. Họ cần tìm đường bay xuyên Thái Bình Dương đảm bảo có nơi hạ cánh trong trường hợp khẩn cấp, giảm tải hành khách và hàng hóa để giảm chi phí khi bay quãng đường dài hơn. Hàng chục tuyến đường mới đến Mumbai, Tokyo, Seoul và các thành phố khác đã bị tạm dừng.

Các hãng hàng không Mỹ trong nhiều năm đã bay qua không phận Nga như một con đường ngắn và tiết kiệm nhất. Họ cùng với các hàng không khác trên thế giới trả hàng trăm triệu USD phí mỗi năm cho chính phủ Nga để hỗ trợ kiểm soát không lưu.

17dc-russia-airspace-1-cgwf-jumbo.jpg
Delta Air Lines đã nhiều lần vẽ lại bản đồ các chuyến bay xuyên Thái Bình Dương để tuân thủ cả quy định của Mỹ và lệnh cấm của Nga. Ảnh: The New York Times.

Marli Collier, phát ngôn viên của Airlines for America, cho biết: Chính quyền ông Biden nên “hành động để đảm bảo rằng các hãng hàng không nước ngoài bay qua Nga không khởi hành, hạ cánh hoặc quá cảnh qua các sân bay của Mỹ”.

Chặng đi khứ hồi từ sân bay Kennedy của New York đến Sân bay Indira Gandhi của New Delhi có giá khoảng 1.500 USD và ước tính mất 13 giờ 40 phút trên Air India, theo Travelocity. Trong khi chuyến bay của American Airlines có giá 1.740 USD với thời gian bay ước tính là 14 giờ 55 phút.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ còn lưu tâm đến những hậu quả ngoại giao khi ảnh hưởng tới lợi ích của một đồng minh lâu năm như Ấn Độ, hoặc làm tăng thêm căng thẳng cho mối quan hệ vốn đã rạn nứt với Trung Quốc.

Thắng Nguyễn