Biến số bất ổn từ vụ triệu hồi 1.200 động cơ tàu bay A320neo
PW1100G là một trong những động cơ phổ biến hàng đầu với các loại máy bay dân dụng hiện nay. Do đó, thông báo thu hồi để kiểm tra, sửa chữa của Pratt & Whitney khiến nhiều hãng hàng không đau đầu.
Tháng 7/2023, Pratt & Whitney thông báo thu hồi khoảng 1.200 động cơ PW1100G được sản xuất từ cuối năm 2015 đến giữa năm 2021 và được lắp đặt trên tàu bay A320neo.
Theo Pratt & Whitney, họ đã phát hiện kim loại chế tạo một số bộ phận của máy bay không đạt được mức độ tinh khiết cần thiết, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Các động cơ này cần phải được tháo khỏi tàu bay và kiểm tra, sửa chữa.
PW1100G là động cơ phản lực bánh răng (geared turbofan) do Pratt & Whitney sản xuất, nổi tiếng về tiết kiệm nhiên liệu và mức độ tiếng ồn thấp, được lắp trên một phần đáng kể của dòng tàu bay Airbus A320neo của thế giới. Số lượng tàu bay A320neo sử dụng động cơ PW1100G hiện chiếm khoảng 43%, số còn lại sử dụng động cơ CFM LEAP.
Do sự phổ biến của PW1100G, động thái của Pratt & Whitney đã, đang và sẽ gây ra ảnh hưởng lớn tiêu cực tới ngành hàng không thế giới. Vụ việc “tác động đáng kể tới các khách hàng, đối tác vả cả RTX”, ông Greg Hayes, Giám đốc điều hành RTX - công ty mẹ của Pratt & Whitney, nhận định, theo Financial Times.
Lỗi kỹ thuật tiềm ẩn nguy hiểm
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023, RTX tiết lộ “tình trạng hiếm gặp trong kim loại bột được sử dụng để sản xuất một số bộ phận động cơ” cần được khẩn trương kiểm tra.
Doanh nghiệp này ước tính một số lượng lớn động cơ PW1100G được trang bị cho dòng tàu bay A320neo phải được gỡ xuống và kiểm tra trong vòng 9-12 tháng tới, bao gồm khoảng 200 động cơ phải được tháo dỡ trước tháng 9/2023 và khoảng 1.000 động cơ trước tháng 9/2024. RTX cho biết lượng tạp chất được phát hiện gần đây có trong bột kim loại sản xuất đĩa tuốc bin áp suất cao của động cơ có thể gây ra các vết nứt nhỏ.
Trước đó, loại động cơ này từng gặp một số vấn đề khi lần đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 2016, nhưng sau đó đã được khắc phục.
So với các vấn đề khác mà động cơ của Pratt & Whitney từng gặp phải như rung lắc, tích tụ nhiệt và thời gian khởi động, nguy cơ do những vết nứt này gây ra được cho là nghiêm trọng hơn. Lý do là vết nứt trong các đĩa tuốc bin cao áp có thể dẫn tới hiện tượng động cơ hỏng đột ngột, gây ra rủi ro an toàn nghiêm trọng.
Một số hãng hàng không đã gặp trục trặc động cơ hoặc dừng bay vì sự cố với động cơ PW1100G. Năm 2017, một hãng hàng không Ấn Độ đã phải tạm dừng hoạt động một số tàu bay A320neo. Tương tự, năm 2020, Spirit Airlines, hãng hàng không giá siêu rẻ của Mỹ, gặp hàng loạt sự cố động cơ dẫn đến việc một số máy bay phải dừng hoạt động.
Hạt siêu nhỏ trong bột kim loại nếu không được phát hiện và tích hợp vào các bộ phận của động cơ có thể dẫn đến vết nứt. Phương pháp kiểm tra truyền thống của Pratt & Whitney đã không phát hiện được các chất đó.
“Bằng cách nào đó, chúng tôi đã đưa tạp chất vào bột kim loại. Nhưng đó không phải là tạp chất mà chúng tôi từng thấy trước đây”, Giám đốc điều hành RTX Gregory Hayes cho biết.
Một phân tích của Aviation Week chỉ ra hơn 900 tàu bay dòng A320neo sử dụng loại động cơ này của Pratt & Whitney được sản xuất trong khoảng thời gian trùng khớp với thời điểm các động cơ bị nghi ngờ được chế tạo và giao cho Airbus.
Ngoài động cơ PW1100G, hiện Pratt & Whitney đang xác định xem liệu động cơ PW1500G được trang bị cho tàu bay Airbus A220 và động cơ PW1900G trang bị cho tàu bay Embraer E-Jet E2 có gặp tình trạng tương tự hay không. Tuy nhiên, hãng tin rằng mức độ ảnh hưởng, nếu có, sẽ không nặng nề như đối với dòng tàu bay A320neo.
Diện ảnh hưởng rộng lớn
Theo Simple Flying, tính đến tháng 8/2023, 57 hãng hàng không trên toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi này.
Cơ sở dữ liệu của Aviation Week Network Fleet Discovery cho thấy khoảng 920 chiếc A320neo đã được giao từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2021. IndiGo của Ấn Độ có đội bay có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất cho đến nay, với 135 chiếc. Những hãng khác có số lượng khá lớn bao gồm Air China (46), Go First (45), Volaris (44) và Spirit Airlines (43).
Cơ sở dữ liệu Network Fleet Discovery của Aviation Week cho thấy 406 tàu bay thuộc dòng A320neo do Pratt & Whitney cung cấp động cơ đã dừng khai thác, tương đương 28% đội bay. Mặc dù không phải tất cả chúng đều bị ảnh hưởng bởi yêu cầu kiểm tra bột kim loại, tổng số tàu bay không hoạt động đang có xu hướng tăng lên.
Trong báo cáo cập nhật về động cơ GTF phát hành vào tháng 9/2023, RTX cho biết khoảng 600 đến 700 động cơ sẽ được gỡ xuống và đưa vào xưởng từ năm 2023 đến năm 2026 - vượt dự báo của Pratt & Whitney trước đó - phần lớn được thực hiện vào năm 2023 và đầu năm 2024. Hãng cũng bổ sung công suất bảo dưỡng, tăng sản lượng linh kiện và một số động thái khác để giảm thiểu tác động đến đội tàu bay sử dụng động cơ PW1100G.
Tác động đến lợi nhuận hoạt động trước thuế của RTX ước tính khoảng 3-3,5 tỷ USD trong vài năm tới, bao gồm chi phí trước thuế khoảng 3 tỷ USD trong quý 3, sau khi chia sẻ phí với các đối tác.
Theo Aviation Week, các động cơ sẽ được tháo xuống và các đĩa hoặc trục của tuốc bin cao áp tầng 1 và 2 sẽ được kiểm tra xem có vết nứt nào không. Pratt & Whitney dự kiến cần 250-300 ngày để hoàn thiện từng động cơ vì hiện các cơ sở đại tu đã quá tải. Vào lúc cao điểm của các xưởng bảo dưỡng, dự kiến là nửa đầu năm 2024, số lượng máy bay dòng A320neo phải nằm chờ có thể đạt con số đỉnh điểm 650 chiếc. Pratt & Whitney dự kiến số lượng tàu bay nằm chờ ở mức trung bình 350 tàu bay từ nay đến năm 2026.
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, số lượng động cơ nằm trong diện triệu hồi của các hãng hàng không Việt Nam dự kiến là 52 (Vietnam Airlines 30 động cơ và Vietjet là 22). Các hãng hàng không Việt Nam đang có kế hoạch dừng bay đối với các tàu bay A320neo bị ảnh hưởng để kiểm tra và khắc phục trong năm 2024.
Một kịch bản dễ thấy là đội bay A320/A321 của các hãng hàng không Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề khi có số lượng lớn động cơ chịu ảnh hưởng. Những động cơ này cần thời gian sửa chữa dài, tần suất đi sửa chữa dày, kèm theo đó là thời gian tàu bay dừng bay để tráo đổi động cơ.
Hiện, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) thu xếp bãi đậu cho nhóm tàu bay dừng lâu ngày.
Trong khi đó, hàng loạt hãng hàng không trên thế giới đang phải tìm cách tránh khả năng gián đoạn bay. “Các hàng hàng không cần đảm bảo họ có đủ máy bay để bảo đảm lịch trình. Thuê máy bay là lựa chọn tốt nhất hiện nay”, bà Helane Becker, chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư TD Cowen (Mỹ), nhận định với Financial Times.