Công nghệ hàng không được chờ đón trong năm 2024
Năm 2024, ngành hàng không thế giới sẽ tiếp tục ghi nhận một số xu hướng công nghệ nổi bật, tác động đáng kể đến cả các hãng hàng không lẫn trải nghiệm của hành khách.
Từ nhiên liệu hàng không bền vững tới in 3D, công nghệ mới đang giúp ngành hàng không giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới tương lai bền vững hơn. Trong khi đó, công nghệ sinh trắc học và trí tuệ nhân tạo tăng hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không, cải thiện trải nghiệm khách hàng. Về phần mình, sự phát triển của tàu bay chạy điện cất hạ cánh theo chiều thẳng đứng (eVTOL) mở ra hướng phát triển mới cho giao thông đô thị trong tương lai.
Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF)
Ngày 28/11/2023, một máy bay Boeing 787 của hãng hàng không Virgin Atlantic cất cánh từ London (Anh) tới New York (Mỹ). Đây không phải chuyến bay bình thường khi lần đầu tiên, một máy bay của hãng hàng không thương mại bay xuyên Đại Tây Dương hoàn toàn nhờ vào nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
88% nhiên liệu của chuyến bay là từ chất béo phế thải, 12% còn lại là kerosene tổng hợp từ mía đường. Ngành hàng không và giới chính trị gia nhận định sự kiện cho thấy tiềm năng của SAF, nhân tố được cho sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể lượng phát thải carbon.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dù chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, ngành hàng không vẫn gây ra 2% tổng lượng phát thải khí CO2 toàn cầu. Năm 2019, con số này thậm chí còn lên tới 2,4%.
Công nghệ SAF đã có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, giới khoa học chưa hoàn toàn thấy thuyết phục.
Một báo cáo của Hội Khoa học Hoàng gia Anh (Royal Society) tháng 2/2023 chỉ ra nếu Anh muốn sản xuất đủ nhiên liệu sinh học cho ngành hàng không, nước này cần sử dụng tới một nửa diện tích đất nông nghiệp hiện có. Trong khi đó, nếu lựa chọn công nghệ hydro xanh hoặc nhiên liệu amoniac, công suất năng lượng tái tạo tiêu tốn sẽ cao gấp hai lần tổng công suất của Anh hiện nay.
“Các công nghệ mới có thể gây áp lực lên tài nguyên đất, năng lượng tái tạo và các sản phẩm khác, gây ra tác động về kinh tế và môi trường”, giáo sư Marcelle McManus tại Đại học Bath (Anh) nói với Guardian.
Tàu bay chạy điện cất hạ cánh theo chiều thẳng đứng (eVTOL)
Không nhiều người biết đến thuật ngữ eVTOL, vốn chỉ những phương tiện chạy điện có thể cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng như trực thăng. Tuy nhiên, ứng dụng được biết đến rộng rãi nhất của công nghệ này - taxi chạy điện - thì khác. Loại phương tiện được đánh giá sẽ giúp các thành phố giảm ùn tắc giao thông trong tương lai.
Năm 2023, hàng loại sản phẩm ở nhiều quốc gia khác nhau đã được thử nghiệm. Hồi đầu năm, công ty Horizon Aircraft (Canada) thử nghiệm thành công mẫu taxi bay chạy điện cất hạ cánh thẳng đứng Cavorite X5 có tốc độ tối đa lên tới 450 km/h. Tới tháng 2, hai công ty Blade Air Mobility và BETA (Mỹ) thử nghiệm thành công taxi bay chạy điện ALIA-250.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, taxi bay EH216-S của công ty EHang Holdings đã hoàn thành chuyến bay thương mại đầu tiên tại tỉnh An Huy, sau khi được Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cấp giấy chứng nhận hồi tháng 10.
Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm eVTOL trong năm 2023 không chỉ có thành công. Hồi tháng 8, một máy bay VX4 của công ty Vertical Aerospace (Anh) gặp tai nạn trong khi bay thử. May mắn đây là chuyến bay không người lái và không gây ra thương vong.
Trí tuệ nhân tạo AI
AI trên thực tế đã được áp dụng vào ngành hàng không từ nhiều năm về trước với ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ hỗ trợ phi công tới dự báo thời tiết. Xu hướng này được dự báo tiếp diễn trong năm 2024.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đang phát triển một hệ thống “cơ phó nhân tạo”. Với tên gọi Air-Guardian, hệ thống này theo dõi chuyển động mắt của phi công để xác định liệu phi công có mất tập trung hay không, qua đó can thiệp nếu cần.
“Hệ thống Air-Guardian không cứng nhắc mà có thể điều chỉnh dựa trên yêu cầu của tình hình, đảm bảo sự cân bằng giữa con người và máy móc”, nhà nghiên cứu Lianhao Yin tại MIT, một trong những chuyên gia phát triển Air-Guardian, nói.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên do biến đổi khí hậu, một số công ty - bao gồm IBM - đang phát triển hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm dự báo chính xác hơn.
Sau khi nhận được “đầu vào” là dữ liệu thời tiết trong quá khứ và hiện tại, phần mềm dự báo thời tiết của IBM sẽ dùng thuật toán để đưa ra dự báo. Không dừng lại ở đó, hệ thống tiếp tục so sánh dự báo và kết quả thực tế để điều chỉnh và đưa ra nhận định chính xác hơn trong tương lai.
Công nghệ sinh trắc học
Công nghệ sinh trắc học trong nhận diện hành khách cũng đã có những bước tiến mới trong năm 2023, tạo tiền đề cho sự phát triển trong năm 2024 tới. Hồi tháng 10/2023, sân bay Frankfurt (Đức) thông báo triển khai hệ thống check-in sinh trắc học cho mọi hành khách có đăng ký trước trong những tháng tới. Trước đó, sân bay này đã áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt với hành khách của Lufthansa và các thành viên khác trong liên minh Star Alliance.
Hệ thống check-in sinh trắc học được kỳ vọng giúp giảm thời gian xếp hàng tại sân bay. Hiểu một cách đơn giản, chính khuôn mặt của hành khách sẽ đóng vai trò thẻ lên tàu bay - hành khách sẽ không cần xuất trình vé và giấy tờ chứng minh nhân thân. Toàn bộ quá trình chỉ mất vài giây.
Để bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin của hành khách sẽ được xóa ba giờ sau khi máy bay khởi hành.
Công nghệ in 3D
Công nghệ in 3D tiếp tục được doanh nghiệp ứng dụng để sản xuất các bộ phận cấu tạo máy bay. Airbus Helicopters năm 2023 mở mới một trung tâm in 3D tại Donauwörth, Đức, với nguyên liệu đầu vào là titan, chất dẻo và nhôm.
“Một trong những lợi thế của in 3D là làm giảm khối lượng của các bộ phận cấu thành máy bay, giúp giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ. Tiềm năng này có thể đem lại lợi ích về tài chính, cũng như đóng góp giảm phát thải CO2”, ông Stefan Thomé, Giám đốc điều hành Airbus Helicopters tại Đức, cho hay.
Lợi thế khác của công nghệ in 3D là giúp sử dụng nguyên liệu hiệu quả hơn, trong khi có thể sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn so với những phương pháp truyền thống, vốn đòi hỏi lượng nguyên liệu thô gấp nhiều lần so với thành phẩm.
Công nghệ in 3D “có thể giúp phát triển các máy bay ‘xanh’ hơn do một số giải pháp công nghệ quá phức tạp, không thể được chế tạo theo các phương pháp cơ khí thông thường”, ông Felix Hammerschmidt, lãnh đạo bộ phận in 3D tại Airbus, nói với Aviation Today.