VNA

Tổng giám đốc VNA: Doanh nghiệp hàng không cần hỗ trợ nhau vượt khó

Phạm Duy 18/03/2024 18:14

Trong khó khăn, các doanh nghiệp hàng không càng phải tăng liên kết hỗ trợ lẫn nhau và tuyệt đối tránh cạnh tranh không lành mạnh làm lãng phí nguồn lực, suy yếu ngành.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, chia sẻ với OpenSky như vậy khi bàn về vấn đề tái thiết của hãng và của ngành hàng không Việt Nam.

An toàn là nguyên tắc số 1

Theo công bố của AirlineRatings tháng 5/2023, Vietnam Airlines (VNA) là hãng hàng không Việt duy nhất lọt top 20 hãng bay tốt nhất thế giới. Năm 2023, Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế (IATA) lựa chọn Việt Nam là nước chủ nhà và VNA là hãng hàng không đăng cai tổ chức Hội nghị An toàn và Khai thác thế giới. Theo ông, điều gì đã khiến VNA đạt được những thành tích ấn tượng này?

Vietnam Airlines đã không ngừng nỗ lực suốt hơn 30 năm phát triển và chúng tôi tự hào trở thành một trong 20 hãng bay tốt nhất thế giới. Bắt đầu từ việc đạt được chứng chỉ Hãng Hàng không 4 sao do Skytrax công nhận lần đầu tiên từ năm 2016, với hàng nghìn tiêu chí khắt khe và được nâng dần hàng năm, chúng tôi vẫn bền bỉ giữ vững danh hiệu này ngay cả trong biến cố COVID-19.

20240206183240_original_22.jpg

Về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, VNA triển khai mạnh mẽ số hóa trải nghiệm hành khách qua ứng dụng di động Vietnam Airlines hoặc Zalo, cải thiện trải nghiệm trên không của hành khách qua hệ thống giải trí không dây (wireless-streaming)…

Ngoài ra, một trong những tiêu chí quan trọng để AirlineRatings xếp hạng đó là an toàn. Kể cả giai đoạn kinh doanh khó khăn, chúng tôi luôn xác định an toàn là nguyên tắc số 1 không thể đánh đổi.

Được lựa chọn là đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị toàn cầu về An toàn và khai thác là sự ghi nhận của IATA với những nỗ lực trong công tác đảm bảo an toàn hàng không của VNA, cũng như tầm ảnh hưởng, năng lực, vị thế của hãng nói riêng và của cả ngành hàng không Việt Nam nói chung.

VNA sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục giữ vững và đảm bảo an toàn bay của hãng?

Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn của các nhà chức trách hàng không, các hiệp hội, liên minh mà mình tham gia. Điểm nổi bật trong văn hóa an toàn của VNA là đề cao tính trung thực, minh bạch, tạo môi trường làm việc mà mọi nhân viên luôn sẵn sàng báo cáo lỗi. Trong 5 mức độ của Văn hóa An toàn thì VNA đang ở mức độ 3.8 - mức chủ động (Proactive) trong báo cáo an toàn, điều tra an toàn, xử lý các thông tin an toàn, phòng ngừa an toàn.

Ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines
Ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines

Mục tiêu năm 2025, VNA tiệm cận mức 5 - mức tiên tiến (Generative), tức là an toàn trở thành giá trị cốt lõi và nền tảng trong văn hóa doanh nghiệp cũng như mọi hoạt động của từng cá nhân của VNA. Chúng tôi sẽ tối ưu hóa big data và AI để thực hiện, kiểm soát các hoạt động nhằm tự động hóa và chuẩn hóa an toàn để đạt được mục tiêu này.

Mong đề án tái cấu trúc toàn diện Vietnam Airlines sớm thông qua

20240206184010_original_19.jpg

Kế hoạch tái cấu trúc của VNA là gì trong nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn lớn nhất của lịch sử của ngành hàng không thế giới, thưa ông?

Sau đại dịch, ngành hàng không Việt Nam và hoạt động kinh doanh của VNA phải đối diện với rất nhiều thách thức. Ở trong nước, hạ tầng quá tải tại sân bay nội địa gây thiệt hại cho hãng gần 500 tỷ đồng trong năm 2023.

Trên thế giới, tình trạng lạm phát và thắt chặt tiền tệ tại các quốc gia phát triển gây áp lực lên tăng trưởng do kinh tế Việt Nam vốn có độ mở cao và phụ thuộc lớn vào xuất nhập khẩu. Tiêu dùng cho dịch vụ, bán lẻ tăng trưởng chậm, người dân thắt chặt chi tiêu. Giá nhiên liệu tăng do xung đột tại Ukraine và Trung Đông, tình trạng thiếu nhân lực, đứt gãy chuỗi cung ứng làm tăng các chi phí đi kèm…

Trước các thách thức đó, VNA đã trình Chính phủ đề án tái cấu trúc toàn diện, trong đó xác định rõ một số nội dung quan trọng trong chiến lược sản xuất kinh doanh như: Theo sát và dự báo diễn biến thị trường, điều hành linh hoạt mạng bay, lịch bay nhằm tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí khai thác; quyết tâm tái cấu trúc mạnh mẽ đội tàu bay, bán/trả các tàu bay cũ, chi phí khai thác cao, không hiệu quả và đổi sang các dòng tàu bay mới, tiết kiệm chi phí khai thác, quản trị chặt chẽ chi phí; tham gia tích cực vào quá trình khai thác dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa và các dịch vụ đồng bộ khác tại sân bay Long Thành, phát triển mạng đường bay đi và đến trung tâm trung chuyển này…

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm thông qua đề án tái cơ cầu toàn diện của Tổng công ty, chấp thuận về cơ chế giao VNA là nhà đầu tư tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tăng cường liên kết và cạnh tranh lành mạnh

Theo ông, ngoài nội lực, các hàng không nội địa cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh và giá trị thương hiệu của hàng không Việt Nam trên trường quốc tế?

Có cạnh tranh mới có phát triển, nhưng các hãng cần cạnh tranh một cách lành mạnh, ưu tiên nâng cao trải nghiệm và chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Các doanh nghiệp hàng không, du lịch, lưu trú … trong chuỗi dịch vụ cũng cần liên kết chặt chẽ để đem lại trải nghiệm tốt nhất và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Việc nâng cao thương hiệu hàng không Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của các hãng hàng không mà phụ thuộc rất lớn vào chính sách của Nhà nước trong việc quảng bá, thu hút khách quốc tế, chính sách visa, nâng cao chất lượng điểm đến Việt Nam… để cạnh tranh với Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và các điểm đến du lịch ở ngoài khu vực Đông Nam Á.

Xin cảm ơn ông!

“Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn ngành du lịch trong sự kết nối với các ngành khác. Xây dựng chương trình phát triển năng lực cạnh tranh về điểm đến với các đầu tư đủ lớn để cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; tập trung đầu tư, quảng bá điểm đến Việt Nam tại nước ngoài. Trước mắt, cần thành lập văn phòng đại diện của Cơ quan xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm; từng bước mở rộng số lượng nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục các giải pháp ứng dụng công nghệ số, để đồng bộ hóa, chia sẻ và kiểm soát dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, hãng hàng không, các doanh nghiệp liên quan lữ hành… song song với việc đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng cảng; tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường.
Về quản lý điều tiết vĩ mô ngành hàng không, cơ quan quản lý tham gia điều tiết cung cầu thị trường khi có diễn biến bất thường của thị trường; điều tiết cân đối giữa việc phát triển hãng hàng không, đội tàu bay với năng lực khai thác và hạ tầng sân bay; tạo cơ chế linh hoạt cho các hãng hàng không nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực (ví dụ như quy định về việc quản lý và sử dụng slot tại các cảng hàng không).
Bên cạnh đó, cho phép các hãng hàng không linh hoạt về giá vé theo cơ chế thị trường song, không để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bán dưới giá thành nhằm giành thị phần…”
Trích kiến nghị của ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, tại Hội nghị tổng kết công tác Bộ Giao thông Vận tải năm 2023

Phạm Duy