Kinh doanh

Giá vé máy bay sẽ tăng ‘kịch trần' hè này?

Hoàng Anh 06/06/2024 17:16

Giá vé máy bay đã bình ổn sau mức tăng phi mã năm 2022. Tuy nhiên, nhiều yếu tố gây bất lợi cho ngành hàng không có thể khiến giá vé tăng trở lại.

Ảnh: CardMapr.nl/Unsplash.
Ảnh: CardMapr.nl/Unsplash.

Sau đại dịch, giá vé máy bay tăng vọt. Khi các hãng hàng không dần khôi phục công suất, khách bay đã có thể tiếp cận giá vé "mềm" hơn. Trước những khó khăn mới, chi phí di chuyển bằng hàng không có khả năng tiếp tục tăng.

Giá vé đang lùi 1 bước để tiến 3 bước?

Tại Mỹ, nhiều hành khách có thể cảm thấy giá đang quá cao, nhưng thực tế theo thống kê của Cục Thống kê Lao động nước này, giá vé đã chững lại và giảm từ mức cao nhất hồi tháng 5-6/2022.

Khi đó, giá vé nội địa bình quân hàng tháng khởi hành từ các thành phố của Mỹ khoảng 320 USD. Còn bây giờ, giá vé ở mức trung bình 270 USD.

Tuy vậy, Yahoo Finance khuyến cáo người tiêu dùng không nên kỳ vọng giá vé máy bay quay trở lại mức trung bình 260 USD năm 2019 tại Mỹ. Thậm chí theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cơn bão giá nguyên vật liệu và chi phí có thể khiến số tiền hành khách phải bỏ ra để mua vé tăng cao hơn bao giờ hết.

anh-chup-man-hinh-2024-06-06-luc-11.39.32.png
Giá vé máy bay trung bình tại Mỹ từ 2019 đến 2024. Nguồn: Yahoo Finance.

Thực tế cho thấy trong năm 2023, chỉ số giá vé máy bay tăng 25% - mức tăng lớn nhất từ khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis (Mỹ) bắt đầu theo dõi chỉ số vào năm 1989. Cũng theo cơ quan này, chỉ tính riêng tháng 4/2023, giá vé tăng vọt 18,6%.

Desiree Anderson, 28 tuổi, người Mỹ, gần đây đặt chuyến khứ hồi từ Los Angeles đến Philadelphia phải trả 685 USD cho vé hạng phổ thông. Cô chia sẻ với CNBC rằng trước đây, một chiếc vé khứ hồi cùng hạng, cùng chặng có giá khoảng 320 USD. Anderson bày tỏ nỗi thất vọng khi với 685 USD trước đây có thể bay khứ hồi quốc tế.

Lặp lại sự thất vọng với tư cách người đam mê du lịch, Anderson cho hay vì giá vé máy bay tăng vọt và chi phí sinh hoạt tăng cao, cô phải cắt giảm việc đi du lịch và chỉ thực hiện các chuyến đi dự đám cưới mà cô làm phù dâu.

Nicolas Owens, nhà phân tích vốn cổ phần công nghiệp của Morningstar, chia sẻ: “Tôi nói với bạn bè và gia đình rằng giá vé 400 USD ngày xưa chỉ bằng 250 USD ngày nay".

Nhiều yếu tố đẩy giá vé lên cao

IATA dự báo ​​​​doanh thu các hãng hàng không thế giới gần 1.000 tỷ USD và lợi nhuận cao kỷ lục 30 tỷ USD, nhưng chi phí cũng lập kỷ lục mới 936 tỷ USD. Sẽ là phi thực tế nếu kỳ vọng giá vé máy bay quay trở lại mức trước đại dịch, bởi mặt bằng chi phí ngành hàng không đã thiết lập vùng giá mới, cao hơn trước rất nhiều. Chẳng hạn, giá nhiên liệu máy bay tăng gần 150% chỉ trong năm qua, theo IATA.

Các hãng hàng không đang cố gắng đối phó với sự chậm trễ giao máy bay bằng cách thuê thêm hoặc gia hạn hợp đồng thuê hiện có. Dẫu vậy, họ phải đối mặt với chi phí thuê ngày càng tăng do số lượng máy bay sẵn có hạn chế, đẩy giá thuê lên cao.

Chẳng hạn, phí thuê một chiếc máy bay 737 MAX 8 từ đáy 250.000 USD hồi tháng 10/2020 giờ đã lên 400.000 USD và được dự báo tiếp tục tăng.

new-narrowbody-aircraft-market-lease-rates.png
Giá thuê một số mẫu máy bay từ tháng 1/2019 đến tháng 1/2024 và dự báo đến tháng 7/2024. Nguồn: IBA.

Hệ quả của tình trạng thiếu máy bay dễ thấy là không có đủ chỗ ngồi để đáp ứng khách bay. Henry Harteveldt, nhà phân tích du lịch tại Atmosphere Research Group, cho biết mặc dù nhu cầu đi lại tăng mạnh trở lại, công suất chỗ ngồi vẫn giảm 6% so với con số trước đại dịch.

Thuế cũng đang tăng lên và các hãng ngày càng phải trả nhiều chi phí cho sự phát triển bền vững. Chi phí nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) hiện cao gấp 3-4 lần so với nhiên liệu thông thường. Trong khi đó, các hãng bay phải thiết kế lộ trình bắt buộc tăng dần SAF trong tổng lượng nhiên liệu sử dụng.

Mặc dù giá SAF sẽ giảm khi sản lượng tăng, chuyện đó vẫn còn khá xa vời. Lượng SAF sản xuất năm nay theo dự báo đạt 1,9 tỷ lít (1,5 triệu tấn), tăng 200% so với năm ngoái nhưng mới chỉ chiếm 0,2% tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ của ngành hàng không.

Chuyên gia kinh tế vận tải Rico Luman hiện làm cố vấn kinh tế tại tập đoàn tài chính ING Groep (Hà Lan) dự báo thời gian tới, giá vé máy bay ngày càng đắt đỏ vì việc sử dụng nhiên liệu SAF. Mức tăng giá vé dao động từ 2% đến 3%. Hiện, chi phí môi trường chiếm 8-10% trong giá vé.

Những thách thức khác gây ảnh hưởng không kém là mức nợ cao do ảnh hưởng tài chính từ đại dịch đang trở nên trầm trọng hơn do lãi suất cao hiện nay. Vấn đề căng thẳng, xung đột dẫn đến việc đóng cửa nhiều vùng không phận ở Nga và Trung Đông, khiến nhiều chuyến bay tiêu tốn nhiên liệu hơn vì phải bay dài hơn. Cuộc bầu cử năm nay ở nhiều thị trường lớn, trong đó có Mỹ, cũng tiềm ẩn những bất ổn.

30 tỷ USD lợi nhuận nghe có vẻ lớn, nhưng chỉ mang lại tỷ suất lợi nhuận 3,1%, tương đương lợi nhuận khoảng 6 USD/hành khách (IATA dự báo lượt khách bay năm nay đạt 4,96 tỷ lượt). Với tỷ suất lợi nhuận còn quá mỏng như vậy, bất kỳ sự sụt giảm về nhu cầu đều có thể gây ra hậu quả lớn.

Tổng giám đốc IATA Willie Walsh dự báo về việc tăng giá vé thời gian tới: “Việc các hãng hàng không phải gánh chịu mọi chi phí là không thực tế. Thật lòng chúng tôi không muốn tăng giá vé nhưng phải thành thật với những khó khăn của mình”.

Dẫu vậy, Willie Walsh nói thêm rằng việc đi máy bay hiện nay vẫn rẻ hơn so với trước đại dịch, khi tính đến lạm phát. Ông lưu ý giá vé máy bay đã giảm đều đặn trong một thập kỷ trước đại dịch COVID-19. IATA tin người tiêu dùng hiện tại đủ sức mua vé giá cao hơn, do mức tăng lương trung bình nhìn chung vượt xa mức tăng lạm phát.

willie-walsh-photo2-highres.jpeg

Việc các hãng hàng không phải gánh chịu mọi chi phí là không thực tế.

Tổng giám đốc IATA Willie Walsh

Brian Kelly, nhà sáng lập trang blog du lịch The Points Guy (Mỹ) nhận định giá vé máy bay năm nay cao hơn nhưng có thể có nhiều ưu đãi để giảm giá xuống.

"So cùng kỳ năm ngoái, giá vé tháng 6 và tháng 7 năm nay cao hơn, có thể do Euro và Thế vận hội. Tháng 8 thường sẽ là tháng đắt đỏ nhất. Nhưng năm nay, tôi thấy những ưu đãi tốt hơn năm ngoái", Brian cho hay.

“Gần đây tôi đã tìm thấy các chuyến bay từ New York (Mỹ) đến các vùng của Italy với giá 4.000 USD ở khoang hạng nhất của British Airways. Mùa hè năm ngoái, chúng ta thấy giá vé hạng thương gia cho chặng này phổ biến là 5.000-7.000 USD”.

Giá vé liệu có ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu đi lại?

Các hãng hàng không nhìn chung vẫn lạc quan vì nhu cầu bay đã vượt mức 2019. Bất chấp giá cả tăng vọt, người Mỹ không ngần ngại rút thẻ tín dụng và đặt chuyến bay. Một cuộc khảo sát gần đây của Bank of America cho thấy chi tiêu tại các hãng bay và đại lý du lịch tăng tới 60% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng không Mỹ hôm 24/5 ghi nhận ngày lập kỷ lục về lượng khách đi máy bay, với 2,95 triệu lượt. Nhu cầu cao đến mức theo thống kê của Cục An ninh Vận tải Mỹ, 5/10 ngày hàng không bận rộn nhất lịch sử Mỹ xuất hiện sau ngày 16/5.

anh-chup-man-hinh-2024-06-06-luc-11.44.38.png
Lượng khách 2024 tại Mỹ đã vượt đỉnh 2019. Nguồn: Yahoo Finance.

Ở châu Á, theo Channel News Asia, các hãng bay rất tự tin vì khu vực này là động lực tăng trưởng chính cho hàng không toàn cầu. Lợi nhuận các hãng hàng không châu Á dự kiến tăng gấp hơn 10 lần, từ 200 triệu USD năm ngoái lên 2,2 tỷ USD năm nay.

Trong 3 tháng đầu năm nay, các hãng bay châu Á vận chuyển tổng cộng 82,4 triệu khách quốc tế, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Hiệp hội Hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA).

Nhiều nền kinh tế ở châu lục này tương đối mạnh với dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày một đông và nhu cầu du lịch tăng cao. Người châu Á thường không suy nghĩ quá nhiều khi ra quyết định đi du lịch. Những lo lắng gần đây về sự cố SQ321 của Singapore Airlines không xuất hiện trong cuộc họp IATA, cũng không có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu du khách.

So với khu vực khác, những vấn đề về tính bền vững hoặc môi trường dường như không ảnh hưởng đến nhu cầu ở châu Á. Thị trường vận tải hàng không tại đây gần như phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, mang đến nguồn động lực mới để mở rộng cơ sở hạ tầng sân bay, tạo điều kiện cho một thời kỳ tăng trưởng mới.

Hoàng Anh