Công nghệ

Cơ hội tỷ USD của ngành eVTOL Đức

Việt Anh 06/06/2024 14:26

Lãnh đạo các doanh nghiệp eVTOL đã có dịp thảo luận về những bước quan trọng tiếp theo để phát triển ngành công nghiệp mới mẻ này tại Đức.

Triển lãm Hàng không vũ trụ Quốc tế Berlin (ILA Berlin) khai mạc hôm 5/6 vừa qua với hội thảo về "Tương lai của eVTOL ở Đức". Hội thảo có sự góp mặt của lãnh đạo những công ty lớn trong lĩnh vực mới nổi này như Airbus hay Lillium.

gps4qq5w0ai_tek.jpg
Châu Âu vẫn chưa có định hướng rõ ràng trong việc phát triển các loại AAM và eVTOL. Hình minh họa: Lilium.

Tàu bay cơ động trên không tiên tiến (AAM) là một trong những vấn đề then chốt của ngành hàng không dân dụng. Song những bước tiếp theo để phát triển lĩnh vực này ở châu Âu còn chưa rõ ràng.

Trong khi sự hỗ trợ từ chính quyền đang thúc đẩy một số công ty ở Mỹ và Trung Quốc vươn lên làm chủ công nghệ AAM, vấn đề tiền bạc vẫn là một trong những nút thắt khó gỡ ở Đức cùng nhiều quốc gia tại "lục địa già".

Thương vụ 'bạc tỷ'

“Chúng tôi không cầu xin sự bố thí”, Klaus Rowe, cựu Giám đốc điều hành Airbus và hiện là Giám đốc điều hành hãng sản xuất eVTOL Lilium, tuyên bố khi nhấn mạnh tầm quan trọng từ sự hỗ trợ của chính phủ dưới hình thức bảo lãnh khoản vay. Theo ông, các công ty lớn ở phía bên kia Đại Tây Dương như Joby được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chính phủ và quân đội, còn ở khu vực Liên minh châu Âu (EU), điều này vẫn chưa khả thi.

“Dù muốn hay không, thì đó là thương vụ trị giá 2 tỷ USD", Ông Klaus Rowe phát biểu trước khán giả. Theo ông, trong khi vốn cổ phần tư nhân là nguồn tiền chính cho nhiều công ty AAM, các nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm những quốc gia khác thể hiện sự ủng hộ với lĩnh vực trên.

Vị giám đốc cũng cảnh báo nếu không có sự can thiệp của chính phủ, Đức có thể đánh mất vị thế lành mạnh trong lĩnh vực AAM vào tay những nước khác sẵn sàng hỗ trợ ngành công nghiệp non trẻ này.

Cuối cùng, theo ông Rowe và các thành viên tham gia hội thảo, việc phát triển AAM và eVTOL "cần được xem như một bài tập về kinh doanh".

"Cần hỗ trợ nhiều hơn"

Bất chấp những tranh cãi về tính thực tiễn của các dòng AAM hoặc eVTOL đang phổ biến, Tom Plummer, Giám đốc điều hành công ty hàng không vũ trụ Wingcopter, cho biết sự thay đổi quan điểm đối với giai đoạn tiếp theo của ngành hàng không là rất rõ ràng.

“eVTOL giờ đã được biết đến nhiều hơn mà không cần lời giải thích”, ông Plummer cho biết, đồng thời liên hệ điều này với sự phát triển của Wingcopter từ lúc khởi nghiệp đến khi trở thành công ty với hơn 100 nhân viên như ngày nay. Dù vậy, kể cả khi có được đầu tư hàng trăm triệu USD, ông Plummer cho rằng “viễn cảnh lớn trong vòng 1-2 năm tới” sẽ là thứ định đoạt sự trưởng thành và khả năng tồn tại của công ty trên thị trường.

gptcilew8aax0cg.jpg
Các chuyên gia tham dự phiên thảo luận chủ đề "Tương lai của eVTOL ở Đức" (từ trái sang: Tom Plummer - đồng sáng lập & CEO Wingcopter, Florian Maier - CEO Diehl Aerospace trực thuộc Diehl Aviation, Balkiz Sarihan - người đứng đầu bộ phận phát triển phương tiện bay trên không trong môi trường đô thị của Airbus (UAM), Klaus Rowe - CEO Lilium, Daniel Phiesel - người đứng đầu Tập đoàn Dự án Hàng không Không người lái và Andreas Gundel - Tổng giám đốc điều hành bavAIRia e.V., chủ tọa hội thảo). Ảnh: CEEVO Val d'Oise/X.

Balkiz Sarihan, người đứng đầu bộ phận phát triển phương tiện bay trên không trong môi trường đô thị của Airbus (UAM), cũng nhận định để đưa tiềm năng của AAM thành thứ thực sự chiếm lĩnh thị trường hàng không ở Đức, lãnh đạo các doanh nghiệp cần phải gửi thông điệp rõ ràng đến chính phủ liên bang cũng như đại diện của chính phủ đang có mặt tại hội thảo là Daniel Phiesel - người đứng đầu Tập đoàn Dự án Hàng không Không người lái trực thuộc Bộ Giao thông vận tải Đức. Thông điệp cần nêu rõ: "Hỗ trợ nhiều hơn là điều cần thiết".

Dường như lời kêu gọi đó có thể sẽ sớm được hồi đáp, khi ông Phiesel tiết lộ Chính phủ Đức sẽ công bố chiến lược phát triển AAM chính thức trước thời điểm cuối năm nay.

UAM đã cam kết xây dựng cơ sở phát triển toàn phần cho các AAM ở Đức, nhưng theo bà Sarihan, “vấn đề không nằm ở tiền bạc”. Công nghệ có thể phát triển hơn, nhưng cần có sự hợp tác cả trong và ngoài ngành để thiết lập sự ủng hộ và tin tưởng của cộng đồng đối với các dự án AAM.

Ngoài ra, bà cũng tiết lộ phương tiện bay thuộc dự án AAM của UAM sẽ cất cánh trước khi kết thúc năm nay, nhưng trong các cuộc thử nghiệm được tiến hành riêng tư chứ chưa phải ở các triển lãm hàng không dành cho công chúng.

gptmknnw8aafrpi.jpg
Giám đốc điều hành Klaus Rowe của Lilium tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại sự kiện ILA năm nay. Ảnh: Lilium/X.

Một trong những chủ đề thảo luận đáng chú ý khác tại ILA 2024 là tìm ra giải pháp tốt nhất cho nhu cầu của ngành hàng không trong bối cảnh năng lượng và môi trường thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Dù điện khí hóa có thể không phải là giải pháp duy nhất, song theo bà Sarihan, đó vẫn là "thứ thần dược”.

Lilium là một trong những bên đề xuất giải pháp mới cho công nghệ pin điện, đồng thời khẳng định hãng sẽ cho công nghệ này "cất cánh" theo đúng nghĩa đen vào năm nay. “Hãy chú ý theo dõi chúng tôi tại Paris Airshow 2025”, Giám đốc Klaus Rowe tuyên bố.

Việt Anh