Tham vọng của COMAC
Nhờ thành tựu với mẫu máy bay phản lực C919, COMAC trở thành công ty dẫn đầu trong tham vọng vươn ra thế giới của ngành hàng không dân dụng Trung Quốc.
28/5/2023 là ngày đặc biệt với hàng không Trung Quốc: Chuyến bay dân dụng đầu tiên sử dụng máy bay phản lực “made in China” chở theo gần 130 hành khách hoàn thành chặng bay Thượng Hải - Bắc Kinh.
Mang số hiệu MU9191 và vận hành bởi China Eastern Airlines, chuyến bay sử dụng tàu bay C919 do Công ty TNHH Tàu bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) tự phát triển và chế tạo.
“Chiếc máy bay lớn của Trung Quốc vượt qua bầu trời xanh, mang theo khát vọng quốc gia, ước mơ dân tộc và kỳ vọng của nhân dân”, truyền thông Trung Quốc trích lời Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp với đội ngũ phát triển máy bay C919 tháng 9/2023.
Thành công của C919 đồng thời là bước tiến lớn của COMAC trên thị trường máy bay dân dụng thế giới, là viên gạch đầu tiên giúp công ty này thực hiện khát vọng cạnh tranh với Boeing, Airbus ở quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, họ sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức trên con đường đó.
Hiện tượng công nghệ hàng không trong tương lai
COMAC là doanh nghiệp nhà nước chuyên sản xuất tàu bay dân dụng được thành lập vào năm 2008 với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hàng không nội địa của Trung Quốc, cạnh tranh với các nhà sản xuất tàu bay lớn của phương Tây.
Trong số các nhà sản xuất tàu bay hàng đầu, COMAC là một cái tên mới nhưng không kém phần nổi bật. Công ty này hiện có ba dòng tàu bay chính gồm ARJ21, C919 và C929.
ARJ21 là dòng tàu bay thân hẹp cỡ nhỏ, sức chở 78 đến 90 khách, được đưa vào khai thác từ năm 2016 với tầm bay lên tới 3.700 km. Cánh của loại máy bay này do công ty Antonov (Nga) thiết kế.
C919 là dòng tàu bay thân hẹp cỡ trung, có thể chở từ 158 đến 168 hành khách, được thiết kế để cạnh tranh với Airbus A320 và Boeing 737, tầm bay lên tới 5.600 km. Đây máy bay phản lực chở khách đầu tiên do Trung Quốc thiết kế, sản xuất nội địa.
Trong khi đó, C929 là dòng tàu bay thân rộng hai động cơ, có khả năng chở 280 khách hoặc tùy chọn từ 250 đến 320 hành khách, tầm bay lên tới 14.000 km. C929 hiện đang được COMAC phát triển độc lập sau khi hãng này chấm dứt hợp tác với Tập đoàn tàu bay thương mại Liên bang Nga (UAC) năm 2022.
Trong số ba dòng tàu bay, C919 là dự án trọng điểm, được Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là một trong những thành tựu sáng tạo nhất của nước này. Trung Quốc hy vọng C919 sẽ trở thành lựa chọn thay thế cho các dòng máy bay 737 của Boeing và A320 của Airbus.
Trong tương lai, C929 dự kiến cạnh tranh với Airbus A350 và Boeing 787 trên thị trường hàng không quốc tế, giúp Trung Quốc củng cố vị thế siêu cường công nghệ cao thế giới.
Tuy nhiên, COMAC hiện phụ thuộc rất nhiều vào phụ tùng, linh kiện do phương tây sản xuất, chủ yếu ở Bắc Mỹ và châu Âu, đặc biệt là động cơ (LEAP-1C của CFM International) và hệ thống thiết bị điện tử hàng không (được cung cấp bởi các công ty như Honeywell, Rockwell Collins, Thales và Liebherr). Đây là yếu tố làm giới hạn tính cạnh tranh và tự lực của hãng.
Để giảm phụ thuộc, đặc biệt là động cơ tàu bay, các công ty Trung Quốc đã và đang nghiên cứu và phát triển loại động cơ mới, dự kiến được lắp lên tàu bay C919, sau đó là C929.
Công nghệ COMAC đang theo đuổi được đánh giá đầy hứa hẹn vì cho thấy tham vọng và khả năng của Trung Quốc trong phát triển tàu bay tiên tiến hướng tới thị trường toàn cầu.
Hãng cũng sử dụng vật liệu composite và titan cho khung tàu bay giúp giảm trọng lượng và tăng độ bền cho sản phẩm. Trong khi đó, việc sử dụng công nghệ in 3D cho vòi phun nhiên liệu và các bộ phận khác giúp giảm số lượng cấu phần và tăng hiệu suất của động cơ.
Thách thức phía trước
Đối mặt với Airbus và Boeing, COMAC đang phát triển công nghệ tiên tiến và đổi mới của riêng mình, vốn có ưu thế về giá và được đánh giá phù hợp hơn với thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà chế tạo phương Tây dường như vẫn đang nắm ưu thế.
Đầu tiên, Airbus và Boeing có nhiều dòng tàu bay hơn - từ tàu bay thân hẹp tới thân rộng - đáp ứng nhu cầu đa dạng của các hãng hàng không và khách hàng. Ngược lại, COMAC hiện chỉ có một tàu bay thân hẹp (C919) và một tàu bay thân rộng (C929) đang phát triển.
Bên cạnh đó, Airbus và Boeing có động cơ tiên tiến và đáng tin cậy của GE, Rolls-Royce, Pratt & Whitney và CFM International, những nhà sản xuất động cơ hàng đầu thế giới. Trong khi đối thủ Trung Quốc sử dụng động cơ của CFM International và đang phát triển động cơ nội địa của riêng mình (CJ-2000) nhưng vẫn chưa được kiểm chứng.
Hai hãng chế tạo phương Tây có hệ thống phức tạp và tích hợp hơn từ Honeywell, Thales, Rockwell Collins và các nhà cung cấp uy tín khác, cung cấp nhiều giải pháp về điều khiển chuyến bay, dẫn đường, liên lạc, giải trí và an ninh. COMAC sử dụng hệ thống của các nhà cung cấp trong và ngoài nước, điều này có thể đặt ra thách thức cho tích hợp và tương thích hệ thống.
Ngoài ra, Airbus và Boeing phải tuân thủ các quy định và yêu cầu của Cơ quan an toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA) và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) - những cơ quan hàng không có uy tín nhất và được công nhận trên toàn thế giới. COMAC thì chỉ phải tuân thủ quy định và yêu cầu của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), ít bề dày kinh nghiệm hơn.
Về phần mình, mục tiêu hiện tại của COMAC là tiếp tục phát triển máy bay C929 và đưa máy bay C919 ra các thị trường bên ngoài. Hồi đầu năm 2023, CAAC cho biết họ đang tăng cường hợp tác với EASA để “giúp máy bay nội địa (Trung Quốc) vươn ra nước ngoài” - chỉ dấu cho thấy tham vọng đưa máy bay C919 xâm nhập thị trường châu Âu của Trung Quốc.
Chuyên gia hàng không Trung Quốc Lâm Trí Kiệt khẳng định chứng nhận của EASA là tấm giấy thông hành để C919 vươn ra thế giới.