Thái Lan gia nhập thị trường nhiên liệu hàng không bền vững
Thái Lan đang là nhân tố mới trong ngành sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững trên thế giới với những lít nhiên liệu đầu tiên được đưa ra thị trường trong tháng 1 năm nay.

Nhiên liệu hàng không bền vững (Sustainable Aviation Fuel - SAF) được sản xuất từ nhiều nguồn như nhiên liệu sinh học tinh khiết từ cây trồng như mía, ngô, dầu cọ và đậu nành. Nhiên liệu này cũng được chế biến từ dư lượng lâm nghiệp, chất thải nông nghiệp, rác thải đô thị, dầu ăn tái chế. Các nhiên liệu điện tử tổng hợp sử dụng CO2, hoặc CO được thu thập, cùng với hydro thu được từ các nguồn điện "sạch" bền vững như gió, năng lượng mặt trời và điện hạt nhân cũng được đưa vào chế tạo SAF.
Hai cơ sở sản xuất SAF đầu tiên
Hãng PTTGC thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan (PTT) ban đầu sẽ cung cấp SAF cho các hãng hàng không trong nước, trong đó hãng hàng không Thai Airways là khách hàng ký bản ghi nhớ đầu tiên. Chủ tịch Toasaporn Boonyapipat của PTTGC khẳng định sẵn sàng hỗ trợ nhu cầu năng lượng tái tạo đang mở rộng nhanh chóng trong ngành hàng không thương mại của nước này.
Cụ thể, PTTGC dự định sản xuất 6 triệu lít SAF trong năm đầu tiên, dùng dầu thực vật đã qua sử dụng làm nguyên liệu chính. Sản lượng này đủ cho khoảng 2.000 chuyến bay bằng máy bay cỡ trung với tầm bay 2.000-3.000 km mỗi chuyến. PTTGC dự định tăng sản lượng gấp 4 lần trong tương lai gần.
Ngoài việc tìm nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài, PTTGC đang xem xét sử dụng khoai mì và đường trong nước làm nguyên liệu sản xuất SAF.
Nhà bán lẻ khí đốt quốc doanh Bangchak cũng đang tăng cường năng lực SAF. Bangchak đang xây dựng một cơ sở sản xuất SAF ở ngoại ô Bangkok, với khoản đầu tư 8,5 tỷ baht (khoảng 250 triệu USD). Cơ sở này sẽ đi vào sản xuất vào tháng 6 năm nay với công suất mỗi ngày là 1 triệu lít SAF.

Cả PTTGC và Bangchak đang hợp tác với các công ty thương mại Nhật Bản trong việc tìm nguồn nguyên vật liệu và mở rộng kênh bán hàng. PTT đã tiếp cận Tập đoàn Sojitz trong khi Bangchak hợp tác với Sumitomo Corp. Tháng 10/2023, Bangchak đạt được thỏa thuận 10 năm cung cấp nhiên liệu bền vững cho hãng Cosmo Oil của Nhật Bản.
Việc sử dụng SAF dự kiến sẽ tăng ở Thái Lan trong bối cảnh nhu cầu du lịch đang tăng mạnh. Các chuyến bay đến và đi từ Thái Lan sẽ tăng 10-20% hàng năm từ năm 2024 đến năm 2026, theo dự báo của Ngân hàng Ayudhya.
Các quy định mới cũng có thể mang lại lợi thế cho nhu cầu sử dụng SAF. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đặt mục tiêu phát thải từ máy bay bằng không vào năm 2050.
Chính phủ Thái Lan đang yêu cầu các hãng hàng không nước này đạt tỷ lệ pha trộn SAF 1% vào năm 2026 và tăng dần mục tiêu. Chính phủ cũng thực hiện các ưu đãi về thuế. Tháng 1, Hội đồng Đầu tư Thái Lan (BOI) công bố kế hoạch miễn thuế trong 3 năm dành cho các hãng cung cấp nhiên liệu hàng không có pha trộn SAF tại Thái Lan.
Thị trường SAF tăng trưởng với tốc độ vũ bão
Thị trường SAF toàn cầu đạt 576 triệu USD năm 2022 và sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) hàng năm khoảng 58% trong giai đoạn 2023 - 2030, theo hãng nghiên cứu thị trường Grand View Research của Mỹ.

Trước đó, từ ngày 1/1, Liên minh châu Âu (EU) quy định mọi chuyến bay của bất kỳ hãng hàng không nào cất cánh từ mọi sân bay ở EU bắt buộc phải sử dụng SAF với tỷ lệ ít nhất là 2%. Tỷ lệ bắt buộc sẽ nâng dần lên thành 6%, 20%, 70% vào các năm tương ứng 2030, 2035 và 2050. Tại châu Âu, Neste, Airbus và TotalEnergy là những hãng tiên phong trên thị trường nhiên liệu mới.
Mỹ chưa có các quy định bắt buộc sử dụng SAF nhưng cũng đặt ra kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa SAF. Kế hoạch này đặt mục tiêu sản xuất 3 tỷ gallon (hơn 11 tỷ lít) SAF vào năm 2030 và sử dụng 100% SAF vào năm 2050. Tại Mỹ, World Energy, Montana Renewables và Fulcrum BioEnergy là những hãng đi đầu trong nghiên cứu và sản xuất SAF.
Chính phủ một số nước Đông Nam Á cũng đưa ra các quy định, động thái tương tự về SAF. Boeing dự báo rằng Đông Nam Á có thể cung cấp 12% nhu cầu SAF toàn cầu vào năm 2050.
Neste (Phần Lan) đã xây dựng nhà máy chế tạo SAF lớn nhất thế giới đặt tại Singapore, với công suất hàng năm là 1 triệu tấn. Do nhu cầu nguyên liệu của Neste, nhiều công ty Trung Quốc đã hình thành dịch vụ thu gom dầu thải tại đại lục và xuất khẩu sang Singapore. Neste hiện đang xây dựng một cơ sở tại Mỹ.

Tại Malaysia, gã khổng lồ dầu khí Petronas đang xây dựng một nhà máy lọc sinh học hợp tác với startup công nghệ sinh học Euglena của Nhật Bản và hãng năng lượng Eni của Italy. Cơ sở sản xuất SAF và các loại nhiên liệu sinh học khác dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2028.
Một thách thức của SAF là chi phí sản xuất cao. Nguồn cung khan hiếm được cho là góp phần đẩy giá SAF lên mức cao gấp 3-5 lần so với nhiên liệu phản lực thông thường.
Với kế hoạch "hành khách trả một phần chi phí", Singapore dự định ban hành thuế SAF vào năm 2026. Thuế này sẽ áp dụng cho vé máy bay trên các chuyến bay cất cánh từ Singapore và sẽ được xác định dựa trên các yếu tố bao gồm khoảng cách của chuyến bay.
Vé hạng phổ thông từ Singapore đến Tokyo sẽ đi kèm với một khoản phí bổ sung khoảng 6 USD Singapore (khoảng 4,4 USD theo tỷ giá hiện tại), theo ước tính của Cục Hàng không Dân dụng Singapore.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) kỳ vọng đạt mức phát thải ròng bằng không cho ngành hàng không vào năm 2050, giảm 5% lượng khí thải carbon vào năm 2030 bằng cách sử dụng những nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nhiên liệu hàng không bền vững chỉ chiếm khoảng 0,3% lượng sử dụng nhiên liệu máy bay phản lực của thế giới và dự kiến chỉ chiếm 0,7% vào năm 2025. Các chuyên gia cho rằng tốc độ sản xuất nhiên liệu xanh cần tăng nhanh để ngành hàng không toàn cầu đạt được mục tiêu phát thải.