Lời giải nào cho bài toán quá tải hạ tầng sân bay?
Lượng khách đi máy bay đã tăng mạnh trong khi hạ tầng sân bay không kịp cải thiện, phát triển dẫn đến tình trạng quá tải. Việc quá tải ở các sân bay ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của hành khách cũng như tính hiệu quả trong khai thác của các cảng cũng như các hãng hàng không.

Việc thu hút tư nhân tham gia vào lĩnh vực sân bay nhằm cải thiện hạ tầng không chỉ giảm áp lực về tình trạng quá tải cho các sân bay hiện hữu, mà còn giảm suất đầu tư công cho Nhà nước.
Hàng loạt sân bay đã quá tải
Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung cùng chồng và 2 con nhỏ bay từ TP.HCM về quê ăn tết ở Thanh Hóa. Vì sợ ngày Tết đường sá đông đúc, sân bay “kẹt” nên chị đến sớm 3 tiếng đồng hồ so với giờ khởi hành.
Thế nhưng, đến nơi mới biết, chuyến bay của chị vẫn liên tục bị “delay vì lý do khai thác”. Đến gần cuối ngày, chị Nhung mới được lên máy bay, chính thức khởi hành chuyến bay về quê đón Tết.
Trong suốt gần 5 tiếng đồng hồ “vật vạ” ở sân bay Tân Sơn Nhất, các con của chị hết xem hoạt hình đến chơi trò chơi điện tử, chơi chán lại mè nheo mẹ cho đi mua sắm… Chị làm đủ các cách để giữ các con trật tự mà vẫn chưa tới giờ bay. Quá mệt, chị cho các con nằm dài xuống sàn ở sảnh chờ ra máy bay để nghỉ ngơi.
“Biết là ngày Tết thì ai cũng về quê nên sân bay, bến xe đều đông, nhưng đông như thế này thì quá sức tưởng tượng của tôi. Người già, con nhỏ không chịu đựng được khi phải chen lấn, vật vạ thời gian dài ở sân bay”, chị Nhung chia sẻ.
Chị Amelia Phan, người gốc Việt quốc tịch Australia, cũng chia sẻ, chị kết hôn và lập nghiệp ở Úc nên nhiều năm xa quê. Năm nay, chị đưa chồng, ba mẹ chồng và một số bạn bè thân thiết về Việt Nam đón Tết.
Trước khi về nhà ở Bình Dương, chị Amelia đưa cả gia đình đến Phú Quốc du lịch, nghỉ dưỡng. Thế nhưng, việc nhập cảnh và làm thủ tục trước cũng như sau chuyến bay ở Phú Quốc những ngày giáp Tết đã khiến người thân của chị có những trải nghiệm không mấy vui vẻ.
“Thời gian làm thủ tục rất lâu, không có nhân viên hỗ trợ nên khách xếp hàng cứ chen lấn, xô đẩy nhau không có trật tự”, chị Amelia chia sẻ với Opensky.
Theo thống kê, trong dịp Tết Ất tỵ vừa qua, trung bình mỗi ngày sân bay Phú Quốc đón gần 40 chuyến quốc tế, tương đương 10.000 – 12.000 khách/ngày. Theo Sở du lịch Kiên Giang, thống kê giai đoạn cao điểm, tính từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn 2024 đến mùng 3 Tết Ất Tỵ 2025, có hơn 800 chuyến nội địa và quốc tế đưa đón khách đến đảo ngọc Phú Quốc.
Số lượng chuyến bay tăng, không ít lần sân bay này đã rơi vào tình trạng “thất thủ” khi xảy ra tình trạng quá tải, tắc nghẽn nhiều giờ, đặc biệt là tại khu vực nhập cảnh. Đại diện Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cũng cho biết, công suất thiết kế của sân bay này là 4 triệu khách/năm, trong đó có 3 triệu khách quốc nội và 1 triệu khách quốc tế.

Thế nhưng, trong năm 2024, Phú Quốc khai thác được hơn 4,1 triệu, trong đó gần 2 triệu khách quốc tế. Công suất sân bay đã vượt nên phương án sắp tới cần mở rộng để đáp ứng nhu cầu khách đi và đến Phú Quốc trong thời gian tới.
Trong khi đó, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tình trạng “tắc nghẽn” cả bên trong lẫn bên ngoài sân bay này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, sân bay này lập kỷ lục mới với 1.002 lượt cất hạ cánh/ngày, tăng 10% so với cùng kỳ 2024), phục vụ hơn 152.000 lượt hành khách, tăng 13% so với cùng kỳ 2024. Mức khai thác này đã cao hơn so với Tết Nguyên đán năm 2020.
Giải pháp nào cho tình trạng quá tải hạ tầng sân bay?
Cùng với sản lượng hành khách và hàng hóa tăng mạnh trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận, vẫn còn tình trạng các chuyến bay chậm, trễ chuyến trong dịp Tết vừa qua.
Bên cạnh nguyên nhân lớn là do tình hình thời tiết diễn biến bất lợi còn có việc quá tải hạ tầng khiến kéo dài thời gian máy bay phải chờ để lăn vào bãi đỗ và lăn ra đường cất hạ cánh khi hoạt động khai thác được tăng cường.
TS Lương Hoài Nam – Tổng Giám đốc Bamboo Airways, nhận định, trong nhiều năm qua, ngành hàng không Việt Nam chứng kiến sự quá tải ở Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất.

Hiện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng đang được đầu tư, mở rộng với Dự án nhà ga hành khách T3. Tuy nhiên, với nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất công suất tối đa cũng chỉ đạt 50 triệu hành khách/năm. Quỹ đất để mở rộng, phát triển Tân Sơn Nhất hầu như không còn.
Để giải quyết bài toán tắc nghẽn hạ tầng hàng không cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được gấp rút xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2026.
Xét về mặt hạ tầng, đây là điều kiện vô cùng quan trọng cho các hãng hàng không. Ở tầm chiến lược, Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Nam, cần có hạ tầng cảng hàng không lớn hơn nhiều so với hiện nay.
Khi Cảng HKQT Long Thành được đưa vào khai thác, một lượng lớn số chuyến bay sẽ được chuyển về Long Thành, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế. Khi đó, tình trạng ùn ứ tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất hiện nay sẽ được cải thiện. Điều này là mong mỏi của các hãng hàng không từ nhiều năm qua và cũng là điều mang lại nhiều lợi ích cho hành khách trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ở giai đoạn 1, Long Thành chỉ có một đường cất hạ cánh và một nhà ga, công suất đạt khoảng 25 triệu hành khách/năm. Lúc này, Long Thành chỉ mới có công suất bằng một nửa công suất của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất hiện nay.
Hơn nửa, bên cạnh Tân Sơn Nhất và Long Thành, các sân bay trọng điểm du lịch khác trong khu vực như Phú Quốc, Côn Đảo… hiện vẫn còn chậm trong công tác nâng cấp, mở rộng.
Xã hội hóa đầu tư vào sân bay
Theo Luật sư Bùi Văn Thành, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay là yếu tố không thể thiếu để hỗ trợ sự phát triển của ngành hàng không. Hiện tại, Việt Nam có 22 cảng hàng không, trong đó có 6 cảng quốc tế. Theo quy hoạch đến năm 2050, cả nước sẽ có 33 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng quốc tế và 19 cảng nội địa.
Việc xây dựng và mở rộng các cảng hàng không không chỉ giúp tăng năng lực tiếp nhận hành khách mà còn tạo điều kiện để các hãng hàng không mở rộng mạng lưới đường bay, kết nối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thúc đẩy giao thương kinh tế và du lịch.
Thế nhưng, nguồn lực tài chính từ Chính phủ là có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng hàng không lại ngày càng lớn. Do đó, xã hội hóa đầu tư là giải pháp thiết yếu và hiệu quả nhất để ngành hàng không cất cánh.
Việc xã hội hóa không chỉ là bài toán tài chính mà còn mở ra cơ hội để doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào công tác quản lý, vận hành và khai thác hạ tầng hàng không. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo động lực phát triển lâu dài.
Theo Luật sư Thành, để xã hội hóa thành công, cần giải quyết các điểm nghẽn về thể chế và thủ tục hành chính. Đặc biệt, việc thúc đẩy đối tác công tư (PPP) là một mô hình lý tưởng, giúp kết hợp nguồn lực tài chính và kinh nghiệm quản lý từ cả khu vực nhà nước và tư nhân.
Với chiến lược này, ngành hàng không không chỉ có thể giải quyết bài toán hạ tầng mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện, tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực và thế giới.

Mới đây, trong chuyến công tác tại Quảng Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Quảng Nam sớm kêu gọi nhà đầu tư xây dựng sân bay Chu Lai cấp 4F và quy hoạch, phát triển đô thị sân bay, phát triển hệ sinh thái sân bay.
Theo đó, Thủ tướng giao tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi nhà đầu tư, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành thủ tục trong 6 tháng đầu năm 2025 và trong vòng 2 năm tiếp theo phải hoàn thành đầu tư xây dựng sân bay này để khai thác lưỡng dụng.
Trước đó, hồi cuối tháng 12/2024, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị nghiên cứu phương án quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Côn Đảo đảm bảo đủ tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Còn tại Bắc Ninh, tập đoàn Sun Group cũng đã được giao việc triển khai xây dựng sân bay Gia Bình. Sun Group cam kết hoàn thành xây dựng sân bay cả 2 giai đoạn trong 12 tháng.
Tại lễ khởi công dự án sân bay Gia Bình tháng 12/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tin tưởng yêu cầu triển khai dự án với "3 nhất", gồm: Thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất và giá thành rẻ nhất.
Theo các chuyên gia, việc xã hội hóa, huy động nguồn lực tư nhân tham gia làm hạ tầng hàng không như xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ, được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả vượt trội, sớm giúp cải thiện tình trạng quá tải hạ tầng sân bay như hiện nay.