Trung Quốc tham vọng làm chủ 'nền kinh tế tầm thấp'
Sự hỗ trợ từ chính phủ, cộng với việc tích hợp các công nghệ bay tiên tiến vào cuộc sống hàng ngày, đang tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho “nền kinh tế tầm thấp” của Trung Quốc.
Cuối tháng 3, Trung Quốc lần đầu tiên cấp giấy phép sản xuất hàng loạt phương tiện bay cất/hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện (eVTOL). Đây là chứng chỉ sản xuất đầu tiên trên thế giới được cấp cho loại phương tiện mới mẻ này, đánh dấu cột mốc hướng tới sản xuất hàng loạt eVTOL cho các hoạt động thương mại trong tương lai gần.
Chỉ cách đây vài tuần, hãng EHang của Trung Quốc đã gây sửng sốt tại khu vực Trung Đông với lần đầu tiên vận hành thử nghiệm taxi bay EH216-S tại Dubai (UAE).
Taxi bay EH216-S cao 1,93 m, rộng 5,73 m, trọng lượng cất cánh tối đa 620 kg, được thiết kế để chở tối đa 2 người cùng hành lý, với quãng đường di chuyển lên tới 30 km và đạt vận tốc tối đa 130 km/h. Buổi thử nghiệm đã gây phấn khích cho các đại gia cùng người dân Dubai, và taxi bay của EHang được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa ngành du lịch ở quốc gia này.
Những thành tựu kể trên thực tế là một phần trong chiến lược dài hơi và đầy tham vọng của Chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của khái niệm “nền kinh tế tầm thấp” ở quốc gia này. Một phần của chiến lược trên gồm kế hoạch phát triển “hàng không xanh”, trong đó có việc khuyến khích chế tạo và ứng dụng eVTOL cùng các phương tiện bay tân tiến khác.
Ngành kinh tế cốt lõi
"Nền kinh tế tầm thấp" đề cập đến một lĩnh vực có tính toàn diện gồm các ngành công nghiệp xoay quanh những loại hình phương tiện bay dân dụng và không người lái, gồm sản xuất, vận hành cùng các dịch vụ tích hợp khác.
Tại hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh "nền kinh tế tầm thấp" là ngành cốt lõi, đáng được quan tâm đặc biệt cùng với trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, năng lượng xanh, y sinh và hàng không vũ trụ tư nhân. Tầm nhìn của Bắc Kinh là giải quyết những thách thức kinh tế bằng cách đầu tư vào công nghệ và công nghiệp, giải phóng tiềm năng tăng trưởng của đất nước.
Kế hoạch "hàng không xanh" đã vạch ra các hạng mục nhằm thúc đẩy đổi mới và triển khai phương tiện bay. Chúng bao gồm các biện pháp quan trọng như thiết lập các khu trình diễn kinh tế và căn cứ thử nghiệm phương tiện bay bay tầm thấp, cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng để tích hợp các phương tiện này vào giao thông đô thị và việc đi lại hàng ngày.
Một trong những yếu tố giúp tăng cường nghiên cứu và phát triển phương tiện bay ở Trung Quốc là sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và tư nhân. Chính quyền tỉnh Quảng Đông năm 2021 đã đầu tư 500 triệu nhân dân tệ vào hãng eVTOL Xpeng. Một năm sau, tới lượt chính quyền thành phố Triệu Khánh (tỉnh Quảng Đông) ký thỏa thuận đầu tư cho dự án trị giá 2 tỷ nhân dân tệ của công ty này.
Sự hỗ trợ như vậy góp phần tạo ra một hệ sinh thái có tính cấp dưỡng, cho phép các nhà sản xuất phương tiện bay nhanh chóng biến những ý tưởng của mình thành sản phẩm đại chúng.
Ngoài eVTOL, phương tiện bay không người lái (UAV) là một lĩnh vực khác trong "nền kinh tế tầm thấp" của Trung Quốc, hứa hẹn cách mạng hóa nền nông nghiệp, dịch vụ giao hàng, ứng phó khẩn cấp và hơn thế nữa. Hiện tại, hãng DJI của Trung Quốc đang là nhà sản xuất UAV lớn nhất thế giới, chiếm hơn 70% thị phần toàn cầu.
Công nghệ UAV giúp tự động hóa ngành nông nghiệp, bao gồm lập kế hoạch canh tác, gieo hạt, làm cỏ, tưới nước và theo dõi sự phát triển của cây trồng. Nền tảng giao đồ ăn Meituan đã sử dụng UAV để đẩy nhanh các giao dịch thương mại và cắt giảm chi phí lao động. Năm 2022, riêng ngành công nghiệp UAV ở Thâm Quyến đã tạo ra giá trị thị trường lên tới 75 tỷ nhân dân tệ, góp phần thúc đẩy kế hoạch đưa đặc khu kinh tế này trở thành một "thành phố trên trời".
Với việc ngày càng nhiều công ty phát triển ôtô bay và các loại phương tiện bay tầm thấp khác ở Trung Quốc, các quy định trong ngành cũng vì thế mà hoàn thiện hơn. Năm nay, Thâm Quyến trở thành nơi đầu tiên ở Trung Quốc công bố các quy định đối với "nền kinh tế tầm thấp".
Có hiệu lực từ ngày 1/2, các quy định này nhằm chuẩn hóa việc xây dựng cơ sở hạ tầng, điều phối việc quản lý vùng trời và dịch vụ bay tầm thấp, đồng thời đặt ra cấc tiêu chuẩn an toàn đối với phương tiện bay.
Cơ hội đi kèm thách thức
Những chính sách của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các công nghệ mới trên bầu trời, cải thiện cuộc sống và sinh kế của người dân dường như đang tạo nên một tương lai đầy hứa hẹn đối với quốc gia này.
Dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc những thách thức không xuất hiện. Đầu tiên phải kể đến những lo ngại về an toàn khi vận hành thiết bị bay. Thái độ thận trọng của người dân Trung Quốc vẫn có thể hạn chế sự phổ biến của các hệ thống vận chuyển trên không như eVTOL.
Thứ hai, các phương tiện bay như EH216-S của Ehang ước tính có giá rơi vào khoảng 300.000 USD (gần 2,2 triệu nhân dân tệ). So với thu nhập trung bình của một nhân viên công sở ở Trung Quốc (khoảng 352.000 nhân dân tệ/năm), đó vẫn là một mức giá khá cao. Đây là một trong những điều cản trở việc đại chúng hóa các phương tiện bay đời mới tại thị trường tỷ dân này, trong bối cảnh chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và các vùng sâu vùng xa còn khá sâu sắc.
Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây dẫn tới các biện pháp hạn chế nhập khẩu, trao đổi công nghệ mà các bên áp đặt cho nhau, cũng tạo ra trở ngại cho tham vọng nâng tầm năng lực công nghệ hàng không của siêu cường thứ 2 thế giới.
Nhưng sau tất cả, chiến lược phát triển nền kinh tế vùng thấp của Trung Quốc vẫn được xem là hình mẫu truyền cảm hứng cho thế giới. Nó đã chứng tỏ tiềm năng to lớn của việc tích hợp các công nghệ hàng không tiên tiến cho các mục tiêu quy hoạch đô thị và phục vụ cuộc sống hàng ngày.