Nam Cực – Lãnh địa của những tâm hồn khát khao chinh phục
Hồng Huế•06/02/2025 10:08
5 lần đặt chân đến lục địa xa xôi nhất, anh Hoàng Phụng Hiếu đã khám phá vẻ đẹp của vùng đất trắng, đồng thời tạo nên một hướng đi mới cho du lịch Việt Nam, mang đến những chuyến hành trình độc đáo và cao cấp, được truyền cảm hứng từ chính những bước chân anh.
Đoàn khách thám hiểm vòng quanh Portal Point và Foyn Harbour. Ảnh: NVCC
Bước vào phòng làm việc của anh Hoàng Phụng Hiếu – giám đốc Công ty Vietglobal Travel, tôi lập tức bị cuốn hút bởi những chồng sách và bản thảo chất cao ngút. Anh cười xòa, chỉ tay vào đống tài liệu và bảo: “Đây là những ghi chép sau 5 lần chinh phục Nam Cực”. Những xấp giấy photo dày đặc, chi chít chữ viết tay là nhật ký hành trình anh cẩn thận ghi lại từ lần đầu tiên đặt chân đến lục địa trắng cho đến chuyến đi thứ năm.
Giữa không gian ngập tràn giấy tờ, anh kể về những ngày đầu đầy thử thách, khi ý tưởng tổ chức tour thám hiểm cho người Việt còn quá mới mẻ. “Cảm giác đặt chân xuống Nam Cực, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay, thật sự khó diễn tả thành lời”, anh chia sẻ. Từ mơ ước được nghe tiếng Việt vang lên giữa lục địa băng giá, giờ đây, điều đó đã thành hiện thực. Đoàn Việt Nam với 26 thành viên, nón lá, áo dài và cả thông báo bằng tiếng Việt trên tàu đã để lại dấu ấn khó phai.
Đoàn thám hiểm đặt chân khám phá vùng đất Nam Cực. Ảnh: NVCC
Chinh phục “eo biển tử thần” Drake
Đặt chân đến Nam Cực chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng. Chuyến đi đòi hỏi du khách phải vượt qua những thử thách khắc nghiệt: từ những con sóng dữ dội khiến dạ dày quặn thắt, chuyến bay dài đằng đẵng, cái lạnh buốt giá cho đến mức chi phí đắt đỏ lên tới nửa tỷ đồng cho một chuyến thám hiểm Nam Cực cơ bản.
Chỉ riêng nỗi sợ say sóng đã khiến một nữ du khách trong đoàn thám hiểm lần thứ năm của anh Hiếu phải chần chừ suốt 5 năm qua trước khi quyết định lên đường. Và khi con tàu rời bến, những con sóng cao đến 15 mét ở eo biển Drake – nơi được mệnh danh là “vùng biển đáng sợ nhất hành tinh” – lập tức chào đón cô bằng cảm giác lắc lư và buồn nôn kéo dài suốt 3 ngày. Nhưng kỳ diệu thay, khát khao được đặt chân lên lục địa trắng đã giúp những hành khách chiến thắng mọi nỗi sợ.
Một hành khách từng nói với anh: “Đi máy bay chưa đủ phê, phải đi tàu, phải cảm nhận sự phiêu lưu, mạo hiểm, hồi hộp…” Và quả thật, cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán nếu thiếu đi những trải nghiệm phiêu lưu. Những thử thách lớn như eo biển Drake không chỉ là trở ngại mà còn mang đến cảm giác thăng hoa khi ta chinh phục được. “Nam Cực không dành cho những người ngại khó khăn. Muốn đến đó, bạn phải sẵn sàng đối mặt với những thử thách khắc nghiệt nhất”, anh Hiếu khẳng định. Và ở nơi tận cùng thế giới ấy, giữa những con sóng dữ và băng tuyết vĩnh cửu, người ta vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp kỳ vĩ, vừa khám phá sức mạnh tiềm ẩn bên trong chính mình.
Anh Hoàng Phụng Hiếu cầm trên tay cuốn sách do chính anh xuất bản và đang ấp ủ tải bản thành cuốn "5 chuyến chinh phục Nam Cực". Ảnh: NVCC
“
Nam Cực không dành cho những người ngại khó khăn. Muốn đến đó, bạn phải sẵn sàng đối mặt với những thử thách khắc nghiệt nhất.
Anh Hoàng Phụng Hiếu - giám đốc Công ty Vietglobal Travel
Du lịch Châu Nam Cực thường chia làm 2 loại tour, bao gồm: tour đường bay và tour đường tàu. Từ Việt Nam, du khách có thể lựa chọn các tuyến đường bay kết hợp tàu biển qua Chile, New Zealand hoặc Nam Phi. Trong đó, Chile và Argentina là những cửa ngõ phổ biến nhất với hành trình bay qua Santiago đến Punta Arenas hoặc Ushuaia (Argentina), tiếp tục di chuyển bằng tàu phá băng qua eo biển Drake. Đây là trải nghiệm đầy thử thách khi du khách phải đối mặt với một trong những vùng biển sóng lớn nhất thế giới. Với những ai muốn tránh say sóng, các chuyến bay charter từ Chile thẳng đến đảo King George là lựa chọn tối ưu. Ngoài ra, hành trình qua Nam Phi sẽ đưa du khách đến Nam Cực địa lý, vùng đất xa nhất và hoang sơ bậc nhất hành tinh.
Vẻ đẹp của sự tinh khiết
Với những người chưa từng đặt chân đến vùng đất xa xôi này, Nam Cực thường bị hình dung như một nơi chỉ toàn băng tuyết trắng xóa, buồn tẻ và không có sự sống. Thế nhưng, thực tế lại khác biệt hoàn toàn. Nam Cực mang một vẻ đẹp độc đáo hiếm có. Khi xuồng dần tiến đến gần đảo, khung cảnh kỳ vĩ của châu Nam Cực hiện ra trước mũi tàu, với những tảng băng khổng lồ đủ hình dáng, mang sắc trắng và xanh lam lung linh, trông giống như những tòa lâu đài nổi trên biển. Sự sống ở đây tuy thầm lặng nhưng lại đầy sức hút. Chỉ cần thoáng nhìn thấy một chú chim cánh cụt lạch bạch bước đi trên tuyết trắng, hay bắt gặp tiếng quẫy đuôi của một chú cá voi lưng gù, người ta không khỏi tràn ngập cảm giác phấn khích lạ kỳ.
Trong đoàn thám hiểm, một nữ du khách từng bị say sóng nghiêm trọng, bỏ lỡ buổi hội thảo giới thiệu về Nam Cực trên tàu. Thấu hiểu hoàn cảnh, thuyền trưởng đã đích thân mời cô đến một phòng nhỏ để giảng lại toàn bộ nội dung, giúp cô đủ điều kiện tham gia chuyến khám phá bằng xuồng cao su. Trên tàu thám hiểm, anh Hiếu và các du khách tham gia các buổi thuyết giảng chuyên sâu về lịch sử, địa lý và khí hậu Nam Cực. Anh chia sẻ, trước đây, Nam Cực là điểm tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia, với các đoàn thám hiểm săn bắt cá voi, hải cẩu và chim cánh cụt, đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng. Bước ngoặt là vào năm 1959, khi các cường quốc ký Hiệp ước Nam Cực, khẳng định không quốc gia nào sở hữu, chuyển mục đích sử dụng vùng đất này cho hoà bình, nghiên cứu khoa học và du lịch bền vững, bảo vệ hệ sinh thái nguyên sơ.
Để bảo vệ môi trường, các quy định an ninh sinh học nghiêm ngặt được áp dụng để ngăn ngừa bệnh tật và tạp chất từ bên ngoài xâm nhập, bảo vệ đời sống động vật bản địa. Hiệp hội Quản lý Du lịch Nam Cực và Bắc Cực đặt ra quy định du khách phải giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét với chim cánh cụt và 15 mét với hải cẩu. Những quy tắc này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn sự nguyên vẹn của vùng đất băng giá, đảm bảo không gây rối loạn cho sinh vật nơi đây.
Xu hướng du lịch thám hiểm
Chia sẻ về xu thế du lịch toàn cầu, anh Hiếu nhận định rằng hành khách thường bắt đầu từ các tour nội địa, sau đó chuyển sang tour nước ngoài, từ những hành trình cơ bản đến các trải nghiệm độc lạ, cuối cùng là những tour du lịch thám hiểm (expedition). Du lịch Nam Cực, theo anh, chính là một minh chứng điển hình cho dòng tour thám hiểm. Đây là hành trình đầy bất định, nơi mà ngay cả điểm đến trong ngày cũng không được xác định trước. Khi đặt chân lên tàu, hành khách chỉ biết lịch trình của ngày tiếp theo vào buổi tối hôm trước và đôi khi nó vẫn thay đổi tùy vào điều kiện thực tế.
Anh Hoàng Phụng Hiếu cầm lá cờ Việt Nam checkin Nam Cực lần thứ 5. Ảnh: NVCC
Các tàu thám hiểm hiện đại thường được trang bị trực thăng và bãi đỗ riêng, đóng vai trò như những “hoa tiêu” dẫn đường. Trực thăng sẽ bay lên để khảo sát các vùng băng, xác định nơi có lớp băng không quá dày để tàu có thể tiếp cận. Ở những địa hình mà tàu phá băng không thể đến gần, trực thăng sẽ tiếp tục nhiệm vụ chở khách từ tàu lên địa điểm tham quan, mang đến một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.
Bên cạnh xu thế khám phá từ gần đến xa, anh Hoàng Phụng Hiếu khuyến khích mọi người nên mạnh dạn “nhảy cóc”. Anh nhắn nhủ: “Khi còn trẻ, có sức khỏe, đủ tài chính và lòng đam mê, hãy thử thách bản thân với những tour thám hiểm. Đừng ngần ngại đến Nam Cực hay Nam Mỹ, kết hợp những chuyến đi vừa gần vừa xa để làm phong phú thêm trải nghiệm”.
Với anh Hiếu, du lịch không chỉ là cách khám phá thế giới, mà còn là hành trình học hỏi từ chính cuộc sống. Nam Cực không đơn thuần là điểm đến xa xôi, mà còn là nơi khơi dậy những bài học sâu sắc về ý chí và lòng kiên trì. Từ những loài chim cánh cụt hoàng đế với sức bền phi thường giữa cái lạnh khắc nghiệt, đến sự thích nghi tuyệt vời của các sinh vật nơi đây, mỗi khoảnh khắc ở Nam Cực đều mang đến cảm hứng và chiêm nghiệm. Đứng trước những ngọn núi băng sừng sững, lắng nghe tiếng cá voi lưng gù quẫy đuôi trong làn nước lạnh giá, hay đơn giản là ngắm nhìn bước chân chậm rãi của loài chim cánh cụt, ta nhận ra rằng cuộc sống sẽ trở nên vô vị nếu thiếu đi những thử thách và sự phiêu lưu.
“
Hãy đi, để thấy thế giới này còn bao điều kỳ diệu. Và hãy nhớ rằng, thử thách không phải là điều cản bước, mà chính là món quà quý giá nhất mà mỗi hành trình để lại.
Anh Hoàng Phụng Hiếu nhắn gửi độc giả của Opensky.