Khách bay tăng kỷ lục, hàng không Việt chạm đỉnh 2,5 triệu lượt khách dịp Tết Ất Tỵ
Chỉ trong 9 ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ, đã có 2,5 triệu hành khách di chuyển bằng đường hàng không. Trong đó, khách quốc tế tăng vọt với 1,35 triệu khách, tăng 23%; khách nội địa đạt 1,14 triệu khách, tăng 12% so với cùng kỳ.
Đây là thông tin về thị trường hàng không giai đoạn cao điểm Tết Ất Tỵ 2025 được Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ GTVT vào sáng 3/2/2025.
Lượng khách đi máy bay tăng kỷ lục
Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam ngày 3/2 cho biết, giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 (từ ngày 24/1 - 2/2, tức từ ngày 25 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tổng sản lượng vận chuyển hành khách toàn thị trường đạt 2,5 triệu hành khách (tăng 17,8%).
Trong đó, vận chuyển hành khách quốc tế đạt 1,35 triệu khách, tăng 23% so với cùng kỳ 2024. Vận chuyển hành khách nội địa đạt 1,14 triệu khách, tăng 12% so với cùng kỳ 2024.
Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển hơn 1,67 triệu lượt hành khách và gần 7.000 tấn hàng hóa, lần lượt tăng 12,8% và 4% so với cùng kỳ 2024.
Trong đó, vận chuyển quốc tế đạt hơn 536.000 khách và hơn 3.600 tấn hàng hóa. Vận chuyển nội địa đạt hơn 1,1 triệu khách và 3.200 tấn hàng hóa.
Hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay cả nước cũng tăng cao hơn cùng kỳ, xấp xỉ 3,6 triệu hành khách, tăng 16% so với cùng kỳ 2024.
Với các cảng hàng không sân bay trọng điểm, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đạt xấp xỉ 1,38 triệu hành khách, Cảng HKQT Nội Bài đạt gần 900.000 hành khách và Cảng HKQT Đà Nẵng đạt hơn 381.000 hành khách.
Đặc biệt, trong giai đoạn nghỉ Tết Âm lịch 2025, sân bay Tân Sơn Nhất đã phục vụ từ 824 đến 970 lượt cất hạ cánh/ngày, lượng hành khách thông qua đạt trung bình 138.000 hành khách/ngày.
Ngày cao điểm nhất, ghi nhận kỷ lục là ngày 24/1 (tức ngày 25 tháng Chạp là ngày làm việc cuối cùng trước nghỉ Tết), sân bay Tân Sơn Nhất khai thác 1.002 lượt cất hạ cánh, với 152.000 lượt hành khách. Mức khai thác này đã cao hơn so với Tết Nguyên đán năm 2020.
Vẫn còn tình trạng chậm chuyến, trễ chuyến
Cùng với sản lượng hành khách và hàng hóa tăng mạnh trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, vẫn còn tình trạng các chuyến bay chậm, trễ chuyến. Nguyên nhân lớn là do tình hình thời tiết diễn biến bất lợi khi hiện tượng sương mù và mây thấp xuất hiện ở khu vực các sân bay phía bắc.
Hiện tượng thời tiết bất lợi gây ra những xáo trộn trong hoạt động các chuyến bay với việc tàu bay chậm giờ khởi hành, bay vòng chờ, muộn giờ tàu về hay phải chuyển sân để hạ cánh.
Có thể kể đến như trong những ngày 23 – 25/1 (nhằm ngày 24 – 26 tháng Chạp), một số cảng hàng không khu vực miền Bắc bị ảnh hưởng bởi sương mù, tầm nhìn thấp, dẫn đến một số chuyến bay phải bay chờ hoặc chuyển hướng, ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác của các hãng hàng không và chất lượng dịch vụ đối với hành khách.
Ví dụ như vào sáng sớm ngày 24/01/2025, thời điểm từ 1h30 đến 9h giờ cùng ngày, do sương mù tại Cảng hàng không Vinh, Vietnam Airlines đã có 5 chuyến bay đến Cảng HK Vinh phải chuyển hướng hạ cánh sân bay Nội Bài, 4 chuyến bị chậm giờ và ảnh hưởng dây chuyền đến một số chuyến bay khác trong ngày.
Trong ngày này, VietJet Air cũng có 1 chuyến bay đến Cảng hàng không Vinh, 1 chuyến đến Cảng hàng không Thọ Xuân phải chuyển hướng hạ cánh sân bay Nội Bài, 5 chuyến bị chậm giờ và ảnh hưởng dây chuyền đến một số chuyến bay khác trong ngày.
Các hãng hàng không đã hỗ trợ phương tiện di chuyển cho các hành khách phải chuyển hướng sang sân bay Nội Bài bằng xe buýt về Vinh và Thanh Hóa.
Hay như trường hợp ảnh hưởng của sương mù tại sân bay Phú Bài (Huế) sáng ngày 31/01, nhiều chuyến bay đến, đi từ sân bay này phải thay đổi kế hoạch khai thác và có thể ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay khác.
Trong đó, chuyến bay VN7086 từ TP. HCM - Huế của Vietnam Airlines phải chuyển hướng hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Nhiều chuyến bay khác của hãng cũng phải thay đổi giờ khai thác.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, thời điểm quý I hàng năm, một số cảng hàng không khu vực miền Bắc chịu ảnh hưởng bởi sương mù, tầm nhìn bị hạn chế khiến hoạt động khai thác bị gián đoạn. Đây là diễn biến thời tiết bình thường, theo quy luật hằng năm.
Do đó, để hỗ trợ hành khách khi gặp phải tình huống các chuyến bay phải chuyển hướng, bị chậm, các hãng hàng không đều xây dựng phương án phục vụ hành khách trong trường hợp chuyến bay bị chậm, thu xếp phương tiện di chuyển từ các cảng hàng không máy bay hạ cánh khi phải chuyển hướng về địa phương có cảng hàng không theo hành trình trên vé của hành khách.
Nguyên nhân thứ hai gây ra tình trạng chậm chuyến, trễ chuyến là do quá tải hạ tầng khiến kéo dài thời gian máy bay phải chờ để lăn vào bãi đỗ và lăn ra đường cất hạ cánh khi hoạt động khai thác được tăng cường để phục nhu cầu hành khách.
Cục Hàng không đã yêu cầu các hãng hàng không chấn chỉnh hoạt động khai thác, giảm tỷ lệ chậm chuyến do các nguyên nhân chủ quan, kịp thời thông báo, cập nhật các thay đổi lịch bay và đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của người vận chuyển đối với hành khách.
Tăng tàu, tăng chuyến, tối ưu hóa lịch bay
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán, cơ quan này đã theo dõi tình hình đặt giữ chỗ, giá vé máy bay hàng phổ thông cơ bản, số liệu đặt giữ chỗ trên các đường bay nội địa được ghi nhận nhằm đánh giá nhu cầu đặt giữ chỗ của hành khách trên các đường bay. Đồng thời, xem xét, đề nghị các hãng bổ sung chuyến bay đối với các đường bay có tỷ lệ đặt chỗ cao phù hợp với năng lực khai thác.
Giai đoạn này, tổng số tàu bay được các hãng hàng không Việt Nam bổ sung là 15 chiếc, nâng tổng số tàu bay khai thác là 212 chiếc.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đã tăng tham số điều phối slot tại các Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất lên 46 hoặc 48 chuyến/giờ.
Điều này nhằm tạo điều kiện cho các hãng hàng không sớm lên kế hoạch khai thác, bổ sung tải cung ứng, tăng cường bay đêm, cũng như các cơ quan, đơn vị ngành hàng không thu xếp nguồn lực phục vụ chuyến bay tăng chuyến, chuyến bay ban đêm, hành khách đặt chỗ sớm, tiếp cận được nhiều mức giá vé phù hợp.
Ngoài mở rộng thời gian khai thác đêm tại các các hàng không địa phương, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng hàng không tối ưu lịch khai thác tàu bay, tăng cường các chuyến bay vào thời gian ban đêm. Cụ thể, Vietnam Airlines bố trí 1.500 chuyến, Vietjet 1.590 chuyến, Bamboo 260 chuyến bay đêm.
Việc khai thác chuyến bay đêm góp phần giảm ùn tắc tại cảng hàng không, hạn chế chậm, hủy chuyến, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không tăng cao, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không bố trí hợp lý nguồn lực phục vụ chuyến bay.
Đáng chú ý, tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã bố trí xe buýt miễn phí vận chuyển hàng khách từ nhà ga đi/đến các bến xe buýt.
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, nhìn chung, sản lượng vận tải trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tăng cao kỷ lục, nhất là tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, các đơn vị trong ngành đã xây dựng kế hoạch khai thác, phục vụ, bổ sung thêm nhân lực, tàu bay, trang thiết bị để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Công tác dự báo tình hình, điều kiện khai thác, hiệp đồng, phối hợp, xử lý công việc giữa các bộ phận đảm bảo nhịp nhàng, hiệu quả, thông tin kịp thời và thực hiện đầy đủ trách nhiệm với hành khách theo quy định, cũng như đảm bảo duy trì tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tình trạng bức xúc của người dân.