Trong nước

Sân bay nhỏ - tầm nhìn xa trong quy hoạch hàng không

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống 01/04/2024 17:43

Việc phát triển sân bay nhỏ sẽ giúp Việt Nam đón đầu xu hướng mới của hàng không thế giới.

Lối ra tàu bay tại sân bay Rạch Giá. Ảnh: ACV.
Lối ra tàu bay tại sân bay Rạch Giá. Ảnh: ACV.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (sau đây gọi là Quy hoạch) được Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2023, đến năm 2030, ngoài 22 cảng hàng không đang hoạt động, chúng ta có thêm 8 cảng nữa gồm: Long Thành, Lai Châu, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Phan Thiết, Thành Sơn và Biên Hòa. Từ 2031 đến 2050, Việt Nam có thêm 3 cảng hàng không mới là Hải Phòng, Cao Bằng và cảng hàng không thứ 2 cho thủ đô Hà Nội.

Với Quy hoạch này, hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đều là sân bay lớn và hoàn toàn vắng bóng sân bay cỡ nhỏ, sân bay chuyên dụng dành cho hàng không chung, cho máy bay cỡ nhỏ, thủy phi cơ hay trực thăng.

Các sân bay lớn theo thời gian có khuynh hướng được tăng kích thước đường cất hạ cánh và tăng kích thước máy bay lớn nhất có thể sử dụng ở sân bay đó.

Tránh lãng phí xây dựng sân bay lớn khi nhu cầu rất nhỏ

Sân bay Cà Mau vào năm 1995 có đường cất hạ cánh dài 1.050 m và rộng 30 m, năm 1999 được nâng cấp đường cất hạ cánh dài 1.500 m để đảm bảo tiếp nhận máy bay ATR72 và tương đương.

Theo Quy hoạch, sân bay Cà Mau đến năm 2020 là cấp 3C có đường cất hạ cánh dài đạt 2.300 m và rộng 35 m để đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay A220, E195 và tương đương với năng suất thiết kế 300.000 hành khách (HK)/năm. Đến năm 2030, đây là sân bay cấp 3C với năng suất thiết kế 1 triệu HK/năm, năm 2050 là sân bay cấp 4C với năng suất thiết kế 5 triệu HK/năm.

Trong khi đó, sản lượng thực tế năm 2019 của sân bay Cà Mau chỉ là hơn 37.000 HK, bình quân 102 HK/ngày với 2 chuyến bay và 51 HK/chuyến. Câu chuyện đối với sân bay Rạch Giá hay Điện Biên cũng tương tự.

Căn cứ vào quy mô dân cư, vào nhu cầu thực tế trong quá khứ thì các sân bay này chỉ cần đường cất cánh ngắn 1.200m, tiếp nhận máy bay từ 19 chỗ trở xuống với sải cánh dưới 24 m như Dornier 228 Cessna SkyCourier, Beechcarf 1900, Let L-140 Turboret... và là sân bay loại 2B theo ICAO.

Tương tự, sân bay Nà Sản, Sa Pa và Phan Thiết là loại sân bay có sản lượng nhỏ từ 300.000 đến 400.000 HK/năm nên chỉ cần đường cất hạ cánh 1.600 m, tiếp nhận thêm máy bay 50 chỗ trở xuống với sải cánh dưới 27m như Fokker 70, ATR 42-300... và là sân bay loại 3B theo ICAO.

Trong Quy hoạch, kết quả dự báo nhu cầu sản lượng năm 2030 cho các sân bay Sa Pa, Phan Thiết và Cà Mau lần lượt là 3,7 triệu HK, 2,8 triệu HK và 2,2 triệu HK theo tôi là đầy tham vọng, tạo nên thách thức trong việc thu hút khách bay.

Nếu nhà nước đầu tư xây dựng các sân bay này và vẫn quản lý, vận hành sân bay theo cách cũ thì các sân bay này đứng trước nguy cơ lãng phí vốn đầu tư.

Ước tính nhu cầu sản lượng cho các sân bay mới và loại rất nhỏ năm 2019

20240206203104_original_10.jpg

Giải pháp tránh lãng phí là các địa phương được tăng phân quyền, được trở thành "Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền" và điều kiện tiên quyết là lãnh đạo địa phương phải năng động, có khát vọng thì mới thu hút dợc cac nhà đầu tư tư nhân tham gia. Khi đó, quy mô sân bay sẽ phù hợp và buộc nhà tư phải tăng các giải pháp thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư về địa phương để tăng lượng khách bay.

Mặt khác, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 sẽ hiệu quả hơn nữa khi quy hoạch xây dựng sân bay lớn và bố trí đủ hạ tầng đón bắt xu hướng phát triển của tàu bay cỡ nhỏ, bay taxi.

Sân bay nhỏ: Lợi thế đón đầu phương tiện bay hiện đại

Ngoài các sân bay dân dụng thương mại loại sản lượng rất nhỏ còn có nhóm sân bay chuyên dùng. Sân bay chuyên dùng có đường cất hạ cánh dưới 1.200 m, đòi hỏi vốn đầu tư không quá lớn, phục vụ nhu cầu hàng không chung, du lịch hoặc cứu thương và an ninh quốc phòng.

Theo Nghị định số 42/2016/NĐ-CP, Bộ trưởng Quốc phòng quyết định phê duyệt vị trí xây dựng sân bay chuyên dùng sau khi lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh nơi đặt sân bay và thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Tổng Tham mưu trưởng quyết định phê duyệt thiết kế chi tiết xây dựng sân bay chuyên dùng sau khi thống nhất với Bộ GTVT.

Máy bay đang đáp xuống Cảng hàng không Côn Đảo (sân bay Cỏ Ống). Ảnh: Hải An.
Máy bay đang đáp xuống Cảng hàng không Côn Đảo (sân bay Cỏ Ống). Ảnh: Hải An.

Do đó, việc phát triển sân bay chuyên dùng sản lượng nhỏ rất phù hợp với địa hình Việt Nam, nhất là ở tỉnh, thành phố vùng núi cao, hải đảo để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Hơn nữa, phát triển các sân bay nhỏ còn phù hợp với xu thế chung của ngành hàng không là sử dụng máy bay điện tầm bay ngắn, hướng tới taxi bay… Nhiều quốc gia trên thế giới đã đề ra các phương án, trong đó có định hướng phát triển ô tô bay, taxi bay nhằm thay thế phương tiện chạy trên mặt đất. Việc phát triển sân bay nhỏ sẽ giúp Việt Nam đón đầu xu hướng này.

Theo ước tính, sân bay lớn cần nguồn vốn rất lớn để triển khai, lên đến hàng nghìn tỷ đồng, thời gian hoàn vốn kéo dài 40 đến 50 năm, gây khó khăn trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư… Trong khi đó, việc phát triển một sân bay nhỏ đáp ứng nhu cầu sản lượng 300.000 HK/năm chỉ cần diện tích dưới 100 ha và vốn đầu tư 500 đến 800 tỷ đồng. Sân bay dạng này có đường cất hạ cánh 1.200 m cho máy bay nhỏ từ 19 chỗ trở xuống.

Sau một thời gian hoạt động, nếu sản lượng có triển vọng tăng lên 500.000 HK/năm thì đường cất hạ cánh có thể nâng lên 1.600 m để tiếp nhận thêm máy bay 40-50 chỗ và nhà ga hành khách được mở rộng tương ứng.

Mặt khác, Việt Nam có nhiều sân bay quân sự do lịch sử để lại hiện hoạt động rất ít. Các sân bay này có thể được chuyển thành sân bay lưỡng dụng để kết hợp nhu cầu dân sự quy mô nhỏ dưới 300.000 HK/năm, phục vụ du lịch, giao thương điểm nối điểm, kết nối giữa các địa phương mà không cần qua trung chuyển ở sân bay lớn.

Ấn Độ đã thành công với chính sách phát triển vận tải hàng không bằng máy bay nhỏ 10 đến 19 chỗ, sử dụng các sân bay rất nhỏ ở vùng nông thôn, vùng xa trung tâm đô thị lớn. Sân bay nhỏ còn đáp ứng nhu cầu của chuyên cơ tư nhân, thủy phi cơ, trực thăng, trực thăng cứu hộ cứu nạn, thiết bị bay cỡ nhỏ phục vụ cho một nhóm người...

Sân bay Cỏ Ống có một đường băng và dài chỉ hơn 1.800 m. Ảnh: Hải An.
Sân bay Cỏ Ống có một đường băng và dài chỉ hơn 1.800 m. Ảnh: Hải An.

Trong tương lai, nhu cầu về sân bay cho máy bay trực thăng, máy bay doanh nhân, máy bay taxi, máy bay phục vụ nông lâm nghiệp hay thăm dò địa chất, máy bay huấn luyện, máy bay thể thao... là rất lớn. Các sân bay chuyên dùng phục vụ cho máy bay cất hạ cánh thẳng đứng bằng động cơ điện, hoặc đường băng ngắn sẽ trở nên cấp thiết ở châu Á và Việt Nam. Thực tế cho thấy hiếm có một trung tâm tài chính thế giới nào mà lại không có sân bay trực thăng. Các sân bay này nhằm hướng tới xây dựng mạng lưới giao thông ngày càng hiện đại và tốt hơn.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy nhu cầu phát triển mạng đường bay ngắn 300-400 km thu gom khách đến sân bay trung chuyển là rất lớn. Hoạt động taxi bay, ôtô bay sẽ dẫn đến nhu cầu có thêm các sân bay với quy mô rất nhỏ và tính chất hoàn toàn khác sân bay hiện nay.

Nhiều nước trong đó có Mỹ đang đẩy mạnh các hoạt động hàng không và phát triển hệ thống sân bay rất nhỏ. Quốc gia này có những sân bay chỉ với một đường cất hạ cánh ngắn dưới 1.000 m và khu đỗ xe, phục vụ cho những chuyến bay tư nhân, bay dịch vụ y tế, bay dịch vụ nông nghiệp… với mạng lưới 5.000 sân bay.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống