Quốc tế

Hy vọng mới cho Boeing sau một năm sóng gió

Hương Trà 29/01/2025 14:31

Boeing, biểu tượng của ngành hàng không Mỹ, trải qua một năm 2024 đầy sóng gió với hàng loạt sự cố kỹ thuật, áp lực tài chính, mất niềm tin từ công chúng. Trong bối cảnh đó, Boeing đang nỗ lực không ngừng để khôi phục lại vị thế và danh tiếng một thời của mình.

28.1 7
Boeing, biểu tượng của ngành hàng không Mỹ, trải qua một năm 2024 đầy sóng gió.

Năm 2024 của Boeing bắt đầu với một sự cố nghiêm trọng vào ngày 5/1 khi chiếc Boeing 737 Max 9 của Alaska Airlines gặp vấn đề nghiêm trọng giữa không trung. Trong chuyến bay khởi hành từ sân bay quốc tế Portland, cửa thoát hiểm khẩn cấp bất ngờ bung ra, tạo thành một lỗ lớn trên thân máy bay. Sự cố làm áp suất trong cabin thay đổi nghiêm trọng, buộc tổ bay phải xử lý khẩn cấp để đảm bảo an toàn. May mắn không có thương vong nhưng vụ việc đã làm dấy lên làn sóng hoài nghi về chất lượng và mức độ an toàn của dòng máy bay 737 Max nói riêng và các sản phẩm của Boeing nói chung.

Một năm đầy sóng gió

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) ngay lập tức tiến hành điều tra và công bố kết quả ban đầu. Báo cáo chỉ ra rằng 4 bu-lông chịu trách nhiệm gắn chặt cửa thoát hiểm vào thân máy bay đã không được lắp đặt đúng quy trình. Điều này cho thấy sự bất cập trong khâu kiểm soát chất lượng của Boeing. Cùng lúc, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh tạm dừng toàn bộ dòng 737 Max trên toàn cầu để kiểm tra. Kết quả kiểm tra phát hiện thêm nhiều trường hợp các linh kiện không được lắp ráp theo tiêu chuẩn, làm gia tăng lo ngại về hệ thống sản xuất của Boeing.

28.1 6

Không dừng lại ở đó, sự việc đã dẫn đến một cuộc điều tra hình sự đối với Boeing, làm chấn động ngành hàng không quốc tế. Đầu tháng 3, FAA tiến hành kiểm toán toàn diện quy trình sản xuất của Boeing và nhà cung cấp chính Spirit Aerosystems trong vòng 6 tuần. Báo cáo kiểm toán chỉ rõ nhiều sai phạm trong việc tuân thủ các yêu cầu kiểm soát chất lượng. Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất là các bó dây điện trên dòng 737 Max được phát hiện lắp đặt sai cách, tiềm ẩn nguy cơ gây mất kiểm soát máy bay. Lỗi này có thể khiến cánh máy bay tự động kích hoạt mà không có lệnh, dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng trong quá trình bay. FAA đã cảnh báo rằng nếu không khắc phục kịp thời, hậu quả có thể dẫn đến những tai nạn thảm khốc.

Không chỉ dòng 737 Max, Boeing 787 Dreamliner cũng đối mặt với những khó khăn dai dẳng. Các lỗi trong quy trình sản xuất, từ việc bu-lông không siết chặt đến vấn đề lắp ráp thân máy bay, đã khiến lịch trình giao hàng bị gián đoạn. Đây không phải lần đầu Dreamliner gặp rắc rối. Dòng máy bay này từng phải ngừng hoạt động toàn bộ đội bay để khắc phục lỗi cháy pin nghiêm trọng trong giai đoạn đầu.

Dòng 777X, vốn được kỳ vọng là bước ngoặt lớn của Boeing, tiếp tục trì hoãn lịch ra mắt. Ban đầu dự kiến ra mắt năm 2020, dòng máy bay này giờ phải lùi đến năm 2025 do sự cố liên quan đến bộ phận kết cấu chịu lực gắn giữa động cơ và khung máy bay. Vấn đề nghiêm trọng này buộc Boeing phải dừng toàn bộ thử nghiệm, gây áp lực lớn lên tiến độ giao hàng và làm gia tăng chi phí sản xuất.

Đến tận cuối năm, ngày 29/12/2024, một chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Hàn Quốc Jeju Air gặp nạn gần thủ đô Seoul, khiến 179 người thiệt mạng, chỉ 2 người sống sót. Chiếc máy bay gặp sự cố kỹ thuật nghiêm trọng khi đang hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu và nghi vấn va phải chim. Vụ tai nạn đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới chuyên gia và các cơ quan an toàn hàng không, trong bối cảnh Boeing đang nỗ lực khôi phục danh tiếng. Dù chiếc 737-800 không phải dòng máy bay mới và đã có lịch sử hoạt động đáng tin cậy, sự cố này vẫn làm dấy lên những câu hỏi về quy trình bảo trì và quản lý rủi ro của các hãng khai thác.

Những sự cố liên tiếp trong năm 2024 đã gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Boeing, đồng thời đặt ra những nghi vấn lớn về mức độ đáng tin cậy của hãng sau nhiều thập kỷ dẫn đầu trong ngành hàng không.

Áp lực về tài chính

Các vấn đề của Boeing trong năm 2024 đã vượt xa phạm vi tổn thất nội bộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không toàn cầu. Báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 6 tỷ USD, nâng tổng số nợ lên 48 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần so với mức 13 tỷ USD vào năm 2018. Cổ phiếu của Boeing đã giảm hơn 40% trong năm nay, xóa sạch 60 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường. Đây là mức giảm mạnh nhất trong lịch sử gần đây của công ty, khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về khả năng phục hồi của hãng.

Những khó khăn của Boeing cũng gây hệ lụy lớn cho các hãng hàng không. Ryanair, một trong những khách hàng lớn của Boeing tại châu Âu, cảnh báo rằng sự chậm trễ trong giao hàng máy bay sẽ khiến giá vé tăng vọt trong mùa hè. Tại Mỹ, Southwest Airlines buộc phải cắt giảm công suất vì không nhận đủ máy bay đúng lịch.

28.1 8

Bên cạnh đó, nội bộ Boeing cũng chứng kiến những căng thẳng lớn. Hai người tố giác nổi bật là John Barnett và Joshua Dean đều qua đời trong năm nay, khiến dư luận đặt ra câu hỏi về văn hóa doanh nghiệp và sự minh bạch của công ty. Barnett, cựu quản lý chất lượng tại nhà máy South Carolina, từng tố cáo rằng áp lực sản xuất đã dẫn đến việc sử dụng các linh kiện không đạt tiêu chuẩn.

Cuộc đua với Airbus và sự xuất hiện của đối thủ mới

Trong khi Boeing đang phải vật lộn với hàng loạt khó khăn, đối thủ hàng đầu Airbus lại ngày càng củng cố vững chắc vị thế dẫn đầu của mình trên thị trường hàng không toàn cầu. Theo số liệu thống kê đến tháng 8/2024, Airbus đã giao được tổng cộng 497 máy bay, vượt xa so với con số 291 chiếc của Boeing. Sự khác biệt này được thể hiện rõ rệt ở sự ổn định và hiệu quả trong quy trình sản xuất cũng như khả năng quản lý chuỗi cung ứng của Airbus, điều mà Boeing hiện đang phải chật vật cải thiện.

28.1 9

Không giống Boeing, Airbus không gánh chịu khoản nợ lớn nào, điều này giúp công ty duy trì khả năng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển các dòng máy bay mới. Trong khi đó, Boeing đang phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ lên đến 48 tỷ USD, đặt ra thách thức lớn đối với khả năng tài chính và kế hoạch mở rộng sản xuất trong tương lai gần.

Airbus tiếp tục duy trì sự ổn định nhờ vào các dòng máy bay như A350, vốn được khách hàng trên toàn thế giới đánh giá cao nhờ hiệu suất hoạt động vượt trội, mức tiêu thụ nhiên liệu thấp và độ tin cậy cao. Đặc biệt, A350 đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều hãng hàng không lớn nhờ khả năng đáp ứng tốt các tuyến bay đường dài với chi phí vận hành tối ưu. Trong khi đó, Boeing phải đối mặt với hàng loạt vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm và chậm trễ giao hàng, khiến nhiều khách hàng lớn như Ryanair và Southwest Airlines bắt đầu chuyển sự chú ý sang Airbus để tìm kiếm giải pháp thay thế.

Ngoài Airbus, thị trường hàng không thương mại còn chứng kiến sự xuất hiện của một đối thủ mới đầy tiềm năng – COMAC, nhà sản xuất máy bay thương mại của Trung Quốc. Với dòng máy bay C919, COMAC đã thể hiện rõ tham vọng cạnh tranh trực tiếp với hai gã khổng lồ là Boeing và Airbus. C919 được thiết kế để đối đầu với dòng Boeing 737 Max và Airbus A320 neo, hai dòng máy bay phổ biến nhất hiện nay trên thị trường. Dù vậy, chương trình phát triển của C919 vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Hiện tại, năng lực sản xuất của COMAC còn hạn chế, với dự kiến sản lượng chỉ đạt khoảng 150 chiếc mỗi năm vào năm 2028, ngoài ra, COMAC cũng chưa được được FAA (Mỹ) hay EASA (EU) cấp chứng chỉ loại. Điều này cho thấy COMAC cần thêm thời gian và kinh nghiệm để có thể thực sự cạnh tranh với các đối thủ giàu kinh nghiệm như Boeing và Airbus.

Tương lai của Boeing

Dù gặp nhiều khó khăn, Boeing vẫn được coi là trụ cột của ngành sản xuất Mỹ và là nhà xuất khẩu lớn nhất của quốc gia này. Với hơn 6.000 đơn hàng chưa được giao, Boeing vẫn có cơ hội để lấy lại vị thế nếu công ty có thể giải quyết các vấn đề hiện tại một cách hiệu quả. Ed Pierson, giám đốc Tổ chức An toàn Hàng không, nhận định: "Boeing, các nhà cung cấp, hãng hàng không và cơ quan chính phủ có khả năng vượt qua những thách thức này. Nhưng bước đầu tiên là phải thừa nhận vấn đề và ngừng che đậy sự thật".

Trong những tháng gần đây, Boeing đã triển khai chương trình "Speak Up" nhằm khuyến khích nhân viên báo cáo các vấn đề nội bộ. Công ty cũng mời các cựu CEO như Alan Mulally và Ray Conner làm cố vấn để hỗ trợ ban lãnh đạo mới.

Năm 2025 được dự đoán sẽ là thời điểm quyết định với Boeing. Nếu công ty có thể tái cấu trúc quy trình, cải thiện chất lượng sản phẩm và lấy lại lòng tin từ khách hàng, họ vẫn có cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, nếu tiếp tục vấp ngã, Boeing có thể đối mặt với nguy cơ mất đi vị thế trên thị trường toàn cầu.

Nhìn lại năm 2024, có thể nói đây là một năm đầy thách thức nhưng cũng là lời nhắc nhở cho Boeing về tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng và an toàn. Dù tương lai còn nhiều bất định, một điều rõ ràng là Boeing cần thay đổi nếu muốn duy trì và phát triển trong một thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt.

Hương Trà