Cá nhân

A380 tư nhân - giấc mộng ‘cung điện bay’ không thành

Thắng Nguyễn 05/06/2024 09:03

Sau đơn đặt hàng mua A380 VIP trị giá gần 500 triệu USD của Hoàng tử Arab Saudi, Airbus kỳ vọng bán thêm 20 chiếc tương tự. Tuy nhiên tham vọng này đã đổ bể.

saudi-arabia-private-a380-1170x878.jpg
Hoàng tử Alwaleed với chiếc "cung điện bay" không thành của mình. Ảnh minh họa: luxurylaunches.

Những người giàu nhất thế giới thích vung tiền vào tài sản trị giá hàng triệu USD như máy bay tư nhân và du thuyền khổng lồ. Nhưng chưa có tỷ phú nào dám mua một chiếc Airbus A380 để sử dụng riêng, ngoại trừ Hoàng tử Arab Saudi Alwaleed bin Talal.

Tháng 10/2007, tỷ phú Arab Saudi đến Triển lãm Hàng không Dubai trên chiếc chuyên cơ Boeing 747 của mình để đặt hàng phiên bản VIP đầu tiên của A380, máy bay chở khách lớn nhất thế giới.

“Đơn đặt hàng của Hoàng tử Alwaleed cho thấy thành công về doanh số của Airbus trên thị trường máy bay phản lực đã mở rộng từ A318 Elite, máy bay nhỏ nhất, cho đến ‘cung điện bay' A380, máy bay lớn nhất của hãng ”, Giám đốc điều hành Airbus John Leahy tuyên bố trong thông cáo chính thức vào thời điểm đó.

Khi đó, Airbus dự kiến bán được 20 chiếc A380 tư nhân, chủ yếu ở Trung Đông. Một con số ít ai nghĩ đến.

Tại năm 2007, chiếc Airbus A380 có giá cơ bản khoảng 300 triệu USD. Một số nguồn tin trong ngành cho rằng Hoàng tử Arab Saudi đã trả tới 485 triệu USD cho “cung điện bay”.

prince-alwaleed-bin-talal-12.jpg
Màn ký kết mở ra hy vọng cho cả hai bên về một chiếc chuyên cơ lớn nhất từ trước tới nay. Ảnh: Simple Flying.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Forbes, tỷ phú này đã đạt được thỏa thuận với Airbus để mua phiên bản bay thử nghiệm của chiếc A380 mang số hiệu 002.

Báo cáo khẳng định Alwaleed đã thương lượng để giảm giá 130 triệu USD, với khoảng 50% sẽ được trả góp hàng năm sau khi trả trước 19,5 triệu USD, số còn lại sẽ được thanh toán khi giao hàng.

Một garage cho dàn xe sang Rolls-Royce

Chiếc A380 sẽ tham gia vào bộ sưu tập máy bay phản lực tư nhân lớn của hoàng tử, bao gồm một chiếc Boeing 747 đã được sửa đổi và một chiếc Airbus A321. Máy bay mới dự kiến được trang bị một số tiện nghi trước đây chưa từng có.

Công ty Design Q có trụ sở tại Worcestershire (Anh) được giao nhiệm vụ thiết kế nội thất cung điện bay của Hoàng tử Alwaleed.

Sơ đồ bên trong của VIP A380 có ba tầng, bao gồm một phần của tầng chở hàng, tất cả được kết nối bằng thang máy có thể hạ xuống đường băng. Kế hoạch cũng bao gồm một garage trên tàu bay để chở dàn xe Rolls-Royce của Alwaleed.

Phòng tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ

Chỗ ở cho hoàng tử và các vị khách của ông bao gồm dãy 20 phòng VIP trên khoang chính, 5 cabin lớn với giường cỡ vua và phòng tắm ở tầng trên. Khu vực chở hàng của A380 được biến thành khu vực thư giãn bao gồm một bồn tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ phủ lớp cẩm thạch chỉ dày 2 mm để giảm trọng lượng.

Phòng chăm sóc sức khỏe ngay bên cạnh có tường và sàn là màn hình khổng lồ hiển thị hình ảnh trực tiếp mặt đất bên dưới, mang lại hiệu ứng ảo giác.

Kế hoạch cũng bao gồm một phòng họp kích thước đầy đủ với một chiếc bàn Perspex lớn có thể gấp đôi như một màn hình cảm ứng lớn và một phòng hòa nhạc có một cây đại dương cầm, tấm cách âm và chỗ ngồi cho 10 người. Cầu thang xoắn ốc lớn là một trong những điểm nổi bật được quảng cáo lần đầu tiên xuất hiện trên máy bay.

Khủng hoảng tài chính năm 2008 phá tan dự định

Forbes đưa tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 là khởi đầu cho sự thất bại của “cung điện bay” A380.

Khoản đầu tư của Alwaleed vào Citigroup - tài sản cốt lõi của ông thời đó - bắt đầu cạn kiệt, buộc Hoàng tử Arab Saudi phải tìm kiếm người mua chiếc máy bay tư nhân A380 duy nhất trên thế giới. Đã có nhân vật trả giá 268 triệu USD. Alwaleed từ chối đề nghị vì không muốn bán chiếc máy bay với giá dưới 300 triệu USD.

Chiếc A380 đã không tìm được người mua trong nhiều năm. Forbes cho rằng Alwaleed muốn bán vì không còn tha thiết với chiếc máy bay này hơn là thiếu tiền.

airbus_a380-3-scaled.jpg
Viễn cảnh một chiếc “cung điện bay” mới ra đời là khó xảy ra. Ảnh: Aero Times.

Năm 2013, báo giới đưa tin chiếc A380 đã được bán cho một người mua bí mật với số tiền không được tiết lộ. Tuy nhiên cho đến nay, Superjumbo vẫn được trưng bày tại Toulouse Blagnac ở Pháp.

Airbus đã dừng sản xuất A380 từ năm 2019. Chỉ 251 chiếc được chế tạo, thấp hơn rất nhiều con số 1.000 chiếc như kỳ vọng ban đầu. Khoản đầu tư 25 tỷ USD của Airbus không được thu hồi.

Một trong những lý do lớn nhất dẫn đến sự thất bại của A380 là chi phí vận hành của nó quá cao. Superjumbo là loại máy bay ngốn nhiên liệu nhất trong các máy bay thương mại. Không phải sân bay nào trên thế giới cũng có đủ điều kiện hỗ trợ kích thước quá khổ của máy bay này.

Và quan trọng nhất, chiếc Airbus A380 quá lớn so với một chiếc máy bay phản lực tư nhân ngay cả với những người giàu có nhất. Không cần phải vội vàng chuyển đổi một thiết bị khổng lồ ngốn nhiều nhiên liệu sang mục đích sử dụng cá nhân, Simple Flying bình luận.

Hoàng tử Al Waleed bin Talal, cháu trai của Abdulaziz (quốc vương Saudi Arabia từ năm 1953 đến năm 1964), là người sáng lập và chủ tịch của tập đoàn Kingdom Holding Company, một công ty đầu tư đa lĩnh vực tài chính, bất động sản, du lịch và khách sạn, truyền thông, giải trí, hóa dầu, hàng không và công nghệ.

Ông là một trong những người giàu nhất thế giới với khối tài sản ước tính lên tới 16,2 tỷ USD (380.000 tỷ VNĐ). Ông được mệnh danh “Warren Buffett của Trung Đông” bởi đã bỏ không ít tiền vào đầu tư khách sạn, bất động sản và cổ phiếu.

Ông nắm giữ cổ phần của những tập đoàn nổi tiếng như Disney, Apple, eBay,... Đồng thời, vị hoàng tử này còn là chủ sở hữu lớn thứ hai của Twitter, sau Elon Musk.

Thắng Nguyễn