Tin tức

COMAC: Hàng không Việt Nam là một động lực của hàng không khu vực

Nguyệt Quỳnh 16/01/2025 11:30

Lãnh đạo tập đoàn sản xuất máy bay của Trung Quốc COMAC mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam để cụ thể hóa, triển khai nhận thức chung và thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Chiều 15/1, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Tan Wangeng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC).

tq1-17369391936511601398490.jpg
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Tan Wangeng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC). Ảnh: VGP.

Phó thủ tướng đánh giá cao thành tựu hoạt động sản xuất, kinh doanh, hiệu quả của Tập đoàn COMAC, cũng như mong muốn hợp tác kinh doanh với các hãng hàng không của Việt Nam, trong đó có hãng hàng không Vietjet Air, giúp đa dạng đội tàu bay, đáp ứng tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường hàng không Việt Nam.

Phó thủ tướng nhấn mạnh việc hợp tác giữa hai doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ của Việt Nam, Trung Quốc và quốc tế về máy bay, các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, chính sách bảo hiểm, hệ thống bảo trì, bảo dưỡng… khi đưa vào vận hành thương mại. Song song đó, COMAC cần cung cấp đầy đủ thông tin về các loại máy bay đã vận hành thương mại và được các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá.

Trong giai đoạn đầu, Vietjet Air và COMAC có thể nghiên cứu phương án hợp tác với một hãng hàng không của Trung Quốc đang vận hành thương mại máy bay của COMAC để thử nghiệm trên một số đường bay… mà Vietjet đang khai thác.

Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật hiện hành, đề xuất, kiến nghị sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đưa tàu bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, ông Tan Wangeng đã báo cáo về một số dòng tàu bay thương mại của COMAC đã được đưa vào khai thác ở Trung Quốc như C909, C919 và C929.

COMAC hiện có hàng chục nghìn nhân viên, bao gồm các kỹ sư, chuyên gia và công nhân lành nghề, làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, phát triển và sản xuất trên khắp Trung Quốc, là đơn vị chủ lực thực hiện dự án máy bay lớn quốc gia Trung Quốc.

Lãnh đạo COMAC đánh giá ngành hàng không Việt Nam là một động lực của hàng không khu vực và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam để cụ thể hóa, triển khai nhận thức chung, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Máy bay COMAC ARJ21 (C909) của hãng hàng không Trung Quốc Chengdu Airlines. Ảnh: FlightGlobal.
Máy bay COMAC ARJ21 (C909) của hãng hàng không Trung Quốc Chengdu Airlines. Ảnh: FlightGlobal.

Trước đó, trong văn bản ngày 17/12/2024 gửi Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam, Vietjet Air đề nghị hỗ trợ các thủ tục phê chuẩn hợp đồng thuê tàu bay kèm tổ bay - thuê ướt (ACMI), biên bản ghi nhớ (MOU), chứng chỉ nhà khai thác hàng không nước ngoài (FAOC), chứng chỉ đủ điều kiện bay hạn chế (RCOA).

Đồng thời, Vietjet kiến nghị 2 cơ quan này đặc biệt chỉ đạo sự hỗ trợ, phối hợp từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong việc cung cấp các dịch vụ cảng hàng không sân bay và phục vụ mặt đất nhằm đưa dòng tàu bay ARJ21 vào khai thác theo đúng kế hoạch cũng như tiếp tục mở rộng công tác phê chuẩn giấy chứng nhận loại (TC Type Certificate) cho loại tàu bay ARJ21 theo hoạch định phát triển lâu dài.

Động thái trên được Vietjet Air đưa ra dựa trên chiến lược dài hạn phát triển đội tàu bay của hãng nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển đường bay Côn Đảo và sân bay khác cũng như cơ hội mở rộng đường bay đến các thị trường trong khu vực, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Vietjet thông tin hãng đã ký kết hợp đồng thuê ướt (bao gồm cả máy bay, phi hành đoàn, bảo dưỡng và bảo hiểm, cung cấp giải pháp trọn gói cho bên thuê) với hãng hàng không Trung Quốc Chengdu Airlines đối với 2 tàu bay COMAC ARJ21 (C909) dự kiến bắt đầu từ 15/1/2025 nhằm phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán với chặng bay Hà Nội/TP.HCM - Côn Đảo.

Hãng cũng cam kết tuân thủ các luật định, hoàn tất triển khai đề án thuê ướt khai thác dòng tàu bay COMAC ARJ21 với đối tác Chengdu Airlines trong thời gian sớm nhất và sẽ cập nhật báo cáo tiến trình cũng như những khó khăn, vướng mắc đến Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam.

Trong cuộc tiếp đón Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi 6/11/2024, ông Ngụy Ứng Bưu, Phó Tổng giám đốc thường trực COMAC cho biết đã đi từ Thượng Hải đến Côn Minh (Trung Quốc) để báo cáo với Thủ tướng về vấn đề thúc đẩy hợp tác. Theo đó, công ty có loại máy bay hơn 90 chỗ, có thể bay cự ly 3.000 km, đã bay thử chặng TP.HCM - Côn Đảo.

"Chúng tôi rất phấn khởi vì chưa bao giờ máy bay đi đường bay có khoảng cách ngắn như vậy", đại diện COMAC chia sẻ và cho rằng với sự phát triển của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là hàng không, COMAC rất quan tâm và mong muốn sớm vào thị trường Việt Nam.

Nguyệt Quỳnh