Kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống ngành Hàng không Việt Nam
Hàng không dân dụng Việt Nam trở thành một bộ phận không thể thiếu trong các ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự phát triển, hiện đại hóa nền kinh tế nước nhà.
Ngày 15/1/1956 Thủ tướng ban hành Nghị định số 666-TTg thành lập Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.
Ra đời từ lực lượng vũ trang nhân dân, hàng không dân dụng Việt Nam luôn giữ vững bản chất cách mạng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Trưởng thành từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến hiện đại và giờ đây hàng không dân dụng thực sự trở thành một bộ phận không thể thiếu trong các ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự phát triển, hiện đại hóa nền kinh tế nước nhà.
Chặng đường 69 năm (15/1/1956-15/1/2025), hàng không dân dụng Việt Nam đã ghi nhận biết bao tấm gương trung với Đảng, hiếu với dân, dũng cảm quên mình, chí nghĩa, chí tình góp phần làm nên những chiến công tiêu biểu trong trang lịch sử truyền thống của ngành để có một ngành hàng không dân dụng Việt Nam phát triển như ngày hôm nay.
69 năm qua, hàng không dân dụng Việt Nam đã nhiều lần thay đổi tổ chức và cơ cấu để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Nhưng dù tổ chức và cơ cấu có thay đổi và trong bất cứ điều kiện nào, hàng không dân dụng Việt Nam vẫn cố gắng phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi hoàn cảnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đáp ứng được sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, tổng thị trường vận chuyển hành khách qua đường hàng không năm 2024 ước đạt 76,4 triệu khách và 1,29 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 5,1% về hành khách và 20% về hàng hóa so với năm 2023.
Hiện nay, 4 hãng hàng không của Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines khai thác 50 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM và 20 cảng hàng không trên cả nước. Các hãng bay nội địa cũng khai thác 98 đường bay quốc tế đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đến hết năm 2024, về vận chuyển hành khách, Vietnam Airlines chiếm 42% thị phần nội địa, Vietjet chiếm 40%, Bamboo Airways chiếm 7%, Vietravel Airlines chiếm 3%, Pacific Airlines và VASCO đều chiếm 4%. Đội tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam của các hãng hàng không là 221 chiếc (giảm 11 máy bay so với năm 2023).
Đặc biệt, mới đây, Vietnam Airlines nhận thêm 3 tàu bay Airbus A320 phục Tết Nguyên đán 2025, trước đó hãng cũng nhận 3 tàu bay Airbus A320neo và 1 máy bay thân rộng Boeing 787-100. Vietjet Air cũng tăng cường 4 tàu bay thuê ướt từ đầu năm 2025 và hãng này đã hoàn thành kế hoạch nhận thêm 10 tàu bay mới năm 2024.
Việc các hãng hàng không liên tục đón tàu bay mới trong năm 2024 cho thấy thấy những nỗ lực của cơ quan chức năng và các hãng trong bối cảnh thiếu hụt máy bay diễn tiến kéo dài, nguyên nhân chủ yếu là lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2024 cũng ghi dấu cột mốc quan trọng của Bamboo Airways trong hành trình trở lại bầu trời quốc tế với chặng bay TP.HCM - Bangkok (Thái Lan).
Chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống vẻ vang của ngành Giao thông Vận tải (28/8/1945-28/8/2025) và tiến tới chào mừng 70 năm ngày thành lập ngành Hàng không dân dụng Việt Nam (15/1/1956-15/1/2026), cán bộ, viên chức, người lao động ngành hàng không Việt Nam hăng hái thi đua học tập, lao động sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng ngành hàng không Việt Nam phát triển, hiện đại, đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo.