Trông chờ gì ở taxi bay?
Giới chuyên gia nhận định taxi bay sẽ có vị trí quan trọng trong ngành giao thông thế giới. Tuy nhiên, trước đó là hàng loạt thách thức cần được giải quyết.
Tại New York (Mỹ), Archer Aviation - một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực taxi bay - tự đặt cho mình sứ mệnh: “Mở khóa” bầu trời để giúp người dân di chuyển dễ dàng hơn.
Hợp tác với United Airlines, Archer Aviation phát triển một loại taxi bay kết nối trung tâm New York và thành phố Newark kế cận. Với mỗi chuyến bay 100 USD, hành khách chỉ mất 10 phút di chuyển - thay vì hơn một tiếng nếu đi dưới mặt đất.
Tuy nhiên, đơn vị phát triển taxi bay cho biết sản xuất được sản phẩm chỉ là một phần thách thức.
“Vấn đề quan trọng hơn là chúng tôi làm cách nào để có được chứng nhận từ FAA (Cơ quan Hàng không Dân dụng Mỹ). Làm cách nào để đảm bảo taxi bay an toàn ngang máy bay dân dụng, làm cách nào để chen chân được vào hệ thống kiểm soát không lưu bận rộn và không gian vốn đã đông đúc”, ông Mike Leskinen, Chủ tịch United Airlines Ventures - bộ phận đầu tư mạo hiểm của United Airlines, nói với Financial Times.
Với xu thế đô thị hóa - và hệ quả là tình trạng ùn tắc giao thông tăng lên ở các thành phố trên toàn thế giới, taxi bay có tiềm năng cách mạng hóa việc đi lại của con người, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới và sáng tạo.
Hàng loạt "ông lớn" tham gia nghiên cứu phát triển
Hàng loạt doanh nghiệp đã bắt tay phát triển thử nghiệm các mẫu taxi bay ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới. Một số cái tên nổi bật trong lĩnh vực này có thể kể đến như Airbus, Uber, Volocopter, Joby Aviation …
Khởi động dự án Vahana từ năm 2016, Airbus đặt mục tiêu phát triển taxi bay tự vận hành có thể chở một hành khách hoặc hàng hóa. Công ty đã tiến hành một số chuyến bay thử nghiệm tại bang Oregon (Mỹ) và từng có kế hoạch đưa vào vận hành thương mại từ năm 2023. Tuy nhiên, Airbus đã chuyển hướng sang dự án CityAirbus có sức chứa tăng lên bốn hành khách và phù hợp với không gian đô thị, với kế hoạch đưa vào khai thác trong năm 2027.
Volocopter, công ty khởi nghiệp hàng không tại Đức, đã phát triển loại tàu bay có thể chở hai hành khách và đã tiến hành một số chuyến bay thử nghiệm tại Dubai, Singapore và Helsinki. Volocopter xác nhận họ sẽ được cấp chứng chỉ vào năm 2024 và có kế hoạch triển khai dịch vụ tại Rome (Italy) và Singapore vào cuối năm 2024, ở Osaka (Nhật Bản) và Neom (Saudi Arabia) vào năm 2025.
Thách thức và hạn chế
Để taxi bay có thể trở thành loại phương tiện phổ biến như taxi truyền thống hay xe buýt, hàng loạt thách thức và hạn chế cần được giải quyết. Đầu tiên, các loại taxi bay đang phát triển còn nhiều hạn chế kỹ thuật, từ khả năng tự lái, độ an toàn tới khả năng hoạt động trong những điều kiện thời tiết khác nhau.
“Chúng ta phải tìm ra mục tiêu an toàn thích hợp và cân bằng. Chỉ một tai nạn đầu tiên sẽ gây ra thiệt hại rất lớn - không chỉ cho một đơn vị mà cho toàn ngành”, ông David Solar, lãnh đạo bộ phận phụ trách máy bay cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) tại Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA), cho hay.
Bên cạnh đó, phát triển taxi bay đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, từ chi phí nghiên cứu, sản xuất tới xây dựng cơ sở phụ trợ. Taxi bay còn cần hạ tầng phù hợp, bao gồm địa điểm cất hạ cánh và hạ tầng sạc điện, để đảm bảo rằng phương tiện có thể hoạt động liên tục và ổn định.
Ngoài ra, sự phát triển của taxi bay phụ thuộc vào quy định của các cơ quan quản lý hàng không trên toàn thế giới. Tháng 6/2022, EASA đã công bố bộ quy tắc đầu tiên trên thế giới về hoạt động của taxi bay trong thành phố. Đây được coi là cơ sở để các công ty taxi bay nộp đơn xin cấp phép lên EU sau khi hoàn thiện sản phẩm.
An toàn - an ninh là yếu tố khác mà các công ty taxi bay cần tính đến. Phương tiện được sử dụng cần đáp ứng mọi yêu cầu cần thiết và có thể hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau, cũng như có khả năng “tự vệ” trước các cuộc tấn công mạng và các hình thức đe dọa an ninh khác.
Cuối cùng, tiếng ồn là một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng taxi bay. Các hãng taxi bay đã nhận ra điều này. Mẫu taxi bay VoloCity của Volocopter thậm chí được nhận xét là “quá yên tĩnh”.
“Tiếng điều hòa thậm chí to hơn tiếng máy bay, khiến nhiều người không để ý”, Giám đốc điều hành Volocopter Dirk Hoke nói trong một triển lãm hàng không tại Paris (Pháp) tháng 6/2023.
Tương lai hứa hẹn
Một trong những bước phát triển quan trọng nhất trong tương lai của taxi bay là khả năng vận hành tự động, giúp phương tiện này vận hành hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn vì không cần con người điều khiển.
Tháng 10/2023, EH216-S - mẫu taxi bay của công ty công nghệ Trung Quốc EHang - trở thành sản phẩm taxi bay không người lái đầu tiên được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận trên thế giới. EH216-S có tầm hoạt động tối đa 30 km với vận tốc thiết kế lên tới 130 km/h. EHang cũng đang phát triển một phiên bản khác có tầm bay lên tới 300 km.
Dù còn nhiều việc phải làm trước khi taxi bay có thể trở thành phương thức vận tải phổ biến, những tiến bộ đã đạt được tương đối hứa hẹn. Nếu được đầu tư và phát triển liên tục, taxi bay có tiềm năng cách mạng hóa cách con người đi lại và có thể trở thành cảnh tượng phổ biến trên bầu trời trong những năm tới.
“Taxi bay sẽ thay đổi cuộc sống con người. Câu hỏi không phải là điều này có thể trở thành sự thật không, mà là bao giờ tương lai đó sẽ đến”, ông Leskinen, Chủ tịch United Airlines Ventures, nhận định.