Trong nước

Phương án nào cải thiện tình trạng thiếu hụt máy bay?

Nam Bình 08/01/2025 06:53

Trong khi ngành hàng không Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá hơn nữa trong giai đoạn tới, đặc biệt từ những tiền đề quan trọng sau sự phục hồi tích cực trong năm 2024, tình trạng thiếu hụt máy bay vẫn chưa được cải thiện và dự báo sẽ còn kéo dài đến giữa năm 2025.

Vietnam Airlines và Vietjet Air mạnh tay chi tiền khủng mua máy bay để phát triển đội bay, tăng năng lực khai thác, phục vụ mạng bay toàn cầu. Ảnh: Khánh Huyền.
Ảnh: Khánh Huyền.

Việc thiếu hụt tàu bay bắt buộc các hãng hàng không phải giảm thời gian quay đầu, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay đêm… Điều này làm tăng áp lực lên công tác đảm bảo an toàn bay.

Thuê hay mua mới máy bay đều khó

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 20/12, tổng số tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 249 chiếc, trong đó có 220 tàu bay cánh bằng và 29 trực thăng. Như vậy, đội tàu bay của Việt Nam đã giảm 12 chiếc so với năm 2023.

Mặc dù sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng trưởng tốt, thế nhưng, tình trạng thiếu hụt máy bay diễn tiến kéo dài khiến các hãng hàng không và cơ quan chức năng phải chật vật xoay xở.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại Việt Nam, hiện tại có tổng số 26/53 tàu bay A321neo đang phải bảo quản dừng bay.

So lieu may bay
Số máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam đến ngày 20/12 theo loại máy bay và doanh nghiệp sở hữu. Trong đó, VNA: Vietnam Airlines; PA: Pacific Airlines; VJC: Vietjet Air; BAV: Bamboo Airways.... Đồ họa: Cục Hàng không Việt Nam.

Thông tin từ Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines, năm 2024, sản lượng vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines đạt 22,7 triệu lượt, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng hàng hóa vận chuyển trong năm qua cũng đạt 314,7 nghìn tấn, tăng mạnh đến 40% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, hiệu quả khai thác đội tàu bay được nâng cao đáng kể với giờ bay bình quân đạt 11 giờ mỗi ngày trên mỗi tàu bay, tăng 25% so với năm 2023. Điều này phần nào phản ánh việc hãng hàng không quốc gia đã tăng thời gian khai thác đối với đội tàu bay hiện tại.

Trước đó, đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng đang phải tạm dừng 12 máy bay A321neo dưới mặt đất do ảnh hưởng bởi triệu lệnh hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney và 2 máy bay A350 cũng bị ảnh hưởng bởi động cơ Rolls-Royce.

Không chỉ vậy, đến cuối năm nay, ngoài 17 chiếc máy bay A321 NEO, có 3-5 chiếc A350 cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất.

Trong khi đó, quá trình đưa động cơ vào bảo dưỡng kéo dài đến 300 ngày, gấp gần 3 lần trước kia, gây khó khăn cho hãng trong việc đáp ứng nhu cầu tăng cao của hành khách dịp cuối năm. Đại diện Vietnam Airlines dự báo, tình trạng thiếu máy bay sẽ còn tiếp diễn đến nửa đầu năm 2025.

Trong 9 tháng đầu năm nay Vietnam Airlines thực hiện 106.400 chuyến bay an toàn với 17,2 triệu lượt vận chuyển hành khách, tăng 8,9% so cùng kỳ 2023. Ảnh: VNA.
Vietnam Airlines đang phải tạm dừng 12 máy bay A321NEO dưới mặt đất do ảnh hưởng bởi triệu lệnh hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney. Ảnh: VNA.

Trao đổi với Open Sky, ông Đào Đức Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không Lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines, cũng thông tin, với sự góp mặt của nhóm cổ đông mới hồi giữa tháng 12 vừa qua, Vietravel Airlines có kế hoạch mở rộng đội tàu bay để phát triển hoạt động kinh doanh.

Theo đó, trong năm 2025, Vietravel Airlines đặt mục tiêu tăng đội tàu bay lên ít nhất 8 – 10 chiếc. Hiện doanh nghiệp này đang khai thác 3 chiếc A321.

Thế nhưng, theo ông Vũ, cả việc thuê hoặc mua mới máy bay thời điểm hiện tại đều rất khó khăn.

Dù doanh nghiệp đã tìm được nguồn vốn đầu tư nhưng vẫn rất khó để thuê được tàu bay ở thời điểm hiện tại!

Ông Đào Đức Vũ, TGĐ Vietravel Airlines.

Vietravel Airlines đang có dự định hợp tác với nhà sản xuất máy bay Boeing nhưng hãng này đang phải đối mặt tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến việc giao hàng đúng hẹn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, phía Airbus thì cho rằng, các hãng bay muốn mua máy bay mới phải xếp hàng từ nay đến năm… 2032 mới tới lượt.

Tăng áp lực lên công tác đảm bảo an toàn bay

Tình trạng nguồn cung ứng thiết bị tàu bay khó khăn, trong khi nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng cao khiến các hãng hàng không phải tối ưu hoá thời gian sử dụng tàu bay. Từ đó, tăng áp lực cho hệ thống bảo dưỡng, cung ứng vật tư, khí tài; nguồn nhân lực…

Trong khi đó, theo đánh giá, công cụ theo dõi của Cục Hàng không Việt Nam còn hạn chế để thực hiện công tác giám sát an toàn hiệu quả. Việc sự phối hợp giữa các bên liên quan trong chia sẻ thông tin, xử lý sự cố chưa được chặt chẽ; hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu về an toàn còn chưa đồng bộ, hiệu quả….

Vietravel Airlines muốn tăng đội máy bay lên 50 chiếc vào năm 2030. Ảnh: Vietravel Airlines.
Vietravel Airlines muốn tăng đội máy bay lên ít nhất 8 - 10 chiếc trong năm 2025 nhưng gặp phải tình trạng khó thuê, mua máy bay trên toàn cầu. Ảnh: Vietravel Airlines.

Trước tình hình này, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo triển khai các giải pháp giảm thiểu rủi ro như tổ chức thực hiện rà soát công tác đảm bảo an toàn thông qua hoạt động của các đoàn kiểm tra an toàn tối thiểu của năm (MARI), các đợt kiểm tra gia hạn Giấy Chứng nhận Người khai thác tàu bay đối với tổ chức, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay đối với tàu bay, cũng như các đợt kiểm tra an toàn đột xuất.

Đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong việc tìm kiếm và bổ sung tàu bay, bao gồm thuê khô và thuê ướt, để đáp ứng nhu cầu khai thác. Tăng cường nâng cao các biện pháp đảm bảo an toàn trong bối cảnh các hãng hàng không tối ưu hóa thời gian sử dụng tàu bay.

Cục Hàng không Việt Nam cũng rà soát hiệu quả các giải pháp giảm thiểu rủi ro và thực hiện tăng cường bổ sung trong trường hợp cần thiết, chia sẻ thông tin an toàn đến các đơn vị trong ngành để ngăn ngừa sự cố.

Cục cũng yêu cầu thực hiện tổ chức việc xếp lịch bay tính đến quản lý rủi ro mệt mỏi và các báo cáo mệt mỏi của tổ bay nhằm tăng giới hạn (margin) của tổ bay đối với các tình huống không lường trước, bất thường trong chuyến bay…

Trong giai đoạn tiếp theo, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai hiệu quả các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các hãng hàng không thực hiện các giải pháp để phấn đấu có nguồn cung máy bay không thấp hơn so với năm trước.

Các giải pháp cụ thể như giảm thời gian quay đầu, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay sau 22 giờ…

Từ ngày 14/01/2025 đến hết ngày 12/02/2025 triển khai phương án khai thác bay đêm tại 6 cảng hàng không là Thọ Xuân, Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku và Tuy Hòa. Ảnh minh họa: Khánh Huyền.
Các hãng hàng không tăng cường giảm thời gian quay đầu, thực hiện các chuyến bay đêm... để tối ưu thời gian khai thác đội tàu bay hiện tại. Ảnh minh họa: Khánh Huyền.

Về phía các hãng hàng không, đại diện Vietnam Airlines cũng cho rằng, hãng vẫn đang tích cực làm việc với nhà sản xuất để thúc đẩy quá trình giao nhận máy bay, thuê ướt thêm máy bay để phục vụ cao điểm bay nội địa, khai thác chuyến bay đêm để có cơ hội giảm giá vé cũng như tiếp tục mở rộng mạng đường bay quốc tế…

Bước sang năm 2025, Vietnam Airlines đặt mục tiêu tham vọng trong bối cảnh cạnh tranh và phát triển mới với sản lượng vận chuyển dự kiến khoảng 25,4 triệu lượt hành khách và 336,3 nghìn tấn hàng hóa. Vietnam Airlines cũng sẽ tiếp tục tập trung vào việc tăng hiệu suất khai thác đội tàu bay, nâng cao năng suất lao động và đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động điều hành.

Nam Bình