Chính sách

Doanh nghiệp hàng không Việt Nam trong cuộc đua chuyển đổi số

Nam Bình 06/01/2025 14:30

Ngành hàng không Việt Nam kết thúc năm 2024 với nhiều bước tiến vượt bậc trong hoạt động chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho một năm 2025 phát triển bùng nổ.

nganh-hang-khong-va-chuyen-doi-so-dx.jpg

Chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế tất yếu của ngành hàng không, giúp các doanh nghiệp giải bài toán thị trường cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Nâng tầm trải nghiệm của hành khách

Theo dự báo của IATA, vào năm 2041, tăng trưởng hành khách trong ngành hàng không dự kiến gấp đôi so với hiện nay. Việc xây dựng, khai thác các sân bay lớn hơn ngày càng khó khăn, việc sử dụng các nền tảng số hết sức quan trọng, giúp các cảng hàng không và cơ quan quản lý nhà nước linh động, hoạt động hiệu quả hơn.

Là đơn vị quản lý khai thác 22 cảng hàng không trải dài trên cả nước, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang tiến hành lộ trình chuyển đổi số mạnh mẽ, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào dây chuyền phục vụ chuyến bay và hành khách.

cang-hkqt-noi-bai-chinh-thuc-ap-dung-thu-phi-khong-dung-tai-tat-ca-cac-lan-vao-ra-ca-hai-nha-ga-3.jpg
Sân bay Nội Bài áp dụng thu phí không dừng tại tất cả các lối vào. Ảnh: ACV.

Trong năm 2024, ACV từng bước hoàn thành lộ trình thực hiện chuyển đổi số tại các cảng hàng không, đã hoàn thành triển khai và đưa vào khai thác hạ tầng mạng SCN và iCUTE tại tất cả các cảng hàng không để triển khai “checkin online” cho các hãng hàng không quốc nội.

ACV cũng triển khai bộ giải pháp công nghệ thông tin mới do doanh nghiệp này nghiên cứu, phát triển như AODB (lưu trữ, phân phối và quản lý tất cả dữ liệu chuyến bay theo mùa và thời gian thực), FIDS (Hệ thống hiển thị thông tin chuyến bay), PAS, Veripax (ứng dụng kiểm tra thông tin hành khách) và ACV DCS tại các cảng hàng không trực thuộc. Hiện ACV đã triển khai được 11/21 cảng hàng không, dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư cho 21 cảng hàng không trong quý I năm 2025.

Trước đó, từ đầu tháng 2/2023, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi đã triển khai thí điểm một làn riêng dành cho hành khách đi máy bay nội địa có sử dụng CCCD điện tử.

Giai đoạn tiếp theo sẽ nghiên cứu phát triển thiết bị kiểm tra tự động, không cần có sự kiểm soát của nhân viên an ninh hàng không nhằm tiết giảm nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không.

Hay như với hoạt động thu phí không dừng, đến nay, ACV đã đưa vào khai thác hệ thống thu phí không dừng tại 5 cảng hàng không trên cả nước, gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cát Bi, Phú Bài.

Hệ thống này đã mang lại hiệu quả khai thác, giảm ùn tắc, tăng năng suất lao động, hiện nay ACV đang triển khai giai đoạn 2 cho các cảng hàng không còn lại. Đồng thời, giúp nâng tầm trải nghiệm của hành khách đi lưu thông đến các cảng hàng không.

Khai thác sức mạnh của AI

Ngoài mục tiêu trở thành hãng hàng không số hàng đầu ASEAN vào năm 2025, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines, cũng định hướng sẽ đạt Cấp độ 4 – cấp độ Nâng cao theo Bộ Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2025.

Mới đây, thông qua quan hệ hợp tác với Microsoft và đối tác Vũ Thảo Technology, Vietnam Airlines vừa áp dụng công nghệ AI để xây dựng phần mềm trợ lý ảo khai thác tri thức nội bộ. Đây được xem là một bước tiến tiếp theo của Vietnam Airlines trong quá trình chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên.

2-1.jpeg
Vietnam Airlines định hướng sẽ đạt Cấp độ 4 – cấp độ Nâng cao theo Bộ Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2025. Ảnh: VNA.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám Đốc Trung tâm Chuyển đổi số của Vietnam Airlines, cho biết, vai trò của trợ lý ảo VNA AI sẽ giải quyết những thách thức liên quan đến thời gian và quy mô của Vietnam Airlines, giải phóng nhân sự, giảm áp lực công việc hàng ngày và tối ưu hóa quy trình, đảm đảm bảo an toàn.

“Việc đầu tư vào chatbot AI là một bước tiến quan trọng trong việc khẳng định khả năng chuyển đổi số của Vietnam Airlines, thể hiện ý chí quyết tâm, hết lòng với sự đổi mới và định hình lại cách doanh nghiệp tương tác và phục vụ khách hàng trong thế giới số hóa hiện nay”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, Vietnam Airlines cũng đang từng bước tích hợp VNA AI vào các hệ thống nội bộ như quản lý nhân sự và bảo dưỡng tàu bay của hãng, giúp tăng cường sự liên kết và tối ưu hóa quy trình vận hành trong toàn bộ tổ chức. Điều này giúp các bộ phận khác nhau trong hãng có thể phối hợp chặt chẽ, đồng thời đảm bảo tính nhất quán trong việc quản lý thông tin và ra quyết định.

Giải pháp công nghệ hướng đến tương lai

Ông Nguyễn Văn Hùng Cường, Tổng Giám đốc SASCO - doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ phi hàng không, cũng nhận định, một trong những chiến lược quan trọng của SASCO là chuyển đổi số, xem đó là một “động lực mới” thúc đẩy hiệu quả sản xuất - kinh doanh và hướng đến mục tiêu phát triển “xanh”, bền vững.

SASCO đang tích cực triển khai các giải pháp số hóa toàn diện từ tối ưu hóa quản trị, vận hành hoạt động kinh doanh đến nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng.

Ảnh 1
SASCO đánh giá công nghệ không chỉ là công cụ mà còn là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: SASCO.

Một trong những cột mốc đáng chú ý trong hành trình số hóa của SASCO là vừa hoàn thành triển khai phần mềm Dynamic - một hệ thống quản trị tích hợp giúp tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình vận hành.

Với “Dynamic” doanh nghiệp chủ động cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng thông qua xây dựng dữ liệu, hồ sơ khách hàng chi tiết, phân tích hành vi mua sắm, từ đó đưa ra các chương trình, chính sách ưu đãi, chăm sóc phù hợp với từng khách hàng và các nhóm khách hàng khác nhau.

“Công nghệ không chỉ là công cụ mà còn là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với những thay đổi trong thời đại số".

Ông Nguyễn Văn Hùng Cường, Tổng Giám đốc SASCO

SASCO cũng phát triển các công cụ báo cáo thông minh để hỗ trợ tài chính kế toán và đối soát dữ liệu tiết kiệm thời gian và đảm bảo tính minh bạch và chính xác - yếu tố được cho là then chốt trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp này cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành ứng dụng công nghệ thực tế ảo triển lãm tại không gian phòng chờ, mang đến trải nghiệm thực tế không gian 360 độ của phòng chờ để khách hàng quyết định chọn sử dụng dịch vụ trước khi đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo đánh giá của SASCO, chuyển đổi số không chỉ là nền tảng thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn là chìa khóa để doanh nghiệp thích ứng với những biến động của thị trường.

"Công nghệ giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh, sẵn sàng đón chào cơ hội phát triển tại Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành…trong giai đoạn phát triển mang tính lịch sử của ngành hàng không Việt Nam”, đại diện SASCO nhận định.

Theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử và kinh tế số. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm với các hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ.

Nam Bình