Cá nhân

Bên trong 'căn hộ bay' 44 triệu USD mới được Taylor Swift rao bán

Việt Anh 04/06/2024 16:03

Với khả năng chở 12-14 người cùng khoang ngồi rộng rãi và sang trọng, chuyên cơ này sẽ tạo cho hành khách cảm giác như đang ở trong một căn hộ cao cấp.

Ngày 30/1 năm nay, truyền thông quốc tế đưa tin Taylor Swift đã lặng lẽ bán chiếc Falcon 900, một trong 2 chuyên cơ của hãng Dassault trong bộ sưu tập máy bay riêng của cô, cho một công ty có trụ sở đặt tại bang Missouri (Mỹ). Thông tin này sau đó đã được cập nhật trên trang web của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).

Dù giá trị của giao dịch chưa được tiết lộ, theo Business Jet Traveler, dòng máy bay của ngôi sao ca nhạc 34 tuổi có giá niêm yết khoảng 44 triệu USD (tương đương 964 tỷ đồng).

sls2.jpg
Chiếc Falcon 900 mà Taylor Swift sở hữu được cho là có giá lên tới 964 tỷ đồng. Ảnh: Main Passenger Club.

Falcon 900 là dòng máy bay phản lực 3 động cơ tầm trung được phát triển bởi hãng Dassault Aviation của Pháp. Với tầm hoạt động lên tới 4.750 hải lý, sức chứa 12-14 người cùng khoang ngồi rộng rãi và sang trọng, chuyên cơ này tạo cho hành khách cảm giác như đang ở trong một căn hộ cao cấp.

Chuẩn mực của chuyên cơ phản lực

Falcon 900 có một lịch sử lâu đời. Bản thân chuyên cơ này chính là phiên bản nâng cấp từ dòng máy bay Falcon 50 hoạt động từ năm 1976.

Thời điểm đó, Hải quân Pháp đã bày tỏ sự quan tâm đến một loại máy bay mà họ có thể sử dụng cho các nhiệm vụ ở nước ngoài, chủ yếu ở những khu vực hẻo lánh. Loại máy bay này được yêu cầu phải có tính “kiện toàn”, “đơn giản” và “không đắt đỏ đối với người và dịch vụ vận hành”.

Để giảm thiểu chi phí phát triển cùng những rủi ro đi kèm, Hải quân Pháp mua 4 máy bay Falcon 50 qua sử dụng, sau đó tân trang và nâng cấp chúng tại nhà máy Mérignac của Dassault. Chính quá trình này đã dẫn đến sự ra đời của Falcon 900 vào năm 1982.

Sau đó 2 năm, máy bay này có lần cất cánh đầu tiên vào ngày 21/9/1984, dưới sự điều khiển của 2 phi công Hervé Leprince-Ringuet và Jérôme Résal.

da00000546_si.jpg
Chiếc Falcon 900 của Dassault có lần đầu tiên cất cánh vào năm 1984. Ảnh: Dassault Aviation.

Kể từ đó, có hơn 500 máy bay Falcon 900 (gồm tất cả biến thể) đã được Dassault xuất xưởng và trở nên phổ biến đối với các nhà khai thác chặng bay cả dân sự lẫn quân sự.

Các phiên bản quân sự của Falcon 900 được Không quân Bolivia, Cảnh sát biển Nhật Bản, Không quân Nigeria và Không quân Italy sử dụng. Trong khi đó, các biến thể dân sự của nó gồm các dòng Falcon 900, 900B, 900C, 900EX, 900DX và mới nhất là 900LX.

Tất cả các biến thể mới hơn đều được xây dựng dựa trên thế mạnh của thế hệ trước. Vì vậy, Dassault đã tạo ra một chuẩn mực trong ngành về tuổi thọ, độ bền, độ tin cậy và giá trị lâu dài đối với một chuyên cơ phản lực.

Chức năng đi liền phong cách

Chiếc Falcon 900 của Taylor Swift được cho là loại 900LX - biến thể mới nhất của dòng máy bay này, có lần đầu ra mắt công chúng tại Hội nghị & Triển lãm Hàng không Kinh doanh Châu Âu (EBACE) năm 2008.

Biến thể này có tầm hoạt động khoảng 8.796 km, tương đương một chuyến bay thẳng từ London (Anh) đến Mumbai (Ấn Độ) mà không cần dừng hoặc tiếp nhiên liệu giữa đường. Máy bay có thể đạt tốc độ tối đa Mach 0,8 và vận tốc hành trình lên tới gần 950 km/h, với 3 động cơ Honeywell TFE731-60 hỗ trợ lực đẩy lên tới 2,2 tấn. Ngoài ra, nó còn có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn tầm 1,2 km.

falcon.jpg
Sức chứa 12-14 người cùng khoang ngồi rộng rãi và sang trọng giúp Falcon 900LX tạo cho hành khách cảm giác như đang ở trong một căn hộ cao cấp. Ảnh: Dassault Falcon.

Dassault Aviation luôn được đánh giá cao ở khả năng kết hợp giữa phong cách với chức năng, và Falcon 900LX cũng không phải là ngoại lệ. Với độ tin cậy, linh hoạt, tiết kiệm nhiên liệu, cùng sự cân bằng hoàn hảo giữa hiệu suất và kích thước, dòng máy bay này nhanh chóng trở nên phố biến trong số các dòng máy bay phản lực tư nhân hạng từ trung đến nặng.

Khoang ngồi của Falcon 900LX được thiết kế kiểu công thái học, với ghế ngồi có thể xếp thành giường nhằm mang lại sự thoải mái. Các cửa sổ dược bố trí gần nhau để mang lại nhiều ánh sáng tự nhiên hơn.

Máy bay có tổng cộng 3 phòng ngủ có khả năng cách âm, phòng bếp đầy đủ tiện nghi, phòng tắm, cùng hệ thống Wi-Fi và nhiều phương tiện giải trí khác. Bên cạnh đó, Falcon 900LX được tích hợp hệ thống điện tử hàng không EASy, kết hợp với Hệ thống Tầm nhìn Falcon Eye đời mới, cải thiện nhận thức về tình huống trong mọi điều kiện thời tiết, ngày đêm hay các dạng địa hình.

Falcon 900LX phù hợp để di chuyển trong môi trường đô thị nhưng cũng có đủ sức chứa và sự thoải mái cho các chuyến bay xuyên lục địa. Với khả năng cất cánh ở đường băng ngắn, máy bay có thể được sử dụng tại các sân bay cỡ nhỏ.

Ngoài ra chi phí vận hành của 900LX được đánh giá rẻ hơn các máy bay cùng loại khác như Embraer Legacy 600, Gulfstream 450 và Bombardier Challenger 605.

falcon-2.jpg
Falcon 900LX có tổng cộng 3 phòng ngủ có cách âm, phòng bếp tiện nghi, phòng tắm, hệ thống Wi-Fi và nhiều phương tiện giải trí khác. Ảnh: Dassault Falcon.

"Đau đầu" vì khí thải

Chiếc Falcon 900LX mà Taylor Swift từng sở hữu được đặt theo tên SATA LLC - công ty có cùng địa chỉ với công ty Taylor Swift Productions do nữ danh ca sở hữu ở thành phố Nashville, bang Tennessee (Mỹ). Theo dữ liệu của FAA, công ty của Taylor Swift đã mua lại chiếc Falcon 900LX vào năm 2009.

Máy bay này có một điểm đặc biệt chỉ được thấy trong bộ sưu tập chuyên cơ của Taylor Swift, đó là phần đầu được dán số 13. Lý do là vì từ trước đến nay, Taylor Swift luôn xem 13 là con số may mắn. Cô cho biết sinh nhật của mình là ngày 13, lần sinh nhật thứ 13 của cô rơi đúng vào thứ sáu ngày 13 (năm 2002). Album đầu của Taylor Swift được chứng nhận đĩa vàng chỉ sau 13 tuần. Ngoài ra, bài hát đầu tiên giữ vị trí số một trên bảng xếp hạng âm nhạc của cô cũng có phần giới thiệu dài 13 giây.

Với một chiếc máy bay như vậy, Taylor Swift có khả năng di chuyển khắp thế giới một cách dễ dàng và thoải mái, đặc biệt là trong các chuyến lưu diễn quốc tế. Tuy nhiên, việc lạm dụng chuyên cơ cá nhân của cô có nguy cơ tạo ra lượng khí thải cao, gây ảnh hưởng đến môi trường.

432480337_122131443614181700_3355204734361376194_n.jpg
Việc lạm dụng chuyên cơ cá nhân của Taylor Swift có nguy cơ gây ra lượng khí thải cao, gây ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: taylorswift/Instagram.

Năm 2022, Taylor Swift bị xếp đầu danh sách những người nổi tiếng có lượng khí thải carbon cao từ máy bay tư nhân, tác động tiêu cực đến môi trường. Đến năm 2023, cô bị cho ràng dành hơn 166 giờ di chuyển bằng chuyên cơ riêng trong các chuyến lưu diễn vòng quanh nước Mỹ.

Tuy nhiên, đại diện nữ ca sĩ cho rằng cô không phải người duy nhất sử dụng phương tiện cá nhân. Taylor Swift thường cho nhiều người khác mượn phi cơ, do đó không thể quy chụp tất cả chuyến bay trong lộ trình của chiếc Falcon 900LX là của cá nhân nghệ sĩ.

Việt Anh