Hàng không Việt: An toàn là giá trị cốt lõi, không phân biệt truyền thống hay giá rẻ
Ngành hàng không Việt Nam luôn xác định an toàn là nền tảng, giá trị cốt lõi để ngành phát triển bền vững.
Thảm kịch của hãng hàng không (Hàn Quốc) Jeju Air khiến 179 người thiệt mạng hôm 29/12/2024 làm dấy lên quan ngại của một số hành khách khi di chuyển bằng máy bay hoặc vấn đề an toàn của các hãng hàng không giá rẻ. Tuy nhiên, các hệ số bảo đảm an toàn hàng không của Việt Nam đều đạt ở mức cao (trên 80%) và an toàn bay đều được quốc tế thừa nhận.
Ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, khẳng định hàng không giá rẻ chỉ là tối ưu chi phí vận hành, khai thác trong hoạt động kinh doanh chứ không phải cắt giảm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa đội tàu bay để khai thác an toàn. Do đó, vụ tai nạn của hãng hàng không Jeju Air phải chờ kết quả điều tra chính thức, không thể phỏng đoán, làm dấy lên lo ngại cho khách bay.
Giữ vững 27 năm an toàn bay thương mại
Trong 20 năm qua, GDP Việt Nam cứ tăng trưởng 1% thì ngành hàng không sẽ tăng trưởng khoảng 1-1,5%. Sự tồn tại, phát triển và vị thế của ngành hàng không cũng là dấu hiệu, biểu tượng cho vị thế của mỗi quốc gia.
Do đó, Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành hàng không bởi đây là một trong những động lực của nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư giao thương, phát triển du lịch, trong đó xác định đảm bảo an toàn, an ninh hàng không là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Bên cạnh đó, xây dựng hình ảnh các hãng hàng không Việt Nam an toàn, thân thiện và là "sứ giả" của thương hiệu, văn hóa, con người và đất nước Việt Nam khi ra trường quốc tế luôn được đẩy mạnh.
Chia sẻ với Opensky, ông Cường đánh giá năm 2024, ngành hàng không tiếp tục có những bước phục hồi và tăng trưởng tích cực sau cuộc khủng hoảng kéo dài từ cuối năm 2023 do thiếu máy bay và giá nhiên liệu tăng cao. Đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng hàng không Việt Nam luôn đảm bảo được an toàn hàng không.
"Việt Nam tự hào kế thừa truyền thống, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tích cực trao đổi thông tin với các quốc gia trên thế giới. Hàng không Việt giữ vững 27 năm an toàn bay thương mại, không để xảy ra tai nạn gây thương vong. Đồng thời, công tác kiểm tra giám sát an toàn luôn không ngừng được nâng cao. Văn hóa an toàn hàng không tại các cơ quan, doanh nghiệp hàng không đã được xây dựng, lan tỏa trong toàn ngành và trong xã hội với quyết tâm vì các chuyến bay an toàn", ông Cường cho biết.
Theo kết quả đánh giá sơ bộ tổng thể năng lực đảm bảo an toàn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) hồi quý II/2024, toàn ngành hàng không Việt Nam đạt 78,14%. Đây là mức cao hơn so với mục tiêu 75% của Chương trình an toàn toàn cầu về hàng không của ICAO (Global Aviation Safety Plan - GASP).
Các lĩnh vực trọng yếu cấu thành hệ thống bảo đảm an toàn hàng không của Việt Nam đều đạt ở mức cao (trên 80%), gồm: An toàn khai thác tàu bay (OPS) đạt 85,71%; Hệ thống an toàn quản lý hoạt động bay (ANS) đạt 91,8%; Hệ thống quản lý an toàn Cảng hàng không, sân bay (AGA) đạt 83,85%; Hệ thống cấp phép nhân viên và đào tạo nhân viên hàng không (PEL) đạt 85,88% và Cơ cấu tổ chức và thẩm quyền của Nhà chức trách hàng không (ORG) đạt 81,82%. Điều này thể hiện Việt Nam đã duy trì tốt và vững chắc hệ thống giám sát an toàn hàng không.
Trong đó, chỉ số thực hiện hiệu quả (EI) trong công tác đảm bảo an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam đạt được 77,1%, tăng 11,54% so với kết quả đánh giá năm 2016. Đây là kết quả cao hơn 23,12% so với mức trung bình của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cao hơn 23,85% so với mức trung bình của các quốc gia trên thế giới.
Ngoài ra, các yếu tố khác như Hệ thống pháp luật (LEG) đạt 71,43%; Tiêu chuẩn đủ điều kiện bay của tàu bay (AIR) đạt 79,25%; Điều tra tai nạn, sự cố tàu bay (AIG) đạt 30,12%.
Với kết quả đánh giá của ICAO như đã nêu trên, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có kết quả đánh giá USOAP-CMA cao trong khu vực, nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an toàn cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (65,5%) và mức trung bình của thế giới (69,9%), đồng thời vượt mục tiêu ICAO đặt ra cho cho các nước thành viên của GASP.
Bên cạnh đó, ngành hàng không Việt Nam được trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 - Category 1 (CAT 1) của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).
Việc ngành hàng không Việt đạt được tiêu chuẩn CAT 1 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây cũng là thước đo để khẳng định vị thế, uy tín trong lĩnh vực hàng không khi được quốc tế thừa nhận về việc bảo đảm được tiêu chuẩn về an toàn bay.
Điều này gián tiếp tạo điều kiện rất lớn cho các hãng hàng không về uy tín, đặc biệt là sự đánh giá, tin tưởng từ khách bay.
Cất cánh cùng chuyến bay an toàn
Với cam kết mạnh mẽ về không ngừng củng cố an ninh, an toàn hàng không, Việt Nam tiếp tục đặt công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng không trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia.
Đồng thời, xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh hàng không vững mạnh, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế đồng thời sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế.
"An toàn và khai thác là những nền tảng cốt yếu để ngành hàng không có thể phát triển bền vững. Trong tất cả các hoạt động của ngành hàng không, vấn đề an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu và là giá trị cốt lõi", ông Võ Huy Cường nhấn mạnh.
Theo báo cáo tổng kết công tác an toàn hàng không năm 2024 của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm qua có thể thấy công tác bảo đảm an toàn hàng không được nhà chức tránh hàng không thực hiện thường xuyên, liên tục, công tác an toàn bay được thực hiện tốt.
Năm 2024 không có tai nạn hàng không xảy ra tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam, còn các sự cố hàng không uy hiếp an toàn mức B (sự cố nghiêm trọng), mức C (sự cố uy hiếp an toàn cao), mức D (sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn), mức E (vụ việc) đều giảm.
Cụ thể, hàng không ghi nhận 88 tai nạn, sự cố trong năm 2024, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2023. Phân loại theo nguyên nhân, có 54 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay, 5 sự cố do chim va đập, 23 sự cố do con người, 1 sự cố do tàu bay vào khu vực nhiễu động gây ra bởi tàu bay khác, 1 sự cố do vật thể bay không người lái, 1 sự cố do thời tiết, 1 sự cố mức do nguyên nhân khác và 2 sự cố mức đang trong quá trình điều tra (nguyên nhân ban đầu xác định do lỗi của tổ lái).
Mới đây, Cục trưởng Cục Hàng không đã ra quyết định áp dụng biện pháp tăng cường cấp độ 1 tại các sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu trên toàn quốc trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán 2025. Theo đó, thời gian áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 ngày 26/1-2/2 (tức ngày 25 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 Tết âm lịch 2025).
Từ ngày 28/1 đến hết ngày 29/1 (tức từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 1 Tết âm lịch) áp dụng các biện pháp tăng cường an ninh hàng không như cấp độ 1, nhưng các đơn vị có lực lượng kiểm soát an ninh hàng không không cần tăng cường 20% quân số trực. Ngoài ra, nhà chức trách hàng không cũng đã yêu cầu các đơn vị áp dụng cụ thể một số biện pháp tăng cường bảo đảm an ninh hàng không từ ngày 19/12/2024 đến hết ngày 2/1/2025.
Đồng thời, Cục cũng thành lập các đoàn công tác kiểm tra đảm bảo an toàn khai thác máy bay tại sân bay dịp cao điểm phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025 đối với các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng hoạt động tại các sân bay của Việt Nam.
Các đoàn sẽ tập trung kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các sân bay có tần suất khai thác lớn, các khu vực trọng điểm, gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc; đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Còn các sân bay địa phương sẽ thực hiện công tác kiểm tra theo tần suất nhất định.