An toàn

Hàng không giá rẻ không đồng nghĩa với rủi ro an toàn

Nguyệt Quỳnh 31/12/2024 14:49

Đây là khẳng định của ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam trước những lo ngại đối với các hãng hàng không giá rẻ sau thảm kịch Jeju Air.

3d0460146aa1d7ff8eb0.jpg

Các hãng hàng không truyền thống hay hàng không giá rẻ, tất cả đều cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn và duy trì nguyên tắc không vì lợi ích mà bỏ qua bất kỳ nguy cơ nào ảnh hưởng đến an toàn và an ninh hàng không.

Jeju Air ngập trong khủng hoảng

Gần 70.000 vé máy bay nội địa và quốc tế bị hủy, cổ phiếu của hãng hàng không Jeju Air rớt đáy, các công ty lữ hành phải ngừng quảng cáo và khuyến mại… là những gì đang xảy ra với ngành hàng không và du lịch Hàn Quốc sau thảm họa máy bay khiến 179 người thiệt mạng hôm 29/12.

Hãng thông báo đến cuối ngày 30/12, có hơn 68.000 vé máy bay bị hủy, bao gồm hơn 33.000 vé nội địa và 34.000 vé quốc tế. Cổ phiếu của Jeju Air giảm mạnh, có lúc rớt tới 15,7%, chạm mức thấp nhất kể từ khi niêm yết năm 2015, khiến hãng mất hơn 95,7 tỷ won vốn hóa thị trường.

Jeju Air đã hủy mọi chuyến bay đến sân bay Muan và chuyển hướng một số chuyến bay đến Seoul và Busan. Hãng dự kiến bồi thường bảo hiểm khoảng 1 tỷ USD, do 5 công ty phụ trách.

Ngoài áp lực tài chính, Jeju Air còn chịu làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận. Tính đến 31/12, đã có hơn 1 triệu bài viết trên mạng xã hội liên quan đến vụ tai nạn, trong đó 530.000 bài chỉ trích trực tiếp hãng bay.

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok đã ra lệnh kiểm tra an toàn khẩn cấp toàn bộ hệ thống hàng không, đặc biệt đối với Boeing 737-800, mẫu máy bay được nhiều hãng trong nước như T’way Air, Jin Air và Eastar Jet sử dụng.

Theo Yonhap, các bên trong ngành hàng không e ngại rằng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không có thể giảm.

Một quan chức ngành hàng không giá rẻ cho biết: "Không khí u ám bao trùm toàn bộ ngành, dù đây chỉ là sự cố của một hãng hàng không. Có lo ngại rằng nhu cầu đi lại có thể bị ảnh hưởng. Chúng tôi đang thận trọng theo dõi tình hình". Một quan chức khác trong ngành nói rằng công ty ông đã họp khẩn cấp vào ngày xảy ra tai nạn để thảo luận về những tác động tiềm tàng.

jeju-air-yonhap-1735532353-2177-1735532463.jpg
Phần đuôi của phi cơ Jeju Air tại hiện trường ở sân bay Muan, Hàn Quốc, ngày 29/12. Ảnh: Yonhap.
Lực lượng cứu hộ và cảnh sát tại hiện trường vụ tai nạn thảm khốc của máy bay Jeju Air ngày 29/12. Ảnh: Getty Images.
Lực lượng cứu hộ và cảnh sát tại hiện trường vụ tai nạn thảm khốc của máy bay Jeju Air ngày 29/12. Ảnh: Getty Images.

Giáo sư Lee Yoon-chul, Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc, nhận định nhu cầu đi lại hàng không giảm mạnh trong đại dịch, chỉ còn 5-10% so với trước COVID-19 và mới phục hồi gần đây. Ông cho rằng các hãng lẽ ra cần rà soát toàn diện hoạt động để đảm bảo an toàn, đồng thời nhận định lo ngại về mức độ an toàn là điều dễ hiểu.

Tuân thủ an toàn, an ninh là nguyên tắc xuyên suốt của ngành hàng không

Chia sẻ với Opensky, ông Võ Huy Cường cho biết trong hoạt động hàng không, bất cứ tai nạn nào đều là thảm họa của quốc gia, doanh nghiệp, ảnh hưởng tới niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với an toàn hàng không. Sự cố và tai nạn tàu bay có thể xảy ra với bất kỳ hãng hàng không nào với rất nhiều nguyên nhân như kỹ thuật, hỏng hóc cơ khí, thời tiết, con người…

Theo ông Cường, sự phát triển của ngành hàng không đòi hỏi mỗi cá nhân tham gia vào lĩnh vực này phải hành động với lương tâm và trách nhiệm cao nhất đối với cộng đồng đi lại bằng đường hàng không, gồm cả hành khách nội địa và quốc tế.

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết tất cả tai nạn và sự cố tàu bay đều được điều tra một cách khách quan, toàn diện, khoa học và bình giảng xác định nguyên nhân gốc rễ. Hoạt động hàng không chỉ có thể tồn tại dựa trên các yếu tố gồm an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ thông qua đội ngũ nhân sự nhằm tạo dựng văn hóa an toàn trong môi trường cạnh tranh nội địa và quốc tế.

Mỗi tai nạn, sự cố đều là bài học thực tiễn đắt giá cho tất cả các nhà khai thác tàu bay, cơ quan quản lý hàng không, để đảm bảo các chuyến bay trong tương lai ngày càng an toàn hơn.

Các hãng hàng không có nhiều loại hình kinh doanh khác nhau nhưng bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay luôn phải tuân thủ các quy định trong nước và quốc tế, không có ngoại lệ và nhân nhượng.

Ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

“Hàng không giá rẻ chỉ là tối ưu chi phí vận hành, khai thác trong hoạt động kinh doanh chứ không phải cắt giảm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa đội tàu bay để khai thác an toàn", ông Cường khẳng định. “Do đó, vụ tai nạn của hãng hàng không Jeju Air phải chờ kết quả điều tra chính thức, không thể phỏng đoán, làm dấy lên lo ngại cho khách bay”.

Hàng không Việt rút kinh nghiệm từ tai nạn máy bay Hàn Quốc

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn hàng không dịp cao điểm Tết Ất Tỵ 2025.

Theo đó, trong thời gian vừa qua, trên thế giới liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn hàng không gây thiệt hại nghiêm trọng về người như tai nạn máy bay B737-800 của hãng hàng không Jeju Air (Hàn Quốc) ngày 29/12 khiến 179/181 thiệt mạng; tai nạn máy bay E190 của hãng hàng không Azerbaijan Airlines ngày 25/12 khiến 38/67 người tử vong trên máy bay tại Kazakhstan.

Trong đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu người khai thác máy bay tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phân tích tham số liệu bay, thực hiện đầy đủ việc phân tích, xác định nguyên nhân, các biện pháp khắc phục, phòng ngừa đối với các sự kiện có nguy cơ uy hiếp cao đối với an toàn bay, báo cáo đầy đủ kịp thời về Cục.

Đồng thời, người khai thác tàu bay phải tổ chức bảo dưỡng triệt để, tuân thủ quy định, hướng dẫn của nhà sản xuất trong công tác bảo dưỡng tàu bay; đảm bảo nguyên tắc chỉ được phép thực hiện chuyến bay khi máy bay đáp ứng tiêu chuẩn đủ điều kiện bay.

Đối với người khai thác tàu bay nước ngoài đảm bảo người lái máy bay thực hiện đầy đủ công tác chuẩn bị chuyến bay, nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin khí tượng, nghiên cứu kỹ các sân bay, đường bay và phương thức bay khai thác tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tuân thủ chặt chẽ, đầy đủ các huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu theo quy định; đảm bảo đội ngũ nhân viên kỹ thuật của người khai thác máy bay, của các nhà cung cấp dịch vụ bảo dưỡng triệt để tuân thủ quy trình và tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng, các quy định an toàn khi thực hiện nhiệm vụ đối với các chuyến bay đi/đến Việt Nam.

Máy bay vẫn là phương tiện an toàn

Từ lâu hàng không đã được biết đến là hình thức đi lại an toàn nhất với tỷ lệ tai nạn cực kỳ thấp. Bất chấp những sự cố hàng không liên tiếp trong năm 2024, mệnh đề này vẫn không thay đổi.

Ngày 29/12, USA Today dẫn lời Hội đồng An toàn quốc gia Mỹ cho biết số người tử vong do máy bay ở Mỹ là quá nhỏ để có thể tính toán một tỷ lệ chính xác. Trong khi đó cứ 93 trường hợp qua đời ở Mỹ thì có một trường hợp là do tai nạn phương tiện cơ giới đường bộ.

Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), mỗi ngày Hệ thống không phận quốc gia Mỹ điều phối lên đến 2,9 triệu chuyến đi lại an toàn trên không và con số trên còn cao hơn gấp nhiều lần trên phạm vi thế giới. Tuy nhiên những sự cố trong năm 2024 vẫn là hồi chuông cảnh tỉnh các cơ quan liên quan cần rà soát và tăng cường hoạt động kiểm soát an toàn bay trong thời gian tới.

Nguyệt Quỳnh