Doanh nghiệp chuyển phát nhanh kỳ vọng vào các chuyến bay kết nối vùng Đông Nam Á
Cùng với nhu cầu vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường hàng không ngày một tăng cao, các tập đoàn vận tải chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới liên tục nâng cấp mạng lưới hàng không tại Việt Nam, đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước.
Chia sẻ với truyền thông mới đây, bà Ee-Hui Tan, Giám đốc Khai thác FedEx Việt Nam và Campuchia, cho rằng, thương mại liên Á đang tái định hình bức tranh thương mại toàn cầu, vươn mình trở thành một trong những nền thương mại phát triển nhanh chóng và sôi động nhất.
Thương mại liên Á hiện chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị thương mại toàn cầu. Năm 2022, thương mại liên Á chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của châu Á, thể hiện khả năng hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ của khu vực này.
Từ quý I năm 2020, Đông Nam Á đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Đến năm 2023, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Đông Nam Á đạt 468,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước .
“Những con số này không chỉ đơn thuần thể hiện kết quả tăng trưởng mà còn đánh dấu sự dịch chuyển chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Tan nhận định.
Theo bà Tan, để giảm thiểu rủi ro, các doanh nghiệp đang đa dạng hóa hoạt động, biến Đông Nam Á trở thành trung tâm sản xuất và thương mại quan trọng, đồng thời tái định hình cách dòng chảy hàng hóa vận hành trong khu vực và ra thế giới.
Theo đó, Đông Nam Á không chỉ là một phần của nền thương mại liên Á, đây còn là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Với vai trò kép, vừa là trung tâm sản xuất, vừa là thị trường tiêu dùng có tốc độ phát triển mạnh mẽ, khu vực này đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong dòng chảy thương mại toàn cầu.
Trong đó, các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam vươn lên trở thành những trung tâm sản xuất mới, sở hữu các lợi thế cạnh tranh như chi phí nhân công cạnh tranh, lực lượng lao động lành nghề và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn.
Việt Nam cũng có tiềm năng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với vị trí chiến lược, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và các chính sách thương mại tiến bộ, Việt Nam kết nối thương mại liên Á với châu Âu và các châu lục khác, trở thành cửa ngõ cho thương mại khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh này, Việt Nam tăng cường kết nối nhằm tiến vào hệ sinh thái thương mại rộng lớn.
Theo bà Tan, các mạng lưới logistic và giao thông vận tải hiệu quả là yếu tố thiết yếu để đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa diễn ra liền mạch.
Đón đầu sự tăng trưởng của nền kinh tế liên Á, nhiều đường bay mới vận chuyển hành khách và hàng hóa đang được các hãng hàng không cũng như các tập đoàn vận tải đầu tư vào khu vực này.
Có thể kể đến như tuyến bay mới của FedEx kết nối trung tâm châu Á - Thái Bình Dương tại Quảng Châu, Trung Quốc với Bangalore (Ấn Độ), các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, và với Liege và Paris (Châu Âu).
Tuyến bay này có tần suất hoạt động 5 chuyến/tuần, mang lại sự linh hoạt và sức chứa lớn hơn, đặc biệt là trong mùa cao điểm cuối năm.
Ngoài ra, 9 chuyến bay/tuần từ TP.HCM đến các thị trường khác ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu đã đẩy nhanh thời gian vận chuyển, thể hiện nỗ lực không ngừng của FedEx trong việc nâng cấp mạng lưới hàng không để hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong tương lai, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục mở rộng, đặc biệt với nhu cầu ngày càng tăng trong vận tải hàng không từ các ngành công nghệ cao, bán dẫn, dệt may và thời trang.
“Đây đều là những lĩnh vực đòi hỏi năng lực vận tải cao và thời gian giao hàng nhanh. Khi thương mại liên Á tăng tốc và chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng đa dạng hóa, Việt Nam sẽ trở thành động lực tăng trưởng của khu vực”, bà Ee-Hui Tan nhận định.
Các nước trong khu vực liên Á bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Philippines, Brunei, Đông Timor và Bangladesh.