Trong nước

Đường bay tới Côn Đảo có thực sự là 'miếng bánh ngon'?

Nguyệt Quỳnh - Vân Khanh 04/06/2024 05:55

Tuy được đánh giá là “miếng bánh ngon” nhưng hiện chỉ có Vietnam Airlines và VASCO khai thác các đường bay thương mại tới Côn Đảo.

Trao đổi với OpenSky, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên (nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội) bày tỏ sự hoài nghi trước đánh giá đường bay tới Côn Đảo là “miếng bánh ngon”. Theo ông, để đánh giá chính xác, cần dựa vào nhiều yếu tố.

“Đối với các doanh nghiệp hàng không, từ bài toán kinh tế mà quyết định phương án, kế hoạch bay. Vietjet Air có kế hoạch khai thác chặng bay Côn Đảo thì 'miếng bánh' Côn Đảo ở đây có thực sự là 'miếng bánh ngon' hay không?”, ông Kiên đặt vấn đề.

Thiên thời, địa lợi và cơ hội của Vietjet Air

Gần đây có một số thông tin hé lộ việc Vietjet Air dự định khai thác các đường bay tới Côn Đảo. Đánh giá về việc này, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cho biết thực ra cơ hội mở ra đối với tất cả các hãng hàng không. Song, “ngoài Vietjet thì không ai có thể nắm bắt”.

Để phân tích cụ thể, chi tiết của kế hoạch này, cần dựa vào nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng là việc mở thêm đường bay đóng góp bao nhiêu cho doanh thu, lợi nhuận của hãng bay.

Hiện đường bay này vẫn là "sân chơi riêng" của Vietnam Airlines và VASCO (thành viên của Vietnam Airlines). Đây là thế độc quyền tự nhiên. Trước đó hãng hàng không Air Mekong từng khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo nhưng chỉ sau một năm phải dừng do thua lỗ.

Mãi đến cuối tháng 9/2020, mới có hãng hàng không Bamboo Airways chính thức khai thác 3 đường bay từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh đến Côn Đảo và tiếp tục mở đường bay TP.HCM - Côn Đảo vào tháng 2/2021 bằng tàu bay Embraer E190. Đến ngày 1/4 vừa qua, Bamboo Airways cũng dừng hết các đường bay đến Côn Đảo, đưa Vietnam Airlines trở lại thế độc quyền tự nhiên một lần nữa.

84f21189430ae354ba1b.jpg
Ảnh: Nguyễn Thắng.

Đường bay tới Côn Đảo mở ra cho tất cả các hãng hàng không song ngoài Vietjet thì không ai có thể nắm bắt

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên

Với những hãng bay khác, như Vietravel Airlines, hãng hiện tại chỉ khai thác 3 tàu bay A321 cộng với những khó khăn tài chính đang phải đối mặt, việc thuê thêm một loại tàu bay nữa để tham gia "cuộc chơi" là không khả thi.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam từng chia sẻ bản thân Vietnam Airlines và VASCO rất vả để duy trì đội bay ATR 72 khi các đường bay sử dụng dòng máy bay này đều phải bù lỗ. Bởi để tối ưu hóa lợi nhuận, hãng phải phân bổ tàu bay hợp lý thay vì chỉ tập trung vào Côn Đảo, chặng bay ngắn và năng suất không cao.

VASCO cũng mong muốn có nhiều chuyến bay hơn, giảm chi phí, hướng tới giảm giá vé. Tuy nhiên tình trạng khai thác ở Côn Đảo khá hạn chế do sân bay này không có đèn đêm, chỉ có thể cất hạ cánh vào ban ngày. Nếu máy bay hỏng thì phải hủy vài ba chuyến, rất khó khăn.

Chuyên gia Nguyễn Đức Kiên cho rằng khi vận hành thêm một dòng tàu bay mới, Vietjet có thể gặp bất lợi về mặt tổng thể do tốn thêm chi phí để đào tạo phi công, tổ bay, thợ máy, phòng vật tư… nhưng cũng có yếu tố thuận lợi.

Tàu bay Embraer E190 mà Vietjet dự kiến thuê đủ sức bay đường dài chặng Hà Nội - TP.HCM. Loại tàu bay này có tính năng, tầm bay và nội thất gần tương đương A320/A321 nhưng bất lợi là sức chở/ghế thương mại chỉ bằng khoảng 1/2.

“Vị thế của các hãng hàng không là khác nhau. Bây giờ chỉ còn VASCO và Vietnam Airlines bay, Bamboo Airways dừng khai thác thì không chỉ ngày một, ngày hai mà quay lại được vì hãng vẫn đang vật lộn để tồn tại. Nếu Bamboo không bay thì chỉ có thể là Vietjet”, ông Kiên khẳng định lại.

e897d5b11b31bb6fe220.jpg
Sân bay Cỏ Ống chỉ đủ điều kiện khai thác một số loại tàu bay nhất định. Ảnh: Hải An.

Phân tích thêm ở khía cạnh phát triển bền vững, chuyên gia này chỉ ra rằng quy hoạch phát triển của địa phương sẽ quyết định đến hiệu quả kinh tế, kế hoạch phát triển của hãng hàng không. Trong tình huống có thêm hãng bay làm “hạ nhiệt” giá vé, số khách tăng lên, lúc đó yếu tố bền vững sẽ trở thành vấn đề cho ngành du lịch địa phương.

Với quy mô dân số khoảng 10.000 người cùng hạ tầng phụ trợ còn hạn chế, Côn Đảo chưa thể ngay lập tức đón lượng khách tăng lên đột biến. Có nghĩa là mục tiêu phát triển bền vững sẽ tác động ngược trở lại tới kế hoạch tăng trưởng của hãng bay.

"Nếu giải quyết được vấn đề này, chúng ta mới có thể trả lời câu hỏi đường bay tới Côn Đảo là bánh mì hay bánh ngọt, và lúc đó mới tính được nên có một hay nhiều hãng hàng không đến Côn Đảo”, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên nói.

Thị trường tiềm năng

Trong năm 2023, nhu cầu đến Côn Đảo của hàng khách được ghi nhận ở mức cao. Theo đó, huyện Côn Đảo đón 586.000 lượt khách, tăng 11,94% so với cùng kỳ 2022. Sau giai đoạn cách ly xã hội vào đầu năm 2020, số liệu cho thấy tần suất khai thác các chuyến bay giữa TP.HCM/Cần Thơ đến/đi Côn Đảo thuộc nhóm phục hồi nhanh nhất, đạt tới 22-27 chuyến/ngày.

Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, chỉ ra 80% khách đến Côn Đảo từ miền Bắc. Chính vì vậy, việc có thêm một hãng hàng không mở đường bay thẳng từ các tỉnh, thành phố miền Bắc đến Côn Đảo sau khi Bamboo Airways rời đi là một thông tin tích cực.

“Thực tế, các chặng bay từ phía Bắc đến Côn Đảo có mức giá rất cao nhưng luôn được lấp đầy. Có thể thấy đây là điểm đến được du khách quan tâm và là thị trường tốt với các hãng hàng không", ông Tú đánh giá.

Chia sẻ với OpenSky, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cũng cho rằng Vietjet Air thay thế Bamboo Airways để khai thác thị trường này sẽ tạo điều kiện đặc biệt cho du khách miền Bắc. Họ không cần phải bay nối chuyến tới đây, giảm được cả chi phí lẫn thời gian di chuyển.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng tình với quan điểm trên và cho rằng thông tin Vietjet mở đường bay đến Côn Đảo có tác động tích cực cho ngành du lịch tỉnh. “Đường bay hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong nước nói chung và miền Bắc nói riêng đến với Côn Đảo”, ông Hàng hào hứng.

Tính riêng trong năm 2023, thị phần vận chuyển khách du lịch bằng đường không chiếm tỷ lệ 72% trên tổng số lượt khách đến Côn Đảo, cho thấy nhu cầu di chuyển bằng đường không đến đảo rất cao.

Nguyệt Quỳnh - Vân Khanh