Trong nước

Hàng không nỗ lực 'kéo' hành khách quốc tế trở lại thị trường Việt Nam

Nguyệt Quỳnh 27/12/2024 08:26

Hành khách quốc tế du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ rất cao so với các phương thức khác nhờ vào "đôi cánh" của hàng không và du lịch.

Ảnh: Khánh Huyền.

Hàng không chính là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương, quan hệ quốc tế. Hàng không và du lịch giống như "đôi cánh" cùng góp phần phát triển kinh tế.

Hơn 80% khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không

Tại "Diễn đàn Dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: Mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng 26/12, ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định hàng không đóng vai trò quan trọng trong việc đưa khách đến Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách quốc tế trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 15.836.661 triệu lượt, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 năm nay đạt 1,7 triệu lượt, cao nhất từ đầu năm đến nay, tăng 20,5% so với tháng 10/2024 và tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng ước khoảng 758.000 tỷ đồng.

Về quy mô thị trường, khách đến từ châu Á chiếm gần 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, thị trường tập trung chủ yếu trong khu vực Đông Bắc Á với Hàn Quốc (4,1 triệu lượt), Trung Quốc (3,3 triệu lượt), Đài Loan (1,1 triệu lượt), và Nhật Bản (656.000 lượt).

Đối với thị trường châu Âu, Anh là đất nước có lưu lượng khách tới Việt Nam nhiều nhất với hơn 279.000 lượt tăng 33% so với tháng 10/2024.

Về mức độ tăng trưởng, Ba Lan được ghi nhận với mức độ tăng nhiều nhất trong các nước châu Âu với 330%. Những cái tên tiếp theo gồm Italy (88%), Nga (41%), Na Uy (66%), Thụy Điển (54%), Đức (38%)…

Screenshot 2024-12-26 at 15.27.25
Đồ họa: Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Theo thống kê, khách đến bằng đường hàng không chiếm số lượng lớn nhất với hơn 1,4 triệu lượt, tiếp đến là đường bộ với hơn 277.000 lượt và đường biển 32.000 lượt.

Trong khi đó, lượng khách du lịch nội địa tháng 11/2024 ước khoảng 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Lũy kế lượng khách du lịch nội địa 11 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 105 triệu lượt.

Các chuyên gia nhận định lượng khách tháng 11 vừa qua tăng mạnh không có gì bất thường. Bởi Việt Nam đang vào "chính vụ" mùa cao điểm khách quốc tế, từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm. Trước đó, ngành du lịch ghi nhận lượng khách quốc tế cao kỷ lục trong tháng là thời điểm tháng 11/2019 với hơn 1,8 triệu lượt.

Tính chung 11 tháng đầu năm nay, khách du lịch quốc tế đạt 5,67 triệu lượt, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 (5,5 triệu lượt) và tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 3,99 triệu lượt khách quốc tế lưu trú. Khách nội địa đạt 19,66 triệu lượt, tăng 6,3%. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm ước đạt 99.949 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các đại biểu cho rằng hàng không chính là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương, quan hệ quốc tế. Hàng không và du lịch giống như "đôi cánh" cùng góp phần phát triển kinh tế.

Đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong sự đồng hành, quan tâm của Chính phủ, ông Vũ Quốc Trí đánh giá sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã phục hồi và phát triển.

opensky_img_5947.jpeg
Ảnh: Nguyệt Quỳnh.

Trong 10 năm vừa qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không, do vậy không thể thiếu vai trò của các hãng hàng không với mục tiêu mà ngành du lịch đã đặt ra trong thời gian tới.

Ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Ông Trí cũng cho biết mục tiêu năm 2025 du lịch Việt Nam sẽ đón 25-28 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa và đóng góp trực tiếp 8-9% trong GDP. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành nền kinh tế mũi nhọn, thuộc 30 nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Thúc đẩy du lịch thông qua phát triển dịch vụ logistics hàng không

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng năm 2024 ngành hàng không nước ta đã đạt lại được mức phát triển của năm 2019 - vốn được xem là đỉnh cao của ngành trước khi bước vào giai đoạn suy thoái do đại dịch COVID-19. Theo đó, tính đến 15/12, sản lượng vận chuyển quốc tế đạt khoảng hơn 41 triệu lượt hành khách, tăng 27% so với năm 2023, trong đó các hãng bay nội địa chiếm đến 42% thị phần. Tỷ lệ lấp đầy của các chuyến bay đạt 80%.

Theo ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đạt được kết quả này là do nước ta đã tạo lập và duy trì được vị thế, hình ảnh một điểm đến an toàn, đặc biệt là bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Thủ tục cấp thị thực của Việt Nam hiện nay được đánh giá thông thoáng so với các nước trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam.

Cùng với đó, kể từ sau đại dịch COVID-19, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải… đã tích cực trao đổi với các đối tác nước ngoài để khôi phục các đường bay quốc tế bị đứt gãy do dịch bệnh. Điều này góp phần tạo dựng niềm tin của các hãng bay nước ngoài về sự đồng hành và trách nhiệm của Việt Nam.

"Những nỗ lực của Chính phủ, nhà chức trách hàng không Việt Nam đối với sự phát triển thị trường hàng không quốc tế là rất đáng ghi nhận. Cùng với đó, việc cơ sở hạ tầng hàng không không ngừng được nâng cấp, mở rộng cũng cho thấy chúng ta đã có sự phát triển cực kỳ lớn", ông Võ Huy Cường nhấn mạnh.

vna.jpeg
Năm 2024 ngành hàng không nước ta đã đạt lại được mức phát triển của năm 2019 - vốn được xem là đỉnh cao của ngành trước khi bước vào giai đoạn suy thoái do đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Vietnam Airlines.

Các ý kiến tại diễn đàn đều cho rằng đối với ngành du lịch, việc tăng cường liên kết, phối hợp, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi với các bên liên quan là rất cần thiết, trong đó có vai trò quan trọng của ngành vận tải nói chung và ngành hàng không nói riêng.

Bởi thực tế, khách quốc tế đến nước ta có đến trên 80% là đi bằng đường hàng không. Tuy nhiên thời gian qua, giá vé máy bay nội địa tăng cao đã gây tác động bất lợi cho ngành hàng không, du lịch, các ngành kinh tế và sinh kế của người dân địa phương. Bên cạnh đó, thiếu sự hợp tác bài bản giữa các hãng hàng không, địa phương, công ty du lịch cũng khiến 2 ngành này chưa bứt phá như kỳ vọng. Do đó cần có một chiến lược bài bản và sự liên kết hợp tác chặt chẽ với nhiều đơn vị trong và ngoài nước.

Theo TS. Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Quản trị Du lịch và Ngôn ngữ Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ngành hàng không không chỉ là cầu nối giữa khách du lịch với điểm đến Việt Nam, mà còn là kênh quảng bá cho du lịch Việt, giữ vị trí rất quan trọng trong việc bắt đầu, kết thúc cũng như thúc đẩy việc quay trở lại của du khách.

"Chúng ta đã trải qua giai đoạn phát triển du lịch đại chúng. Đôi lúc giá cả chỉ là một phần, khi đó chất lượng dịch vụ thể hiện qua con người, thể hiện qua văn hóa, cùng đó là vấn đề vệ sinh, an ninh, an toàn, cách sắp đặt điểm đến ứng xử của từng con người trong suốt cả chặng đường hành trình. Do đó, chất lượng là rất quan trọng. Chất lượng tích hợp rất nhiều giá trị, đặc biệt là giá trị văn hóa, tạo nên một điểm đến hấp dẫn", TS. Lê Tuấn Anh nêu ý kiến.

img_5962.jpg
Năm 2024, tổng hành khách thông qua các cảng hàng không trực thuộc ACV đạt 109 triệu khách, trong đó 41 triệu khách quốc tế (tăng 26% so với năm 2023). Ảnh: NIA.

Ông Nguyễn Ngọc Bích - Chỉ tịch HĐQT Rustic Hospitality Group, đề xuất hợp tác giữa hàng không và du lịch theo hướng xây dựng chiến dịch quảng bá chung, tạo các gói khuyến mại, xây dựng câu chuyện cho sản phẩm du lịch bền vững, nâng cao hệ sinh thái du lịch…

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thanh Thủy - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - khẳng định hàng không và du lịch như 2 cánh của máy bay, không thể tách rời.

"Cục Du lịch đã xác định rõ hàng không đóng vai trò chủ đạo, chúng ta phải bắt tay liên kết thực sự và việc triển khai thật tốt đối với tất cả các phương tiện vận chuyển trong đó có hàng không bởi đây là biện pháp kích cầu của du lịch Việt Nam", bà Thủy chia sẻ.

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận cũng như đưa ra các giải pháp về việc khai thác mạng lưới hàng không quốc tế kết nối Việt Nam và các thị trường du lịch quốc tế lớn, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam và giải pháp cho các điểm du lịch thông qua dịch vụ hàng không. Đồng thời, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch xanh Việt Nam để thu hút khách du lịch quốc tế cùng với việc tích hợp các giá trị, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam trong tình hình mới.

Nguyệt Quỳnh