Bão số 10 - bão Pabuk hướng Khánh Hòa - Bình Thuận
Cơn bão thứ 10 trên Biển Đông dự báo suy yếu khi đi vào vùng biển Ninh Thuận - Bình Thuận trong đêm 24/12.
Trung tâm Khí tượng Hàng không thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết hồi 7h ngày 24/12, cơn bão số 10 (tên quốc tế là Pabuk) - do áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa mạnh lên - có tâm ở trong phân khu 5 thuộc quyền điều hành bay của ACC Hồ Chí Minh.
Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển hướng tây tây nam, tốc độ 5-10 km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, mạnh cấp 6-7 (40-61 km/h), giật cấp 9 (75-87 km/h).
24-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu dần thành vùng áp thấp, tâm trên vùng biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu, mạnh dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).
Cơ quan khí tượng Hàng không nhận định do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu bão với rìa nam lưỡi áp cao lạnh, trong phân khu 5 thuộc quyền điều hành bay của ACC Hồ Chí Minh có mây ti tằng và mây vũ tích diện vài nơi đến rải rác, đỉnh mây vũ tích lên tới mực bay FL480/530 gây dông và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác đi kèm.
Các đài khí tượng quốc tế cũng nhận định bão Pabuk sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi Ninh Thuận - Bình Thuận và tiếp tục yếu đi trước khi vào đất liền.
Cụ thể, theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) hiện bão số 10 có sức gió duy trì tối đa gần tâm bão là 65 km/h (cấp 8), gió giật 90 km/h (cấp 10). Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia của nước ta cũng đưa ra những con số tương tự. Theo JMA, bão Pabuk giữ nguyên cường độ đến ngày 25/12, rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay trước khi đổ bộ ở khoảng gần tỉnh Phan Thiết vào đêm 25/12 hoặc sáng 26/12.
Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ vẫn chỉ ghi nhận bão số 10 là áp thấp nhiệt đới nhưng vẫn ghi tên là Pabuk. Theo JTWC, sáng nay, Pabuk ở cách TP.HCM khoảng 600 km về phía đông đông bắc và sắp chuyển hướng tây tây nam.
JTWC cũng dự báo, chiều nay, Pabuk sẽ mạnh lên một chút với sức gió đạt 55 km/h (cấp 7). Sau đó, hệ thống này suy yếu khá nhanh và tàn dư của nó sẽ đổ bộ miền Nam nước ta trong ngày 25/12, ở khoảng thành phố Vũng Tàu. JTWC thông báo hầu hết các mô hình đều dự báo tương tự.
Trước đó, ngày 23/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau cùng 7 bộ gồm Bộ Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10.
Đồng thời, Bộ NN-PTNT yêu cầu quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; căn cứ tình hình cụ thể, quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó diễn biến của bão.
Từ đầu năm đến nay, Biển Đông xuất hiện 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó các bão Prapiroon, Yagi, Soulik, Trami, Yinxing ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Mạnh nhất là bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng và ảnh hưởng 25 tỉnh thành miền Bắc, Thanh Hóa. Bão và mưa lũ, sạt lở đất sau đó làm 513 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế ước tính 84.900 tỷ đồng.