Tin tức

Giám sát liên tục tại sân bay Tân Sơn Nhất để ngăn ‘bệnh lạ’ ở Congo

Nam Bình 22/12/2024 16:39

TP.HCM thiết lập bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế túc trực 24/7 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải TP.HCM để kiểm soát các nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm từ nước ngoài xâm nhập vào TP.HCM.

Lưu lượng hành khách và hàng hóa dịp cuối năm tăng cao đột biến là yếu tố thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm dễ xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.

Nguy cơ xâm nhập “bệnh lạ” dịp cuối năm

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Châu Phi (CDC Châu Phi), một dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân đang bùng phát tại khu vực Panzi, tỉnh Kwango, Cộng hòa Dân chủ Congo.

Tính đến ngày 12/12/2024, đã ghi nhận tổng cộng 527 trường hợp mắc bệnh lạ chưa rõ nguyên nhân, trong đó có 32 trường hợp tử vong tại các cơ sở y tế. Các trường hợp mắc chủ yếu là trẻ em với 53% số ca mắc bệnh và 54,8% số ca tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi. Tất cả trường hợp nặng đều có suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau cơ.

Dich Benh Congo
Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Panzi, khu vực thiếu lương thực và điều kiện y tế. Ảnh: Evrimagaci.

BS Trần Việt Phương, Phó Trưởng khoa Kiểm dịch y tế Quốc tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết, trong khi dịch bệnh lạ đang bùng phát tại Cộng hòa Dân chủ Congo, TP.HCM cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ về lây lan bệnh truyền nhiễm.

Là người trực tiếp phụ trách giám sát tại các cửa khẩu quốc tế của TP.HCM, BS Phương cho rằng, tình hình di chuyển quốc tế ngày một phổ biến và dễ tiếp cận nhờ sự phát triển mạnh mẽ ngành giao thông vận tải, cùng với đó, sự giao thương thương mại toàn cầu ngày càng tăng là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh truyền nhiễm nhanh chóng lây lan trong cộng đồng.

Trong khi đó, TP.HCM là thành phố lớn, có hai cửa khẩu quốc tế rất quan trọng là Cảng hàng hải TP.HCM và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Cảng hàng hải TP.HCM với lưu lượng phương tiện xuất nhập cảnh mỗi ngày khoảng 40 chuyến, bao gồm cả phương tiện chở hàng hóa và cả hành khách. Riêng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, mỗi ngày đón khoảng 130 chuyến bay quốc tế đến với khoảng 25.000 lượt khách quốc tế.

Các dịp cuối năm hoặc lễ tết như thời điểm hiện tại, số lượng khách đến TP.HCM thông qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất còn tăng cao đột biến. Các mầm bệnh truyền nhiễm từ bên ngoài do đó có nguy cơ theo vào, lây lan nhanh, bùng phát mạnh, đe dọa tình trạng y tế công cộng của thành phố.

Trước tình hình đó, HCDC thường xuyên theo dõi các bệnh dịch điển hình như cúm gia cầm độc lực cao, các hội chứng hô hấp Trung Đông, bệnh do virus Ebola, sốt xuất huyết do Climny Congo… Ngoài các nhóm bệnh trên, thành phố cũng đề cao cảnh giác với các bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhóm B khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo BS Phương, các bệnh này có khả năng lây lan cao, phát tán rộng cũng như tăng cường các triệu chứng nặng dẫn đến tỷ lệ tử vong cao nên cần cảnh giác cao.

Giám sát 24/7 tại Tân Sơn Nhất

ThS Trương Thị Thanh Lan, Trưởng khoa Giám sát cảnh báo chuẩn bị và đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh, HCDC, đối với trường hợp dịch bệnh tại Congo, ngay khi WHO cảnh báo xuất hiện các ổ dịch, TP.HCM đã thực hiện biện pháp đầu tiên là liên tục theo dõi sát tình hình, diễn tiến lây lan của bệnh. Đồng thời, cập nhật các cảnh báo của WHO để kịp thời điều chỉnh chiến lược giám sát của thành phố một cách phù hợp.

Hằng ngày, các khoa chuyên môn của HCDC phải liên tục báo cáo tình hình thực tế giám sát mầm bệnh đến ban lãnh đạo. TP.HCM cũng đã thực hiện thiết lập ngay hệ thống giám sát tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

TP.HCM thiết lập bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế túc trực 24/7 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh minh họa: TIA.
TP.HCM thiết lập bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế túc trực 24/7 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh minh họa: TIA.

Hiện HCDC có bộ phận Kiểm dịch y tế quốc tế túc trực 24/7 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải TP.HCM để kiểm soát các nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm từ nước ngoài xâm nhập vào TP.HCM.

Tại Tân Sơn Nhất, các kiểm dịch viên y tế giám sát liên tục hành khách nhập cảnh qua hệ thống đo thân nhiệt từ xa và quan sát các biểu hiện bất thường về sức khỏe trong khi hành khách vẫn di chuyển bình thường, không có hạn chế nào.

Theo bà Lan, tùy theo tình hình, TP.HCM sẽ kích hoạt thêm các hệ thống giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và trong cộng đồng. Hiện TP.HCM đã có hệ thống CTV bao phủ hết các quận huyện và TP.Thủ Đức, đảm bảo công tác giám sát, phát hiện mầm bệnh nhanh chóng, hiệu quả.

“Hệ thống này cũng đang thực hiện giám sát với các dịch bệnh khác như SXH hay Sởi. Do đó, khi có dịch bệnh mới, TP triển khai rất nhanh. Các đối tượng nào, có biểu hiện như thế nào… thì cần được đưa vào diện nghi ngờ, cách ly, xét nghiệm chẩn đoán một cách chính xác và sớm nhất”, bà Lan cho biết.

Để chủ động, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xâm nhập, Sở Y tế TP.HCM mới đây cũng đã chỉ đạo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM theo dõi sát tình hình diễn biến dịch, liên tục liên hệ, kết nối các đơn vị để cập nhật thông tin, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.

Sở Y tế TPHCM khuyến cáo, để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, người dân không nên đến các vùng đang có dịch nếu không cần thiết.

Đối với người đã từng đi qua các vùng có dịch, nếu phát hiện những triệu chứng nghi ngờ thì cần đến ngay cơ sở y tế và cung cấp cho nhân viên y tế đầy đủ thông tin về lịch trình đi lại để được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng như để hạn chế lây nhiễm cho cộng đồng.

Nhiều ca sốt xuất huyết tại TP.HCM có nguồn gốc nước ngoài

Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, nơi này tiếp nhận 20 ca sốt rét từ nước ngoài về, đa phần là các bệnh nhân "nhập khẩu" từ châu Phi. Trong đó, có các ca bị sốt rét ác tính, biến chứng nặng.

Như trường hợp của một nữ bệnh nhân 34 tuổi, vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, nước tiểu đen, vàng da, thiếu máu... Khai thác bệnh sử, trước đó bệnh nhân có thời gian làm việc ở Cameroon (quốc gia ở Trung Phi).

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, các bác sĩ đã sử dụng ngay thuốc đặc trị sốt rét đường tĩnh mạch, đồng thời đặt nội khí quản, gắn máy thở cho bệnh nhân. Trải qua nhiều ngày điều trị tích cực, người phụ nữ qua cơn nguy kịch.

Gần nhất là trường hợp của một bệnh nhân từ Bờ Biển Ngà về cách đây khoảng 1 tháng. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện.

Nam Bình