Vietjet Air

Vietjet hợp tác sử dụng máy bay do Trung Quốc sản xuất

Nguyệt Quỳnh 19/12/2024 20:28

Hãng hàng không Vietjet Air đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), Cục Hàng không Việt Nam hỗ trợ các thủ tục phê chuẩn để khai thác dòng tàu bay ARJ21 chặng Hà Nội/TP.HCM - Côn Đảo.

102840_comacarj21chengduairlines_912736.jpeg
Máy bay COMAC ARJ21 (C909) của hãng hàng không Trung Quốc Chengdu Airlines. Ảnh: FlightGlobal.

Trong văn bản ngày 17/12 gửi Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam, Vietjet Air đề nghị hỗ trợ các thủ tục phê chuẩn hợp đồng thuê tàu bay kèm tổ bay - thuê ướt (ACMI), biên bản ghi nhớ (MOU), chứng chỉ nhà khai thác hàng không nước ngoài (FAOC), chứng chỉ đủ điều kiện bay hạn chế (RCOA).

Đồng thời, Vietjet kiến nghị 2 cơ quan này đặc biệt chỉ đạo sự hỗ trợ, phối hợp từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong việc cung cấp các dịch vụ cảng hàng không sân bay và phục vụ mặt đất nhằm đưa dòng tàu bay ARJ21 vào khai thác theo đúng kế hoạch cũng như tiếp tục mở rộng công tác phê chuẩn giấy chứng nhận loại (TC Type Certificate) cho loại tàu bay ARJ21 theo hoạch định phát triển lâu dài.

Động thái trên được Vietjet Air đưa ra dựa trên chiến lược dài hạn phát triển đội tàu bay của hãng nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển đường bay Côn Đảo và sân bay khác cũng như cơ hội mở rộng đường bay đến các thị trường trong khu vực, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Vietjet thông tin hãng đã ký kết hợp đồng thuê ướt (bao gồm cả máy bay, phi hành đoàn, bảo dưỡng và bảo hiểm, cung cấp giải pháp trọn gói cho bên thuê) với hãng hàng không Trung Quốc Chengdu Airlines đối với 2 tàu bay COMAC ARJ21 (C909) dự kiến bắt đầu từ 15/1/2025 nhằm phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán với chặng bay Hà Nội/TP.HCM - Côn Đảo.

Hãng cũng cam kết tuân thủ các luật định, hoàn tất triển khai đề án thuê ướt khai thác dòng tàu bay COMAC ARJ21 với đối tác Chengdu Airlines trong thời gian sớm nhất và sẽ cập nhật báo cáo tiến trình cũng như những khó khăn, vướng mắc đến Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam.

Chia sẻ với Opensky, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết hiện Cục đã nhận được và đang xử lý đề nghị của hãng. "Cục sẽ xử lý theo các quy định pháp luật liên quan, các hướng dẫn về quản lý an toàn, chỉ đạo của Bộ GTVT", vị lãnh đạo này thông tin.

Hồi cuối tháng 10, Vietjet Air dừng xin phê chuẩn bổ sung loại tàu bay Embraer E190 vào chứng chỉ khai thác bay của hãng. Đồng thời, Vietjet cũng đề nghị nhà chức trách hàng không hủy số đăng ký tàu bay VN-A251 và VN-A252 theo công văn ngày 17/7 về việc đề nghị chấp thuận số đăng ký cho 2 tàu bay ERJ190-100LR.

Nguyên nhân được hãng đưa ra là do công tác bàn giao tàu bay E190 của chủ tàu bay đã không tuân thủ theo các điều khoản trong hợp đồng cho thuê tàu bay, dẫn đến việc bàn giao tàu bay không đáp ứng kịp tiến độ và kế hoạch khai thác của hãng.

Trước đó, cuối tháng 9, nhà chức trách hàng không Việt Nam thông tin thời gian tới Vietjet Air dự kiến nhận 10 tàu bay, trong đó có 8 tàu Airbus A321 và 2 tàu Embraer E190. Các tàu E190 sẽ được hãng dùng để khai thác chặng bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo.

Đây cũng là dòng tàu bay trước đây được hãng hàng không Bamboo Airways dùng để bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo. Tuy nhiên, từ tháng 4, hãng này đã trả sớm 3 tàu, dừng các đường bay đến Côn Đảo trong quá trình tái cấu trúc.

Để chuẩn bị cho kế hoạch khai thác, Vietjet đã tích cực tuyển dụng phi công, tiếp viên và đầu tư thiết bị phục vụ dòng máy bay Embraer E190. Tuy nhiên, thời gian chính thức khai thác đường bay này hiện chưa được công bố.

Việc mở lại đường bay thẳng từ Hà Nội, TP.HCM - Côn Đảo mang lại nhiều lợi ích cho hành khách, đặc biệt là du khách miền Bắc muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đảo ngọc này. Trước đây, Bamboo Airways từng khai thác chặng bay này, nhưng đã dừng hoạt động từ tháng 4.

Hiện tại, hành khách từ Hà Nội đi Côn Đảo thường phải nối chuyến qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) hoặc Cần Thơ, sau đó tiếp tục hành trình bằng máy bay ATR72 của VASCO (công ty con của Vietnam Airlines). Quá trình này không chỉ kéo dài thời gian mà còn tăng chi phí.

Với dòng máy bay ATR72 (66 ghế), VASCO vẫn đang duy trì đường bay TP.HCM - Côn Đảo. Tuy nhiên số lượng ghế hạn chế và thời gian bay dài khiến việc đặt vé, đặc biệt vào mùa cao điểm, gặp nhiều khó khăn.

Vietjet lãi hơn 1.400 tỷ đồng trong 9 tháng nhờ khai thác ổn định thị trường trong nước, mở rộng mạng đường bay quốc tế. Ảnh: Nguyễn Thắng.
Vietjet Air thuê ướt 2 tàu bay COMAC ARJ21 của hãng hàng không Trung Quốc Chengdu Airlines nhằm phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán với chặng bay Hà Nội/TP.HCM - Côn Đảo, dự kiến bắt đầu từ 15/1/2025. Ảnh minh hoạ: Nguyễn Thắng.

Mới đây, trong cuộc tiếp đón Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 6/11, ông Ngụy Ứng Bưu, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty tàu bay thương mại Trung Quốc (COMAC) cho biết đã đi từ Thượng Hải đến Côn Minh (Trung Quốc) để báo cáo với Thủ tướng về vấn đề thúc đẩy hợp tác. Theo đó, công ty có loại máy bay hơn 90 chỗ, có thể bay cự ly 3.000 km, đã bay thử chặng TP.HCM-Côn Đảo.

"Chúng tôi rất phấn khởi vì chưa bao giờ máy bay đi đường bay có khoảng cách ngắn như vậy", đại diện COMAC chia sẻ và cho rằng với sự phát triển của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là hàng không, COMAC rất quan tâm và mong muốn sớm vào thị trường Việt Nam.

Theo đó, hiện nay hãng đã hợp tác với Vietjet Air để đưa máy bay chặng ngắn vào vận hành, khai thác. Do đó lãnh đạo COMAC mong muốn cuối năm nay, sản phẩm máy bay của công ty sẽ có thể chính thức bay trên bầu trời Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi trong đi lại cho người dân Việt Nam.

Hãng bay COMAC tham vọng phá vỡ thế độc quyền Airbus, Boeing

Thành lập năm 2008, COMAC là doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc, chuyên nghiên cứu, phát triển máy bay thương mại với tham vọng phá vỡ thế độc quyền trong lĩnh vực này của phương Tây là Airbus và Boeing.

Hiện, hai dòng máy bay của nhà sản xuất Trung Quốc đã đi vào vận hành là mẫu thân hẹp C919 và tàu phản lực khu vực ARJ21.

Trong đó, C919 là thành quả 14 năm phát triển của COMAC, được Trung Quốc cấp chứng nhận cuối tháng 9/2022. Với chiều dài gần 39 m, tàu bay sức chứa tối đa 192 hành khách, tầm bay 4.075 km.

Còn ARJ21 là tàu bay đầu tiên được COMAC tự nghiên cứu và sản xuất. Mẫu phản lực khu vực này sử dụng hai động cơ GE CF34-10A của Mỹ; các thiết bị bay, hạ cánh của Liebherr (Đức). ARJ21 có tầm bay từ 2.225 km đến 3.700 km.

Các hãng Trung Quốc đã sử dụng máy bay phản lực này trên nhiều chặng nội địa. Theo COMAC, ARJ21 đã phục vụ 13 triệu lượt hành khách. COMAC giao chiếc phản lực khu vực này cho khách hàng quốc tế đầu tiên tại Indonesia năm 2022.

Nguyệt Quỳnh