Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 19 đến 22/12 tại Sân bay Gia Lâm (Hà Nội). 77 đơn vị của Việt Nam đã tham gia, giới thiệu và trưng bày 69 loại khí tài, vũ khí, trong đó có các sản phẩm của tự chủ công nghiệp quốc phòng của các nhà máy, tập đoàn gồm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), các nhà máy Z111, Z113, Z131, Z175, các công ty thành viên thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng… Xe chiến đấu bộ binh XCB-01 do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, phát triển và chế tạo. Xe dài 6,95 m, rộng 3,25 m, cao 2,14 m và có trọng lượng khoảng 15 tấn, sử dụng cơ cấu bánh xích có tính việt dã cao với kíp điều khiển gồm 3 thành viên. Tên lửa chống tăng B72 được tích hợp và gắn cố định trên pháo chính của XCB-01. Với cơ số 4 đạn tên lửa mang theo, XCB-01 có khả năng tấn công phương tiện hạng nặng của đối phương ở ngoài khoảng cách pháo chính 73 mm vươn tới. Hệ thống điều khiển hỏa lực trên xe đáp ứng khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết và đạt tiêu chuẩn hiện đại. Tổ hợp radar phòng không tầm trung 3D VRS-MSSS trang bị cho Phòng không do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel sản xuất. Hệ thống có tính di động cao, khả năng phát hiện mục tiêu và xác định vị trí theo cả phạm vi, phương vị, độ cao và vận tốc. Đây là radar giám sát phòng không cung cấp thông tin mục tiêu cho hệ thống C4ISR. Radar có khả năng xác định bạn hay thù bằng hệ thống Parol IFF tích hợp, chỉ định mục tiêu và hỗ trợ các chức năng dẫn đường của không quân. Tổ hợp radar giám sát trực tiếp tầm trung RV-02 do đơn vị quốc phòng của Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Hệ thống sử dụng sóng mét hiện đại, phát hiện và bám quỹ đạo đối tượng bao gồm cả mục tiêu nhỏ như UAV và drone trên không, đồng thời hỗ trợ dẫn đường mục tiêu phát hiện cho các trạm radar quân sự. Xe tăng T-90SK trong biên chế của Binh chủng Tăng thiết giáp, Quân đội nhân dân Việt Nam, do tập đoàn Uralvagonzavod của Nga chế tạo. Xe tăng được điều khiển bởi kíp 3 thành viên; dài 6,86 m, rộng 3,78 m và cao 2,23 m. T-90Sk có tốc độ tối đa 60 km/h và bình nhiên liệu có thể dự trữ cho hành trình đến 550 km. T-90SK được trang bị máy tính đường đạn; cảm biến quang - ảnh nhiệt, khí tài quan sát, hệ thống tự động bám mục tiêu giúp tấn công chính xác trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết. Xe tăng được trang bị pháo chính 125 mm với hệ thống ổn định tầm hướng và nạp đạn tự động giúp bắn 7-8 phát/phút. Ngoài ra, các xạ thủ có thể kết hợp súng máy 7,62 mm; súng máy phòng không 12,7 mm để đa dạng cách tấn công. Xe tăng T-90S có trọng lượng 46,5 tấn, cao 2,86 m, vận tốc 60 km/h. Đây là phiên bản xuất khẩu của xe tăng T-90 do Nga sản xuất, ra mắt lần đầu vào năm 1992. Tăng T-90S được quân đội nhiều nước ưa chuộng nhờ giá rẻ nhưng mạnh mẽ, trang bị các phương tiện chiến đấu hiện đại. Xe có tầm hoạt động 550 km, tổ lái 3 người, trang bị một động cơ diesel 840-1.200 mã lực, tổ lái còn được trang bị máy điều hòa không khí. T-90S được trang bị hệ thống điều khiển bắn, nhắm bắn bằng laser, hệ thống nạp đạn pháo tự động (7-8 viên/phút). Xe có thể vượt hào rộng 2,85 m, chướng ngại vật cao 1 m, lặn dưới nước từ 1,2 m đến 5 m. Xe tăng T-90S được trang bị hệ thống giáp phức hợp, bao gồm giáp chính, giáp phản ứng nổ và hệ thống phòng vệ chủ động. T-90S được coi là một trong những dòng xe tăng có khả năng bảo vệ tốt nhất trên thế giới hiện nay. Xe tăng T-90 vẫn có thể đứng vững trước nhiều loại vũ khí chống tăng hiện nay. Xe chỉ huy thông tin BTR-60 PU được cải tiến trên cơ sở thân xe BTR-60PB. Xe được vận hành bởi kíp 3 người và chở được 12 lính bộ binh. Trọng lượng 10 tấn, dài 7,22 m, cao 2,06 m, rộng 2,82 m. Xe có động cơ 180 mã lực, tầm hoạt động 500 km với tốc độ 60-80 km/h tùy điều kiện. Phiên bản cải tiến được trưng bày tại triển lãm có thiết bị radio đi kèm và xe chuyển tiếp chỉ huy hàng không. Cửa kính Plexiglas lớn thay cho khẩu súng máy đồng trục trên tháp pháo và một máy phát điện di động lớn phía sau xe. Tổ hợp phòng không tầm trung SPYDER do Israel chế tạo, sử dụng tên lửa tầm nhiệt Python-5 và tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động Derby, có khả năng phản ứng nhanh và cơ động cao, có thể phát hiện, tiêu diệt mục tiêu như máy bay có người lái và không người lái (UAV), trực thăng và tên lửa hành trình. Tên lửa đất đối đất R-17E (Scud-B) là một trong những tên lửa đạn đạo phổ biến nhất của Liên Xô, với khoảng 7.000 quả được chế tạo và xuất hiện trong biên chế quân đội 32 nước. Viện Nghiên cứu Hòa bình và Quốc tế Stockhom (SIPRI) cho biết Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất sở hữu loại tên lửa này, với hàng chục quả được Liên Xô cung cấp năm 1981. Tên lửa có tầm bắn tối đa 300 km, trọng lượng tối đa 5.860 kg, diện tích sát thương cao nhất từ 4-6 ha. Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM "Pechora-2TM" (C125- 2TM) được thiết kế với khả năng tiêu diệt mục tiêu bay trong mọi điều kiện nhiễu, đồng thời có thể tấn công các mục tiêu mặt đất và mặt nước trong một số tình huống. Trên khí tài được trang bị 4 tên lửa đặc biệt. C125- 2TM có thể chiến đấu độc lập, hoặc hiệp đồng chiến đấu trong thế trận phòng không nhờ khả năng tương thích với mọi chủng loại radar và hệ thống thông tin chỉ huy phòng không. Lữ đoàn Không quân 918 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã đưa đến khu trưng bày ngoài trời chiếc máy bay EADS CASA C-295. Đây là máy bay vận tải hiện đại, lớn nhất của không quân Việt Nam ở thời điểm hiện tại. EADS CASA C-295 là loại máy bay vận tải quân sự chiến thuật 2 động cơ, do hãng Airbus Military, trụ sở tại Tây Ban Nha, chế tạo. Mẫu C-295 đầu tiên bay thử năm 1997 và được chào bán năm 2001. Trực thăng của Binh đoàn 18 thực hiện các nhiệm vụ bay chuyên cơ, tìm kiếm cứu nạn, vận tải hành khách, hàng hóa. Trực thăng này có thể vận tải tối đa 8,6 tấn, tốc độ tối đa 270 km/giờ. Trong thương mại có thể vận chuyển được 16 người, trong quân sự có thể vận chuyển 19 người.
Hoàng Anh - Nguyệt Quỳnh