Tin tức

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không đồng hành cùng hàng không Việt phục hồi và phát triển

Nguyệt Quỳnh 18/12/2024 13:00

Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã chủ động, thích nghi trong môi trường kinh doanh nhiều biến động cùng các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển mạng đường bay, tăng doanh thu, bổ sung dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

san bay (105)

Theo báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng hàng không Việt Nam (VABA), các doanh nghiệp thuộc VABA đã hoàn thành các nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động bay an toàn, hiệu quả, trong đó, có nhiều kết quả nổi bật về đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng hàng không; cung ứng dịch vụ, bảo đảm an toàn an ninh hàng không và phòng chống thiên tai.

Theo đó, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã chủ động, tích cực và cố gắng thích nghi với môi trường kinh doanh nhiều biến động với nhiều giải pháp để ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, nổi bật là tập trung phục hồi và phát triển mạng đường bay, thị trường hàng không, tăng doanh thu, bổ sung dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mạng đường bay nội địa do thiếu hụt đội tàu bay nên các hãng phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa, đây là nguyên nhân khiến thị trường nội địa giảm so cùng kỳ 2023 và 2019. Mặc dù vậy, các hãng vẫn duy trì mạng đường bay nội địa với 50 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM và 20 cảng hàng không. Vietnam Airlines là hãng chiếm thị phần lớn nhất với 42% và tiếp đó là Vietjet Air với 40%. Hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 84%.

san bay (110)
Vietnam Airlines và Vietjet Air là hai hãng hàng không chiếm thị phần lớn nhất với 42% và 40%. Ảnh: Khánh Huyền.

Bên cạnh đó, theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy trong 9 tháng của năm nay, sản lượng hành khách vận chuyển của các hãng hàng không đạt 40,4 triệu khách, giảm 6,6% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 13,5 triệu khách, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước, gần như phục hồi hoàn toàn khi so sánh với trước đại dịch.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ghi nhận doanh thu quốc tế tăng 11,3%. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất quý 3 của hãng đạt 862 tỷ đồng. Tận dụng sự phục hồi của thị trường vận tải cùng nỗ lực triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ... Tổng công ty tiếp tục ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh có lãi trong quý 3.

Vietjet đã vận chuyển hơn 19,6 triệu khách trên 104 nghìn chuyến bay, lần lượt tăng hơn 6% và 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó hơn 2,54 triệu khách quốc tế, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 88.964 tấn, tăng 73% so với cùng kỳ, chiếm hơn 10% thị phần hàng hóa do các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển.

Công tác quản lý hoạt động bay tính đến thời điểm hiện tại đã điều hành an toàn cho 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Công tác quản lý, điều hành kế hoạch sản xuất kinh doanh được đảm bảo chặt chẽ, sát yêu cầu thực tế và đáp ứng đầy đủ các quy định của Nhà nước.

Tổng công ty Quản lý bay (VATM) đã thực hiện nghiêm túc mọi chế độ quy định của Nhà nước trong quản lý tài chính, tài sản, vật tư; quản lý sử dụng có hiệu quả tài sản, vật tư; quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản, tiền vốn và đảm bảo khả năng thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao. Năm nay, VATM ước điều hành 862.097 lần chuyến, tăng 7,71% so với kế hoạch được giao; doanh thu ước đạt 4.219 tỷ đồng, tăng 8,2% so với kế hoạch được giao và nộp ngân sách nhà nước 2.864 tỷ đồng, tăng 18% so với kế hoạch được giao.

Các doanh nghiệp sản xuất, kỹ thuật, dịch vụ cung ứng suất ăn… luôn đảm bảo đủ nguồn lực, khai thác thị trường và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, hồi phục nhanh của vận tải hàng không, nhất là giai đoạn cao điểm dịp kỳ nghỉ hè và tết nguyên đán đảm bảo an toàn và giảm tắc nghẽn.

Tổng công ty ACC cùng các các doanh nghiệp thiết kế, xây dựng đã bám sát nhu cầu của ngành, huy động nguồn lực đưa các công trình cải tạo, mở rộng, xây dựng mới sân bay; tham gia xây dựng cảng hàng không Long Thành, Điện Biên, Tân Sơn Nhất, Nội Bài đảm bảo tiến độ và chất lượng khai thác, một số công trình vượt mốc thời gian, đưa vào khai thác sớm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của hành khách.

Năm nay, các công ty cung cấp nhiên liệu bay gặp nhiều khó khăn do nguồn cung thế giới bị thắt chặt, sụt giảm; các chi phí vận tải, lưu kho, phí tra nạp... tiếp tục ở mức cao nhưng các công ty đã bám sát diễn biến của thị trường để đưa ra chính sách tạo nguồn linh hoạt, hiệu quả tại từng thời điểm. Nhờ vậy, hoạt động cung cấp tại các sân bay luôn được đảm bảo, không xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung tại các sân bay.

Công tác đào tạo phát triển nguồn lực được chú trọng tăng cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nguồn lực cho trước mắt và lâu dài (Học Viện hàng không, Trường Đại học Mỹ, Công ty phát triển nguồn lực, Công ty Kỹ thuật máy bay….).

Nhìn chung, hoạt động vận tải, cung ứng dịch vụ hàng không năm 2024 về cơ bản đáp ứng nhu cầu của hành khách với an toàn, an ninh hàng không được đảm bảo và chất lượng dịch vụ được duy trì và nâng cao, đặc biệt là các giai đoạn cao điểm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Chiều 18/12 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) tổ chức Hội nghị Ban chấp hành và Hội nghị Thường niên năm 2024.

Hội nghị lần này sẽ thảo luận đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp hàng không nhất là các hãng hàng không vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nguyệt Quỳnh