Tin tức

Nhiều nước thắt chặt kiểm soát tại sân bay, phòng ngừa dịch bệnh bí ẩn từ Congo

Nguyệt Quỳnh 13/12/2024 13:56

Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc), Thái Lan, Italy tăng cường kiểm soát tại sân bay hoặc khuyến cáo người dân về dịch bệnh bí ẩn đang bùng phát tại Congo.

gettyimages-1209106596.jpg
Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Italy tăng cường kiểm soát tại sân bay hoặc khuyến cáo người dân về dịch bệnh bí ẩn đang bùng phát tại Congo. Ảnh minh họa: The Independent.

Mới đây, giới chức Hong Kong (Trung Quốc) ban hành quy định kiểm tra sức khỏe cho hành khách và phi hành đoàn của tất cả chuyến bay đến từ các trạm trung chuyển châu Phi để đối phó với dịch bệnh chưa xác định. Căn bệnh lạ đã khiến ít nhất 143 người tại Cộng hòa Dân chủ Congo tử vong.

Theo Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong (CHP), hành khách nhập cảnh được đo thân nhiệt. Nhân viên y tế sẽ đánh giá về sức khỏe của những người có triệu chứng, chuyển các trường hợp nghi nhiễm đến bệnh viện để kiểm tra.

CHP cũng khuyến cáo người có kế hoạch đến Congo giữ gìn vệ sinh cá nhân, tránh những nơi đông người. Du khách trở về Hong Kong nên đi khám ngay nếu cảm thấy không khỏe và thông báo cho nhân viên y tế về lịch sử du lịch của mình.

Hôm 5/12, CHP cho biết đã yêu cầu cung cấp thông tin về đợt bùng phát dịch bệnh từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi và cơ quan y tế Congo.

Theo CHP, chính quyền địa phương chưa ghi nhận trường hợp người dân hoặc du khách từ Congo đến Hong Kong mắc loại bệnh lạ. Hiện không có chuyến bay thẳng giữa hai nơi này. Du khách từ Congo thường đến Hong Kong theo diện nối chuyến ở châu Phi, đặc biệt là Johannesburg tại Nam Phi và Addis Ababa tại Ethiopia.

c1_2915227_790.jpg
Một số nước bắt đầu thắt chặt kiểm tra tại sân bay, cửa khẩu khi dịch bệnh lạ đang lây lan ở Congo. Ảnh: Bangkok Post.

Hôm 6/12, Thái Lan có động thái tương tự. Bộ Y tế nước này khuyến cáo cảnh giác về đợt bùng phát đang diễn ra. Ông Opas Kankawinpong, Thư ký thường trực của Bộ Y tế, cho biết tất cả các cơ quan y tế được yêu cầu theo dõi chặt chẽ hoạt động di chuyển của người dân và mọi thông tin cập nhật về căn bệnh này, dù Thái Lan được coi là quốc gia có nguy cơ thấp.

Ông cho biết thêm trọng tâm chủ yếu là tất cả các trạm kiểm soát y tế tại các cửa khẩu và sân bay, vì đây là tuyến đầu tiếp nhận người nhập cảnh vào vương quốc. Sân bay Suvarnabhumi vẫn chưa công bố bất kỳ biện pháp cụ thể nào để phòng ngừa dịch bệnh.

Tại Italy, giới chức quyết định tăng cường kiểm tra tại các sân bay đối với hành khách đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo. Bộ Y tế cho biết "chưa có lý do để báo động" người dân về dịch bệnh không rõ nguyên nhân này. Quốc gia chú trọng "giám sát tích cực và theo dõi liên tục" với "sự chú ý đúng mức" nhưng "không gây hoang mang".

Francesco Vaia, Tổng cục trưởng Phòng ngừa thuộc Bộ Y tế Italy, thông tin nước này đã lập tức kích hoạt các quy trình nâng cao cảnh giác tại các cảng và sân bay.

"Không bao giờ đánh giá thấp, nhưng cũng không hoảng sợ trước căn bệnh", ông Vaia nói.

Chuyên gia dịch tễ Roberto Burioni bày tỏ sự lo ngại trước căn bệnh. Ông nhận định các loại virus mới nổi "di chuyển và biến đổi rất nhanh".

Trong khi đó, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Matteo Bassetti cho rằng đây có thể là một dạng sốt xuất huyết, giống với Crimean-Congo hoặc Ebola. Ông đưa ra phỏng đoán từ các triệu chứng điển hình như sốt, đau họng, ho và thiếu máu.

Theo Bassetti, nguy cơ căn bệnh bùng thành dịch nghiêm trọng trên thế giới còn thấp. Khi một số người lo ngại về viễn cảnh Covid-19 xảy ra đúng 5 năm trước, ông nhận định "kết nối giữa Congo và các quốc gia khác chắc chắn không ở mức độ như Trung Quốc".

cyxn36vhabi3raatddfl5i2s6e.jpg
Một quan chức y tế Congo tiêm vaccine mpox cho nhân viên Hội chữ thập đỏ Congo, một bước quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát lây lan từ tâm chấn của dịch bệnh tại Cộng hòa Dân chủ Congo ngày 5/10. Ảnh: Reuters.

Tại Nhật Bản, Bộ Ngoại giao cũng khuyến cáo người dân không nên đi du lịch đến khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nếu không cần thiết.

Hôm 12/12, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nước ta cũng cho biết đã nhận được các thông tin về dịch bệnh ở Congo, sẽ theo dõi, chủ động giám sát thời gian tới.

Kể từ đầu tháng 12, Congo ghi nhận 143 người tại tỉnh Kwango tử vong, với các biểu hiện giống bệnh cúm như sốt cao và đau đầu dữ dội. Giới chức đã cử đội ngũ y tế đến khu vực Panzi để thu thập mẫu bệnh phẩm và tiến hành phân tích, nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh.

Theo kết quả xét nghiệm ban đầu từ cuộc điều tra của WHO, trong số 12 mẫu bệnh phẩm, 10 mẫu dương tính với sốt rét. Các mẫu bệnh phẩm khác sẽ được thu thập và xét nghiệm để xác định nguyên nhân chính xác.

Tiến sĩ Abdi Mahamud, Giám đốc Điều phối Cảnh báo và Ứng phó Lâm thời của WHO, cho biết sốt rét là bệnh đặc hữu trong khu vực và mùa mưa làm gia tăng các bệnh hô hấp trong mức dự kiến. Ví dụ, Kinshasa đang chứng kiến đợt tái bùng phát cúm và Covid-19.

Dữ liệu dịch tễ học không cho thấy sự gia tăng đột biến về số ca bệnh hoặc ca tử vong. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao chỉ ra nhiều vấn đề cần giải quyết tại Panzi và các khu vực dễ bị tổn thương khác.

Những ngày cuối năm nay, một dịch bệnh bí ẩn đã bùng phát tại khu vực Panzi, tỉnh Kwango, Cộng hòa Dân chủ Congo.

Với hơn 416 ca mắc và 31 người tử vong, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 14 tuổi, dịch bệnh đang đặt ra thách thức lớn cho ngành y tế của quốc gia này.

Các triệu chứng ghi nhận được bao gồm: sốt cao, ho, đau đầu, mệt mỏi và thiếu máu, khiến các chuyên gia nghi ngờ đây không phải một căn bệnh đơn lẻ mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Điều đáng lo ngại hơn cả là 70% các ca tử vong rơi vào trẻ em dưới 5 tuổi, nhóm dân số vốn đã chịu nhiều tổn thương từ tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu tiêm chủng.

Nguyệt Quỳnh