Dự án cảng hàng không Sa Pa vẫn 'ế' nhà đầu tư
Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa theo phương thức đối tác công tư vẫn là thách thức, dù cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đề xuất điều chỉnh phương án tài chính.
Sau 6 tháng tiến hành khẩn trương, Hội đồng Thẩm định liên ngành có báo cáo số 9832/BC gửi UBND tỉnh Lào Cai về kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Thời gian hoàn vốn dài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định liên ngành cho biết có 10/10 thành viên Hội đồng đã đồng ý thông qua báo cáo thẩm định (chiếm tỷ lệ 100%).
Căn cứ nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP, số thành viên biểu quyết bằng văn bản là 10/10, chiếm trên 2/3 số lượng thành viên là đủ điều kiện thông qua báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án.
Trên cơ sở hồ sơ trình thẩm định, Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Lào Cai căn cứ báo cáo thẩm định và ý kiến của các cơ quan liên quan, ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng để nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án và chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của hồ sơ, căn cứ pháp lý, số liệu, tài liệu của dự án và các nội dung giải trình theo quy định của pháp luật.
Mặc dù các đề xuất điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án đã được thông qua, nhưng Hội đồng Thẩm định liên ngành vẫn có nhiều băn khoăn về công tác lựa chọn nhà đầu tư cho dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) với tổng mức đầu tư lên tới 6.948,845 tỷ đồng.
Theo Hội đồng Thẩm định liên ngành, UBND tỉnh Lào Cai cho biết đã có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư như ưu thế về vốn nhà nước tham gia dự án tăng từ 39,29% lên 49,16% tổng mức đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, thời gian hoàn vốn ngắn nhất so với các cảng hàng không đầu tư theo phương thức PPP đã thực hiện trước đây.
Cụ thể, dự án cảng hàng không Sa Pa dự kiến hoàn vốn trong thời gian 43 năm 11 tháng, dự án cảng hàng không Vân Đồn hoàn vốn trong 46 năm, dự án cảng hàng không Quảng Trị hoàn vốn trong 47 năm.
Mặc dù vậy, Hội đồng Thẩm định liên ngành cho rằng thời gian thu hồi vốn của dự án vẫn rất dài, gấp khoảng 2 lần so với thời gian thu hồi vốn các dự án đường bộ theo phương thức PPP.
Để đảm bảo tính khả thi trong việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Lào Cai phải làm rõ và chịu trách nhiệm về việc đề xuất tăng vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư dự án sẽ bảo đảm thu hút được nhà đầu tư tham gia thông qua các cuộc làm việc, hội thảo lắng nghe nguyện vọng của các nhà đầu tư, tránh việc Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhưng vẫn không có nhà đầu tư quan tâm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lào Cai cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tăng tính hấp dẫn của dự án, như khung giá, phí, cơ chế bảo đảm đầu tư để đảm bảo tính khả thi của việc huy động nhà đầu tư và nguồn vốn tín dụng của dự án.
Phương án tài chính vẫn "mong manh"
Trước đó, UBND tỉnh Lào Cai đăng tải thông báo khảo sát sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không trong thời hạn 1 tháng (từ ngày 3/11/2021 đến ngày 3/12/2021).
Kết quả có 2 nhà đầu tư quan tâm, gồm Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa thuộc Tập đoàn Sun Group và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T. Tuy nhiên, sau 2 lần mời thầu lựa chọn nhà đầu tư (tháng 8/2022 và tháng 12/2022), không có bất cứ nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự thầu.
UBND tỉnh Lào Cai cho rằng việc đầu tư hạ tầng sân bay cần nguồn vốn rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn kéo dài, cùng với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cũng như khó khăn trong lĩnh vực bất động sản khiến các nhà đầu tư không còn mặn mà với dự án.
Việc không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu là một trong những lý do khiến UBND tỉnh Lào Cai đề xuất điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa theo phương thức PPP.
Cụ thể, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án theo đề xuất điều chỉnh của UBND tỉnh Lào Cai là 3.456 tỷ đồng, tăng khoảng 726 tỷ đồng so với phê duyệt trước đó của Thủ tướng. Dự kiến, phần vốn ngân sách nhà nước tăng thêm tại dự án sẽ do ngân sách tỉnh Lào Cai tự cân đối trong giai đoạn 2024-2027.
Phần vốn góp của Nhà nước tăng lên đã khiến dự án có giá trị hiện tại ròng tài chính (NPV) là 4.959 tỷ đồng, tỷ suất nội hoàn tài chính (IRR) là 9,356%, tỷ suất lợi ích - chi phí (B/C) là 1,01, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 10,6%, chi phí sử dụng vốn bình quân (WACC) là 9,346% và thời gian thu hồi vốn 43 năm 11 tháng.
Hội đồng Thẩm định liên ngành cho rằng những chỉ số tài chính của dự án không cải thiện đáng kể, chỉ giảm thời gian thu hồi vốn 3 năm. Lưu lượng khai thác giảm 5%, dự án sẽ không khả thi về tài chính (giá trị hiện tại ròng là âm 206,424 tỷ đồng).
Sân bay Sa Pa dự kiến được xây dựng đạt cấp 4C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và là sân bay quân sự cấp 2 với 9 vị trí đỗ máy bay. Sân bay có khả năng khai thác các loại máy bay như Airbus A320, A321 và tương đương.
Quá trình khai thác sân bay chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ đầu năm 2026, sân bay có công suất 1,5 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2 từ năm 2028, sân bay được nâng lên công suất 3 triệu khách/năm.