Trung Quốc trình làng tên lửa Trường Chinh thế hệ mới
Tên lửa đẩy thế hệ mới Trường Chinh 10 sẽ nâng năng lực vận chuyển lên quỹ đạo chuyển tiếp tới Mặt Trăng của nước này từ 8,2 tấn lên 27 tấn. Trong khi đó, tên lửa hạng nặng Trường Chinh-9 sẽ được sử dụng trong các sứ mệnh sao Hỏa.
Ông Long Lạc Hào, Viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật, đồng thời là Tổng chỉ huy đầu tiên và nhà thiết kế trưởng của dòng tên lửa đẩy Trường Chinh 3A của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, mới đây cho biết, việc phát triển các tên lửa đẩy và tên lửa hạng nặng thế hệ mới đang được xúc tiến một cách có trật tự và đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm hệ thống năng lượng giai đoạn đầu.
Trong đó, tên lửa Trường Chinh 10 (CZ-10) đang được phát triển để phóng tàu vũ trụ và tàu đổ bộ có người lái thế hệ mới trong chương trình đưa người lên Mặt Trăng. Dựa trên Trường Chinh 10, một loạt các cấu hình phái sinh cho các sứ mệnh chở người và hàng hóa lên trạm vũ trụ có thể được phát triển cho các nhiệm vụ vận hành của trạm vụ trụ và đáp ứng các yêu cầu phóng của các loại vệ tinh ứng dụng khác nhau.
Ông cũng tiết lộ, tên lửa đẩy Trường Chinh 9 (CZ-9), một phương tiện phóng hạng nặng trong tương lai, sẽ có đường kính 10,6 mét, cao khoảng 114 mét, năng lực vận chuyển lên quỹ đạo chuyển tiếp tới Mặt Trăng là 50 tấn. Tên lửa này sử dụng metan oxy lỏng làm nhiên liệu đẩy lạnh và có thể được sử dụng để phóng các sứ mệnh đưa người lên Sao Hỏa trong tương lai.
Ông lưu ý rằng cả hai tầng của tên lửa Trường Chinh 9 đều có thể tái sử dụng và được thiết kế để thu hồi trên biển. Tên lửa thế hệ mới của Trung Quốc sẽ áp dụng công nghệ tái sử dụng để giảm đáng kể chi phí và nâng cao hiệu quả của việc ra vào không gian.
Ông cho biết, tên lửa đẩy hạng nặng là biểu tượng cốt lõi của tên lửa thế hệ tiếp theo, hỗ trợ khả năng chuyên chở lên quỹ đạo Mặt Trăng của Trung Quốc lên tới 50 tấn, lấp đầy khoảng trống về năng lực chuyên chở lên quỹ đạo Trái Đất thấp đạt 100 tấn, đạt được sự phát triển nhảy vọt, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển trung và dài hạn trong thám hiểm không gian sâu và vận chuyển quy mô lớn vào không gian gần Trái Đất.
Cũng theo chuyên gia này, dòng tên lửa đẩy Trường Chinh của Trung Quốc đã trải qua 3 giai đoạn phát triển và đang tiến tới giai đoạn thứ tư bằng việc phát triển thế hệ tên lửa có người lái mới. Đến lúc đó, hệ thống vận tải không gian sẽ tích hợp hiệu quả với công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực hiện việc tự sửa chữa, học tập tương tác, có thể tự thích ứng với những thay đổi của môi trường và trạng thái tự thân, cũng như có khả năng thích ứng với các sự cố không xác định.