VATM điều hành an toàn hơn 12 triệu chuyến bay
Trong 30 năm kể từ khi tiếp nhận điều hành Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh, Việt Nam đã bảo đảm điều hành bay tuyệt đối an toàn cho gần 12 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm.
Hoạt động điều hành bay của Việt Nam cũng đang từng bước vươn tầm quốc tế khi áp dụng phương thức điều hành bay tiên tiến, quản lý luồng không lưu để tạo ra sự thay đổi căn bản về năng lực của hệ thống…
12 triệu chuyến bay được điều hành an toàn
Chiều 7/12, tại TP.HCM, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, cách đây 30 năm, sự kiện ngày 7/12/1994 đánh dấu “cột mốc son” trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam.
Theo đó, đúng 0h00 ngày 8/12/1994 (giờ quốc tế), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) chính thức giao quyền kiểm soát phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh cho Việt Nam tiếp nhận, điều hành.
Đây là kết quả của quá trình kéo dài 18 năm kiên trì, bền bỉ đấu tranh, đồng thời nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và huấn luyện đội ngũ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Việc ICAO chính thức giao quyền kiểm soát phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh cho Việt Nam đánh dấu sự trưởng thành và phát triển vượt bậc của công tác quản lý bay dân dụng Việt Nam.
Trong 30 năm qua, VATM đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho gần 12 triệu chuyến bay, đạt tổng doanh thu gần 32.000 tỷ đồng, thu điều hành bay hơn 75.000 tỷ đồng, và nộp ngân sách trên 36.000 tỷ đồng.
“Kết quả này đã thể hiện rõ tính hiệu quả về lợi ích kinh tế thu về cho ngân sách Nhà nước từ việc tiếp nhận lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh”, ông Minh nhận định.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đánh giá cao kết quả VATM đã đạt được trong năm 2024. Đó là duy trì tuyệt đối an toàn cho gần 1 triệu chuyến bay qua vùng FIR của Việt Nam, với mức tăng trưởng lưu lượng bay trên 10% so với năm 2023.
Đồng thời, chất lượng dịch vụ bay cũng đảm bảo đạt chuẩn cao nhất theo đánh giá của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), đạt trên 91%. Qua đó, đảm bảo bộ chỉ số an toàn trong cung cấp dịch vụ điều hành bay.
Nỗ lực vươn tầm quốc tế
Theo ông Lê Hoàng Minh, công tác đảm bảo điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm là nhiệm vụ quan trọng luôn được VATM đặt lên hàng đầu.
Là quốc gia thành viên của ICAO, Việt Nam luôn đáp ứng đúng yêu cầu và thỏa mãn nhu cầu không vận của hàng không dân dụng quốc tế trong khu vực. Các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là những sản phẩm đặc biệt trong một dây chuyền công nghệ khép kín, phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, không được phép có thứ phẩm.
Trong suốt 30 năm qua, VATM đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý bay của các quốc gia lân cận, các cơ quan quân sự, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng bảo đảm an toàn hàng không và góp phần vào sự phát triển của nền không vận khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đặc biệt là việc hoạch định lại hệ thống đường hàng không và tổ chức vùng trời. Qua đó, tăng năng lực quản lý, khai thác tại các cảng hàng không, sân bay và đảm bảo an toàn bay, giảm thiểu tình trạng quá tải, ùn tắc tại các sân bay lớn.
Từ năm 2016 đến nay, VATM cũng đã đầu tư đưa vào sử dụng có hiệu quả các hệ thống giám sát không lưu hiện đại với độ chính xác cao như hệ thống radar mode-S, ADS-B… giúp công tác giám sát hoạt động bay được tăng cường về chất lượng giám sát, tầm phủ cũng như đáp ứng các mức độ sẵn sàng, liên tục của hệ thống.
Các hệ thống giám sát mới cho phép thực hiện đánh giá và đáp ứng theo các tiêu chuẩn phân cách mới 03 hải lý (NM) của ICAO và Cơ quan an toàn hàng không Châu Âu (EASA).
“Việc đưa vào áp dụng các phương thức bay, đường bay sử dụng công nghệ dẫn đường vệ tinh (PBN) tại Việt Nam đã đánh dấu một cột mốc thay đổi lớn trong phương pháp điều hành bay thông qua việc tận dụng công nghệ kỹ thuật dẫn đường tiên tiến của tàu bay, từ đó giúp giảm tải khối lượng công việc của kiểm soát viên không lưu và phi công”, đại diện VATM thông tin thêm.
Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho rằng, ngành hàng không đang đối mặt với những thách thức lớn như tốc độ tăng trưởng nhanh của vận tải hàng không, yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, và đòi hỏi về an toàn bay tuyệt đối. Đồng thời, với vị trí chiến lược của vùng FIR Hồ Chí Minh, đặc biệt là khu vực Biển Đông, nhiệm vụ của VATM càng trở nên quan trọng.
Do đó, Thứ trưởng đề xuất VATM tập trung vào các mục tiêu như Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay trong FIR Hồ Chí Minh; Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Tăng cường hội nhập quốc tế và hợp tác khu vực; Thúc đẩy phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới xây dựng ngành hàng không xanh và thân thiện với môi trường.
Thủ tướng biểu dương VATM vượt tiến độ tại Dự án sân bay Long Thành
Trong chuyến thị sát, kiểm tra tiến độ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đầu tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khen ngợi tiến độ triển khai Dự án thành phần 2 do VATM thực hiện. Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực của đơn vị trong việc hoàn thành các hạng mục công trình không chỉ đúng tiến độ mà còn vượt tiến độ yêu cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã đánh giá cao kết quả thực hiện Dự án thành phần 2 và đề nghị Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và khen ngợi những thành tích xuất sắc này.
Theo báo cáo của VATM, việc thực hiện Dự án thành phần 2, bao gồm các công trình phục vụ quản lý bay, thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đang đạt tiến độ tốt.
Các hạng mục quan trọng của dự án như Đài Kiểm soát không lưu, Trạm radar sơ cấp/thứ cấp, Trạm thu sóng vô tuyến và các trạm giám sát phụ thuộc đang được thi công gấp rút. Đến nay, các công trình này đã hoàn thành phần thô, bao gồm các hạng mục như nhà kỹ thuật và tháp radar.
Cụ thể, Đài Kiểm soát không lưu đã hoàn thành đến cao độ +107,880m và đang thi công phần mở rộng tháp từ tầng 15 trở lên. Các trạm radar, trạm thu sóng vô tuyến, và trạm giám sát phụ thuộc cũng đạt khoảng 90% khối lượng thi công.
Bên cạnh đó, Trạm radar khí tượng và Đài dẫn đường đa hướng cũng đang được triển khai tích cực, với khối lượng hoàn thành đạt từ 80% đến 90%. Các công tác xây trát, lắp đặt hệ thống điện, cấp thoát nước và các công đoạn hoàn thiện khác đang được thực hiện đồng thời, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Dự án cũng đang tích cực triển khai các gói thầu thiết bị chuyên ngành, với kế hoạch lựa chọn nhà thầu vào năm 2024 và lắp đặt hoàn tất vào năm 2025.