Tin tức

Bình Thuận lo khó thu hút đầu tư nếu chậm xây sân bay Phan Thiết

Nam Bình 06/12/2024 11:26

Bình Thuận lo ngại việc chậm xây dựng sân bay Phan Thiết sẽ khiến địa phương khó thu hút nhà đầu tư, ngành du lịch cũng khó phát triển.

Tỉnh Bình Thuận hiện đang khẩn trương làm việc với Bộ, ngành liên quan tháo gỡ vướng mắc để sớm triển khai hạng mục dân dụng Cảng hàng không quốc tế Phan Thiết.

Chiều 5/12, tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 29 - HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã thông tin tiến độ mới nhất về dự án Cảng hàng không quốc tế Phan Thiết (sân bay Phan Thiết) hạng mục hàng không dân dụng, theo hình thức BOT.

Phối cảnh sân bay Phan Thiết. Ảnh Sở GTVT Bình Thuận.
Phối cảnh sân bay Phan Thiết. Ảnh: Sở GTVT Bình Thuận.

Ông Dũng cho rằng theo quy định tài sản quốc phòng an ninh là tài sản đặc biệt không thể sử dụng cho mục đích dân sự, dịch vụ, kinh doanh. Nếu chiểu theo quy định này phải sửa luật sẽ mất nhiều thời gian.

Do vậy, để mời gọi nhà đầu tư, dự án sớm triển khai cần tính toán lại đưa vào tài sản mang tính chất lưỡng dụng. Vừa qua tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng xem xét đưa đường băng vào hạng mục lưỡng dụng để dùng chung.

Theo ông Dũng, Bình Thuận là tỉnh du lịch, công nghiệp, việc chậm trễ đầu tư sân bay sẽ mất cơ hội, thiệt thòi rất lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cảng hàng không Phan Thiết được khởi công xây dựng vào tháng 1/2015. Đến nay, các hạng mục quân sự đang được Quân chủng Phòng không – Không quân xây dựng đã khai thác bay quân sự vào đầu tháng 8/2024. Đường dẫn vào sân bay sẽ hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến vào cuối tháng 12/2024.

Riêng hạng mục dân dụng do có sự điều chỉnh từ cấp sân bay cấp 4C lên cấp 4E với quy mô đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Về hình thức đầu tư sân bay Phan Thiết, sẽ thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT và đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Mới đây, phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 tổ chức tại Bà Rịa Vũng Tàu ngày 2/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh chủ trương hợp tác công tư đối với lĩnh vực hạ tầng hàng không. Trong thời gian tới sẽ chỉ có 3 sân bay Quốc phòng chuyên dụng, còn lại, các sân bay, đường băng sẽ là lưỡng dụng. Ngoài ngành hàng không, hạ tầng của các lĩnh vực khác từ sân vận động đến nhà văn hoá cũng áp dụng hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hợp tác với nhà đầu tư cũ là Công ty Cổ phần Rạng Đông. Hiện, tỉnh Bình Thuận đang xúc tiến việc lựa chọn thay thế nhà đầu tư để sớm tái khởi động hạng mục sân bay dân dụng theo quy định.

Ông Huỳnh Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, dự kiến nếu chọn được nhà đầu tư thay thế trong năm 2025 thì cuối năm 2025 sẽ triển khai hạng mục dân dụng sân bay Phan Thiết. Một năm sau, hạng mục hàng không dân dụng sẽ hoạt động.

Tuyến đường vào Sân bay Phan Thiết sắp hoàn thiện. Ảnh: Bảo Giang.
Tuyến đường vào Sân bay Phan Thiết sắp hoàn thiện. Ảnh: Bảo Giang.

Về dự án giao thông kết nối giữa sân bay Phan Thiết với nội ô thành phố Phan Thiết, tiến độ thi công hiện đạt nhiều kết quả khả quan. Đơn vị thi công đang gấp rút thảm nhựa hơn 1km cuối cùng để cán đích, vượt tiến độ so với kế hoạch. Dự kiến, đến ngày 10/12, nhà thầu sẽ hoàn thành thảm nhựa toàn bộ tuyến chính, vượt tiến độ 2 tuần so với kế hoạch ban đầu.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối sân bay Phan Thiết với trục ven biển Võ Nguyên Giáp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển vào nội ô TP Phan Thiết và các khu du lịch, resort nổi tiếng tại Mũi Né (Bình Thuận).

Bình Thuận đón 9,68 triệu lượt khách trong năm 2024

Báo cáo tại kỳ họp, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2024 của Bình Thuận tăng 7,25%, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 9 trên 14 các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng hơn 10%, đặc biệt là sự tăng trưởng trở lại của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%. Du lịch đón 9,68 triệu lượt khách, tăng gần 16%, doanh thu khoảng 25.530 tỷ đồng.

Nam Bình