Chính sách

Mức giá trần vé máy bay nội địa cao nhất 4 triệu đồng

Nguyệt Quỳnh 04/12/2024 19:56

Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) quy định giá trần dịch vụ hàng không và cho phép doanh nghiệp quyết định mức giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại các sân bay.

san bay (35)
Cơ quan quản lý Nhà nước không quy định khung giá (giá trần và giá sàn) như hiện hành, thay vào đó chỉ quy định giá trần và doanh nghiệp quyết định mức giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại các sân bay. Ảnh minh họa: Khánh Huyền.

Bộ GTVT vừa ban hành thông tư 44/2024 quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không. Thông tư có hiệu lực từ 1/1/2025.

Điểm mới nhất tại thông tư này là việc cơ quan quản lý Nhà nước không quy định khung giá (giá trần và giá sàn) vé máy bay như hiện hành, thay vào đó chỉ quy định giá trần.

Theo đó, giá vé máy bay nội địa được phân loại theo cự ly nhóm đường bay. Cụ thể, nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500 km phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (là những đường bay đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và chỉ một hãng hàng không khai thác) có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé một chiều.

Nhóm đường bay khác dưới 500 km có mức giá trần là 1,7 triệu đồng/vé/chiều.

Nhóm đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có giá trần là 2,250 triệu đồng/vé/chiều.

Nhóm đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km mức giá trần là 2,890 triệu đồng/vé/chiều.

Nhóm từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có mức giá 3,4 triệu đồng/vé/chiều.

Nhóm từ 1.280 km trở lên mức giá trần là 4 triệu đồng/vé/chiều.

img_4097.png
Giá trần vé máy bay nội địa được phân loại theo cự ly nhóm đường bay. Đồ họa: Hoàng Hà.

Mức giá tối đa dịch vụ quy định đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, không bao gồm các khoản thu như thuế giá trị gia tăng, các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm giá dịch vụ phục vụ hành khách tại sân bay, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý và các khoản giá dịch vụ tăng thêm.

Theo thông tư của Bộ GTVT, các hàng hàng không phải gánh các loại giá (nếu sử dụng) như dịch vụ điều hành bay đi và đến, dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý, dịch vụ cất cánh và hạ cánh máy bay, dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không, dịch vụ phục vụ hành khách tại sân bay và dịch vụ cho thuê sân đậu máy bay.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không cần thanh toán một khoản tiền nếu thuê dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên và xuống máy bay, dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách, dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý, dịch vụ phân loại tự động hành lý, dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không và dịch vụ cho thuê mặt bằng ở sân bay.

Đối với hãng hàng không Việt Nam lần đầu tiên tham gia khai thác thị trường vận chuyển hàng không được áp dụng mức giá bằng 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay đi, đến. Thời hạn áp dụng chính sách trên là 36 tháng kể từ ngày bắt đầu khai thác.

Đối với các đường bay quốc tế mà chưa có hãng nào khai thác trong thời gian ít nhất 1 năm trước đó, nếu có hãng muốn khai thác, Bộ GTVT đưa ra chính sách giảm 50% mức giá theo quy định đối giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay đi, đến. Thời hạn áp dụng 24 tháng kể từ ngày bắt đầu khai thác.

Tuy nhiên, đối với sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng các hãng chỉ được hưởng mức giá bằng 90% các loại dịch vụ nêu trên. Thời hạn áp dụng cũng chỉ 12 tháng kể từ ngày bắt đầu khai thác.

Đối với trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi một số loại dịch vụ chỉ thu bằng 50% mức giá quy định.

Về giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại các sân bay như phở, bún, bánh mỳ… Bộ GTVT quy định doanh nghiệp tự quyết định chi phí phục vụ, nhưng không vượt quá 15% so với giá tối đa quy định.

Nguyệt Quỳnh